Ví điện tử và fintech đang cướp khách ngân hàng?
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) đánh giá, một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua là sự nổi lên đáng chú ý của những tay chơi mới, đặc biệt là ví điện tử. “Dù giá trị giao dịch còn kém xa ngân hàng, song số giao dịch tại các ví điện tử đã gần tương đương lượng giao dịch của các ngân hàng”, ông Dũng cho hay.
Ngoài ví điện tử, rất nhiều hình thức thanh toán khác như QR code, mPOS, Ecom, phương thức thanh toán không chạm (Contactless), Mobile Money cũng đã hoặc sắp xuất hiện. Riêng với QR code, hiện có khoảng 30 ngân hàng triển khai với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán trên thị trường.
Dù ví điện tử phát triển bùng nổ, song lãnh đạo các ngân hàng không tỏ ra lo lắng về việc bị cạnh tranh, mà nhìn nhận tích cực về cơ hội mở rộng hợp tác.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank khẳng định, các mô hình kinh doanh không tiền mặt từ các tổ chức trung gian thanh toán đang và sẽ tiếp tục là điểm sáng với sự bùng nổ về tính năng, công nghệ và trải nghiệm người dùng. Các hình thức này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
“Thị trường thanh toán điện tử trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự tham gia của các tổ chức phi tài chính. Các công ty công nghệ tài chính (fintech) được dự đoán sẽ ngày càng bùng nổ. Thu hút vốn đầu tư fintech của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong ASEAN (98% thuộc về lĩnh vực thanh toán). Những đối thủ mới này là động lực thúc đẩy các ngân hàng, đồng thời tạo nhiều cơ hội hợp tác để mở rộng quy mô và độ phủ”, ông Hưng nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV cho rằng, sự hợp tác giữa ngân hàng và fintech ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. “Fintech phân loại các sản phẩm ngân hàng truyền thống, cung cấp các tùy chọn chi phí thấp hơn với trải nghiệm người dùng tốt hơn, thu hút khách hàng thông qua các kênh số hóa được cung cấp cho việc tiếp nhận ban đầu, nhanh chóng, không cần giấy tờ”, ông Thắng nhận định.
Bắt tay hình thành hệ sinh thái số, cuộc chiến sống còn
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng đã gần 92%. Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở các ngành thương mại điện tử, bán lẻ, y tế, giáo dục… Làm được điều này là nhờ ngân hàng đã bắt tay với các ví điện tử và các trung gian thanh toán khác hình thành một hệ sinh thái số thuận tiện.
Chúng tôi đang nghiên cứu xem có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không. Lý do là hiện nay, tham gia lĩnh vực thanh toán có rất nhiều chủ thể (fintech, Big Tech…), chứ không chỉ có tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới như QR, tiền điện tử… Hiện đã có 84 quốc gia có Luật Thanh toán, gần Việt Nam nhất là Lào và Campuchia đã có luật này.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)
“Trước Covid-19, vào ứng dụng (app) của Vietcombank, tôi không nhìn thấy dịch vụ Vnshop, nhưng hiện nay, vào app này, khách hàng có thể mua được mọi mặt hàng. Đương nhiên, ngân hàng không thể đi từng quán phở, tiệm cơm để kết nối, mà phải trông qua các trung gian thanh toán. Điều này cho thấy, hệ sinh thái số đã hình thành. Người tiêu dùng ngày càng thay đổi, ngân hàng nào không làm được thì không thể tồn tại”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV cho biết thêm, BIDV đã kết nối với gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ cho phép thanh toán không tiền mặt. BIDV cũng liên tục mở rộng và kết nối với các đối tác, công ty fintech, các doanh nghiệp để xây dựng hệ sinh thái số.
Hiện có hơn 90% người dân Trung Quốc ở các thành phố lớn sử dụng WeChat Pay và Alipay như một phương thức thanh toán phổ biến. Năm 2019, số lượng khách hàng hoạt động hàng tháng của Alipay và WeChat Pay lần lượt khoảng 1,2 tỷ và 1 tỷ người dùng.
Theo ông Thắng, Alipay và WeChat Pay thành công không phải nhờ dịch vụ thanh toán, mà nhờ đã mở ra một cánh cổng dẫn đến một hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số rộng lớn cho người dùng. Theo đó, cả hai gã khổng lồ này đều liên kết tài khoản ví với các nền tảng bán lẻ và các sản phẩm khác như đầu tư, bảo hiểm, thương mại điện tử...
Với Việt Nam, để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, theo ông Thắng, cần phải xây dựng môi trường sinh thái thanh toán điện tử mà ngân hàng, ví điện tử là một phần trong hệ sinh thái này. Giống như Trung Quốc, để thành công, ngân hàng và fintech, ví điện tử cần tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, tiện ích để phục vụ khách hàng.
Đương nhiên, để kết nối, việc chia sẻ dữ liệu là không thể tránh. Song việc chia sẻ dữ liệu đang tồn tại lỗ hổng pháp lý. Đơn cử, thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông... chỉ có thể làm được nếu có sự vào cuộc của tất cả thành phần liên quan. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải có đủ công nghệ, tiêu chuẩn để đánh giá mức độ rủi ro khi chia sẻ dữ liệu với từng đối tác, đảm bảo an toàn hệ thống.
“Về việc chia sẻ dữ liệu để xác minh khách hàng, tránh tình trạng giả mạo thông tin trên các kênh giao dịch trực tuyến, ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong phòng chống tội phạm lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố”, ông Nguyễn Hưng chia sẻ.