Đức vừa bước sang trang mới sau 16 năm cầm quyền của bà Angela Merkel khi ông Olaf Scholz, thành viên của đảng Dân chủ xã hội (SPD), chính thức lên nắm quyền Thủ tướng. Trong khi đó, Pháp đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử tổng thống nhưng vẫn còn những điều chưa chắc chắn vào mùa xuân này, còn Italy đang hồi hộp chờ đợi xem Thủ tướng Mario Draghi có rời nhiệm hay không.
"Chúng ta có thể đang ở một 'thời khắc lịch sử' sâu sắc, có ý nghĩa tích cực đáng kể đối với các chính sách", ông Erik Nielsen, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn tài chính UniCredit (Italy) bình luận.
Chuyên gia này cho rằng: "Chính phủ mới của Đức sẽ mang lại những cải cách đáng kể ở Đức nếu chúng ít gây xôn xao và dễ hiểu hơn; rất có thể điều đó cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những cải cách ở châu Âu".
Chính phủ mới thành lập của Đức đã cam kết khử carbon trong nền kinh tế và đầu tư vào số hóa. Đồng thời, theo đuổi việc thực hiện chính sách tài khóa lành mạnh từ năm 2023 trở đi, một khi các biện pháp kích thích thời dịch Covid-19 không còn nữa.
Những mục tiêu này có khả năng ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận của châu Âu về việc cập nhật bộ quy tắc tài khóa - một chủ đề thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư.
Trên thực tế, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã siết chặt các mục tiêu thâm hụt và nợ, nhưng lại thiếu thực thi các quy tắc này. Câu hỏi đặt ra là liệu những mục tiêu nghiêm ngặt đó sẽ còn hiệu lực trong một thế giới hậu đại dịch hay không, các chính phủ sẽ chi bao nhiêu và ở đâu và tác động trực tiếp đến thị trường trái phiếu ra sao.
Các nhà phân tích tại Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) nhận định: "Các biện pháp kích thích trước đây cộng với các chính sách đầu tư ấn tượng của Chính phủ mới (Đức) sẽ được triển khai trong năm 2022 và mang lại hiệu suất tăng trưởng mạnh mẽ".
Theo Cơ quan thống kê quốc gia Đức, nền kinh tế Đức - đầu tàu kinh tế của EU - đạt tăng trưởng 2% trong quý II/2021 và 1,7% trong quý III. Nền kinh tế này trước đó suy giảm gần 5% trong năm 2020. Những kết quả tăng trưởng này đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và các vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Ngay khi những gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu thuyên giảm và làn sóng đại dịch lần thứ tư bị đẩy lùi lại phía sau, thì sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ, tiêu dùng cá nhân sẽ bắt đầu tăng lên, đầu tư sẽ khởi sắc và Đức sẽ có sự trở lại ấn tượng với một nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất châu Âu trong năm 2022", ông Erik Nielsen dự đoán.
Vào tháng 10/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Đức sẽ đạt 4,6% trong năm 2022, cao hơn so với mức tăng trưởng dự báo đối với Pháp và Italy.
Tại Pháp, cử tri đang hướng tới các cuộc bầu cử tổng thống vào cuối tháng 4 năm nay. Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron vẫn chưa công bố ý định tranh cử lần thứ hai. Thế nhưng, ông đang nhận được sự ủng hộ cao nhất trong số các ứng viên tranh cử tổng thống lần này.
Dù vậy, vẫn còn nhiều thời gian trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 và các kết quả thăm dò cử tri vẫn có thể thay đổi, thậm chí khi các ứng cử viên chính thức hóa kế hoạch hành động của họ cho vị trí tổng thống.
Eric Zemmour, một ứng cử viên phản đối nhập cư, được xem là mối đe dọa đối với chính trị gia có chung tư tưởng Marine Le Pen. Trong khi đó, việc bà Valerie Pecresse dẫn dắt chiến dịch bảo thủ trung hữu cũng được coi là một thách thức đối với Tổng thống Macron nếu ông quyết định tái tranh cử.
Theo đánh giá của chuyên gia Erik Nielsen, bà Valerie Pecresse là "ứng cử viên có thể nghiêm túc thách thức ông Macron, người được nhiều cử tri ủng hộ nhưng chưa công bố quyết định tái tranh cử" nếu lọt vào vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống. Hiện tại, bà Valerie Pecresse có tỷ lệ ủng hộ đứng ở vị trí thứ 4, sau ông Macron và hai ứng cử viên cực hữu.
"Do đó, ông Macron sẽ phải điều chỉnh lộ trình, thậm chí phải thu hẹp hơn để cải cách nước Pháp, đặc biệt là liên quan đến vấn đề lương hưu, dịch vụ công và thị trường lao động", các nhà phân tích tại ING nhận xét.
Dẫu vậy, một chiến thắng của Tổng thống đương nhiệm Macron sẽ đồng nghĩa rằng Pháp vẫn có một nhà lãnh đạo thân châu Âu và đang tìm cách hợp tác với Đức và Italy để cải cách khu vực này.
Còn tại Italy, người dân đang dõi theo liệu ông Mario Draghi sẽ tiếp tục làm thủ tướng hay sẽ trở thành tổng thống tiếp theo. Theo đài CNBC, trong kịch bản ông Mario Draghi làm tổng thống, sẽ có một làn sóng mới về bất ổn chính trị do sự chia rẽ trong Quốc hội Italy.
"Điểm mấu chốt là sự cân bằng chính trị có được kể từ khi ông Draghi được bổ nhiệm làm thủ tướng sẽ bị lung lay nếu không muốn nói là bị phá vỡ bởi cuộc bỏ phiếu tổng thống sắp tới", ông Wolfango Piccoli, đồng Chủ tịch Công ty tư vấn doanh nghiệp Teneo nêu quan điểm.
Nếu nắm giữ vị trí Tổng thống Italy, ông Draghi sẽ có ít ảnh hưởng trực tiếp hơn đến nền chính trị nước này. "Ông Draghi sẽ thay mặt cho Italy đấu tranh từ dinh tổng thống", đồng Chủ tịch Công ty Teneo nói. Tuy nhiên, Italy vẫn sẽ có một tổng thống thân châu Âu, người mà sẽ có tiếng nói đối với một số biện pháp mà chính phủ mới triển khai thực hiện.
Còn trong trường hợp ông Draghi tái cử chức thủ tướng, nhiệm vụ của ông "có thể phức tạp hơn trong những tháng tới, tùy thuộc vào cách liên minh cầm quyền quản lý quá trình bầu cử tổng thống", đồng Chủ tịch Công ty Teneo nhận định.
Là người đứng đầu một chính phủ kỹ trị, ông Draghi được hỗ trợ bởi các nhóm chính trị khác nhau trong Quốc hội Italy. Nếu không có phiếu bầu của các nhóm này, công việc của Draghi có thể gặp trở ngại khi đưa luật mới ra thảo luận và xem xét thông qua.
Với chuyên gia kinh tế Erik Nielsen, kịch bản ông Draghi sẽ vẫn giữ chức Thủ tướng Italy cho đến cuộc bầu cử vào năm 2023 là gần như chắc chắn. Điều này có thể đảm bảo rằng Italy vẫn có thể tạo ra những ảnh hưởng chưa từng có tiền lệ lên các chính sách quan trọng của châu Âu vào năm tới.