Những rủi ro nào mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt?

Dù nền kinh tế đang có bước tăng trưởng đột phá, kinh tế vĩ mô ổn định, song nhiều chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt.

Cảnh giác nguy cơ lạm phát quay trở lại

Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,59% so với tháng trước, CPI bình quân 9 tháng tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, lạm phát tiếp tục được kiểm soát trong mục tiêu đề ra (4%).

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, xu hướng lạm phát những tháng cuối năm còn nhiều thách thức, khi giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, không ổn định.

Những rủi ro nào mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt? ảnh 1

Chỉ số CPI bình quân đã tiệm cận mức trần 4%. Trong. Ảnh: Quầy rau quả tại siêu thị VinMart. Ảnh: Đức Thanh 

Thực tế cho thấy, kể cả so với cùng kỳ hay so bình quân, thì mức tăng CPI của tháng 9 năm nay so với tháng 9 của nhiều năm trước không phải quá cao.

Chẳng hạn, tháng 9/2010, CPI tăng tới 1,31% so với tháng trước đó. Cũng năm này, CPI 9 tháng bình quân tăng tới 8,64%. Nhưng nếu chỉ tính trong vòng 3 năm gần đây, thì CPI tháng 9/2017 kể cả so với tháng trước đó hay tính bình quân đều cao hơn so với năm 2015 - 2016.

Năm 2015, CPI tháng 9 thậm chí còn giảm 0,21% so với tháng trước đó; còn CPI bình quân 9 tháng chỉ tăng 0,74%. Năm 2016, mức tăng tương ứng là 0,54% và 2,07%.

Thêm vào đó, xu hướng trong những tháng gần đây, CPI tính theo tháng bắt đầu nhích dần. Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát năm nay dù vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng không thể lơ là.

Xu hướng trong những tháng gần đây, CPI tính theo tháng bắt đầu nhích dần. Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát năm nay dù vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng không thể lơ là.   

Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chỉ số CPI bình quân hiện đã tiệm cận mức trần 4%, nên dư địa điều hành lạm phát không còn nhiều. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 9 tháng mới đạt 11,02%, còn cách so với mục tiêu 21% tới 10 điểm phần trăm, có nghĩa rằng, 3 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng tín dụng sẽ tăng trên 3%. “Điều này có thể gây sức ép lên lạm phát, vượt quá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và có nguy cơ gây tăng trưởng bong bóng ở một số lĩnh vực, nhất là bất động sản, ảnh hưởng rất lớn đến tính ổn định, bền vững của kinh tế vĩ mô”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Chưa kể, theo các chuyên gia, việc cuối năm, vốn đầu tư được tập trung đưa vào giải ngân cũng có thể tác động tới lạm phát.

Cần định hướng đúng dòng tín dụng

Việc Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, có thể dẫn tới quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa.

“Đây là một rủi ro. Bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu vốn đã và đang là vấn đề nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng. Nợ công hiện cũng đã chạm trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nếu kỷ luật ngân sách yếu đi thì cũng sẽ đe dọa quá trình củng cố tài khóa và bền vững nợ”, ông Sidgwick nói.

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chínhquốc gia, vấn đề quan trọng không hẳn là tín dụng bằng bao nhiêu phần trăm GDP, hay tăng trưởng bao nhiêu, mà là dòng vốn đó sẽ đi đâu, vào khu vực sản xuất, hay vào bất động sản, vay tiêu dùng. “Theo tính toán của chúng tôi, năm 2019 mới tới ngưỡng nguy hiểm của tín dụng”, ông Phước nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, quan trọng là tiền đưa ra được sử dụng hiệu quả và phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Tương tự như vậy, chuyện chạm trần nợ công 65% GDP cũng không quan trọng bằng việc đồng vốn vay về được sử dụng hiệu quả.

“Thực tế trong 9 tháng đầu năm, đặc biệt là quý III vừa qua, tăng trưởng kinh tế không phải nhờ vào khai khoáng hay tăng tín dụng như trước đây, mà là do tăng trưởng sản xuất ở một số mặt hàng chủ lực, như điện tử, điện thoại…”, ông Cung nói.

Liên quan tới vấn đề này, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc đến khuyến nghị của các chuyên gia cho rằng, cần thận trọng trong điều hành tăng trưởng tín dụng.

“Những tháng cuối năm, điều hành tín dụng nên tập trung theo hướng tăng trưởng ở mức hợp lý, có thể hướng tới mục tiêu tối đa là 21%, nhưng cần có dẫn hướng tỷ trọng tín dụng cho các ngành ưu tiên, các ngành sản xuất - kinh doanh, đảm bảo kiểm soát chất lượng tín dụng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm và cho rằng, công tác quản lý giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.

Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuối năm là thời điểm nhạy cảm về tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá dầu…, do vậy cần nghiên cứu, theo dõi sát biến động tài chính, tiền tệ quốc tế để có phản ứng chính sách phù hợp.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục