Những quyết sách đặt nền móng cho hệ thống ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trả khoản nợ 1 tỷ USD cho Câu lạc bộ London; lần đầu tiên thiết lập tỷ giá và lãi suất theo nguyên tắc thị trường; rạch ròi chính sách tín dụng chính sách và thương mại; xử lý nợ tồn đọng và cơ cấu lại các TCTD yếu kém, chuyển sang sử dụng tiền polymer..., ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chia sẻ về những dấu mốc quan trọng đối với hệ thống ngân hàng và ngành tài chính Việt Nam. 
Thay thế tiền giấy bằng tiền Polymer là quyết định gây tranh cãi nhưng cho đến nay đã khẳng định tính đúng đắn. Thay thế tiền giấy bằng tiền Polymer là quyết định gây tranh cãi nhưng cho đến nay đã khẳng định tính đúng đắn.

Giới tài chính vẫn truyền tai nhau về một khoản nợ lên tới 1 tỷ USD của Việt Nam giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước đã được giải quyết một cách êm đẹp. Là Phó Thống đốc và Thống đốc NHNN giai đoạn này, chắc hẳn ông không thể ngoài cuộc?

Món nợ Câu lạc bộ London là do Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp được Nhà nước ủy thác vay một số nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế dưới hình thức hàng hóa và tài chính với tổng số nợ lũy kế đến giai đoạn phải xử lý là khoảng 1 tỷ USD.

Để xử lý, Việt Nam có khoản trợ giúp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay dài hạn 30 năm tương ứng 60 - 70 triệu USD nhằm trả ngay một khoản tiền mặt cho các chủ nợ, dùng để trang trải về chi phí luật sư và các khoản liên quan đến các cuộc họp đàm phán với các chủ nợ qua Câu lạc bộ London.

Kết quả đàm phán, sau khi các chủ nợ nhận được khoản tiền vài chục triệu USD trả trước (nguồn tiền do WB cho vay), Việt Nam được các chủ nợ đồng ý giảm một nửa số nợ. Việt Nam chỉ còn nợ khoảng 500 triệu USD, trong đó có một phần đã được trả trước.

Phần còn lại, Việt Nam phát hành trái phiếu nhận nợ ra thị trường quốc tế với 3 loại trái phiếu là DISCOUNT BOND, PAST DUE INTEREST BOND và PAR BOND.

Trái phiếu này được phát hành với kỳ hạn 30 năm, sau 30 năm Việt Nam sẽ trả hết khoản nợ gần nửa tỷ USD thông qua các trái phiếu này.

Mệnh giá trái phiếu là 1 USD và có lẽ tôi là người Việt Nam duy nhất ký tên trên tờ trái phiếu nợ phát hành trên toàn thế giới vào thời điểm đó. Rồi nợ của Câu lạc bộ London được xử lý. Việt Nam tái hòa nhập hoàn toàn với thị trường tài chính quốc tế.

Khoảng 2 năm sau xảy ra khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực châu Á (1997 - 1998). Thái Lan thả nổi tiền tệ, đồng Bath sau nhiều năm cố định ở mức 25 Bath/1 USD trở nên mất kiểm soát. Có thời điểm giảm tới mức trên 50 Bath/1 USD, luồng vốn chạy ra khỏi Thái Lan. Indonesia đưa lãi suất nội tệ lên 40%/năm để giữ giá đồng rupi, rồi dẫn đến tình trạng kinh tế khủng hoảng, Tổng thống Suharto bị lật đổ.

Các nhà đầu tư nước ngoài và chủ nợ cho rằng, Việt Nam cũng sẽ lâm vào tình trạng không khác các quốc gia kia nên khả năng trả nợ hay hoàn lại vốn đầu tư vào Việt Nam là rất ít và cũng có tình trạng tháo chạy, gây nên căng thẳng trên thị trường ngoại hối Việt Nam.

IMF buộc phải đưa ra chương trình cứu trợ với những ràng buộc chính sách ngặt nghèo đối với nước vay nợ, đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, thời điểm này có cái lợi là trái phiếu nhận nợ Câu lạc bộ London bị bán tháo và xuống mức thấp nhất là 28 cent/trái phiếu, giảm đến 72%. NHNN thấy đây là cơ hội và đề nghị Chính phủ mua lại trái phiếu này nhưng lẳng lặng mua trong giá từ 28 - 32 cent/trái phiếu bằng nguồn dự trữ ngoại hối, mặc dù nguồn này rất hẻo.

450 triệu USD giảm được 70% còn khoảng 130 triệu USD, Việt Nam trả được nợ và thoát ra khỏi mọi ràng buộc của các chủ nợ. Đây là một quyết định có lợi, kịp thời và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Ông vừa đề cập đến việc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực châu Á năm 1997 gây nên căng thẳng thị trường ngoại hối Việt Nam, liệu đây có phải là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ giá lần đầu tiên được thiết lập theo nguyên tắc thị trường?

Khủng hoảng tài chính khu vực 1997 khiến giới đầu tư hoảng loạn tại khu vực Đông Nam Á, khởi đầu là Thái Lan đến Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Malaysia.

Trước đó, năm 1987, với Luật Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đến với Việt Nam và Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các định chế tài chính và thị trường tài chính quốc tế, bình thường hoá quan hệ với Mỹ.

Tất cả những điều này khiến luồng ngoại tệ chảy vào Việt Nam, cán cân vốn luôn thặng dư cao, tuy nhiên, tỷ giá hối đoái của Việt Nam luôn ở mức cố định 10.000 VND/USD và đến lúc căng nhất cũng chỉ 10.500 VND/USD suốt từ khoảng năm 1987 đến năm 1996.

Trước khi về NHNN, tôi đã từng làm việc với các giáo sư Harvard và nhận được sự đánh giá về việc để VND lên giá như vậy là không có lợi, trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam gần như bằng 0.

Sau đó, Việt Nam vay Mitsuibishi khoảng 60 triệu USD để làm “mồi” cho dự trữ ngoại hối và mua thêm vào, đồng thời với đó là một số khoản vay ODA cùng các nhà đầu tư chuyển vốn vào Việt Nam được Chính phủ giải ngân bằng tiền Việt, đưa đến tổng dự trữ của Việt Nam vào năm 1996 chưa đầy 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, cuối năm 1996, bắt đầu có cơn sốt ngoại tệ ở trong nước. Theo chỉ đạo ban đầu, NHNN bán ra can thiệp để giữ tỷ giá và trong khoảng một tuần bán hết 300 triệu USD.

Nhưng, tỷ giá trên thị trường, nhất là thị trường tự do vẫn tiếp tục đi lên, mua bán ngoại tệ hết sức khó khăn, trong khi tỷ giá của NHNN vẫn ấn định khoảng 10.500 VND/USD. Đây là lý do mà tôi bỗng dưng “bị” giao nhiệm vụ phải trực tiếp điều hành tỷ giá dù đang trong thời gian tìm hiểu công việc.

Biên độ giao dịch của tỷ giá hối đoái dựa trên tỷ giá chính thức quy định cộng trừ 0,1% luôn luôn bị áp lực vượt quá trên thị trường và biện pháp đầu tiên NHNN đưa ra là đưa biên độ giao dịch lên cộng trừ 0,5%, sau đó là lên 1%.

Với mức điều chỉnh này có thể mua được - bán được và không đòi hỏi sự can thiệp của NHNN (mặc dù thời điểm này mua - bán ngoại tệ không dễ).

Nhưng, cũng chỉ được một thời gian ngắn, vì áp lực cầu quá lớn so với nguồn cung trên thị trường ngoại hối, NHNN phải trình Bộ Chính trị qua Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh tỷ giá và phải nói, đây là một việc không dễ dàng đạt được sự đồng thuận cả bên trong lẫn bên ngoài.

Dự trữ ngoại hối từ con số không, hiện rất vững vàng.
Dự trữ ngoại hối từ con số không, hiện rất vững vàng.

Tổng Bí thư Đỗ Mười sau khi nghe các phân tích đã đưa ra một chỉ đạo đúng, là phải giải quyết vấn đề giống như tiêm huyết thanh cho người bệnh. Nhỏ từng giọt, tốc độ nhanh quá có thể gây sốc, chậm quá con bệnh không được đáp ứng đủ, vậy nên chọn mức độ nào để có thể chịu đựng được, giúp vượt qua khủng hoảng.

Quyết sách mà NHNN đề xuất và được chấp nhận là khoảng 6 tháng/lần giảm giá VND 5%, trong khoảng thời gian chưa điều chỉnh thì vẫn dùng những quy định hành chính, buộc tuân thủ trong giới hạn nhưng nếu áp lực đến mức độ không chịu đựng được thì nới tới 5% bằng 2 cách: hoặc là đưa tỷ giá trung tâm lên 5% và rút biên độ về chỉ còn 1% hoặc 0,5%, hoặc có lúc giữ nguyên tỷ giá trung tâm nhưng nới biên độ lên 5%.

Kết quả là đến năm 1998, tỷ giá Việt Nam lên khoảng 14.500 VND/USD từ mức 10.500 VND/USD cuối năm 1996 và mọi sự điều chỉnh tương đối mạnh tay là từ đầu năm 1997.

Trong vòng 2 năm, VND giảm giá khoảng 30%. Bên cạnh rất nhiều tổn thất khó tránh khỏi của nhà đầu tư trong, ngoài nước và người dân vì đồng tiền không ổn định, thì cơ bản không đẩy hệ thống tiền tệ Việt Nam vào sự khủng hoảng như một vài nước trong khu vực.

Đặc biệt, không cần đến gói cứu trợ của IMF, Việt Nam đã ổn định lại được tỷ giá hối đoái và không những không giảm, mà tăng dần được dự trữ ngoại hối. Đến năm 1998, dự trữ ngoại hối lên tới 3 tỷ USD, điều quan trọng là từ đó, tỷ giá tương đối ổn định, biến động không nhiều và lòng tin của nhà đầu tư đã quay trở lại.

Sau đó một thời gian, NHNN đã chuyển việc điều hành từ ấn định tỷ giá thành việc để tỷ giá theo sát thị trường có điều tiết của Nhà nước với cơ chế lấy tỷ giá thực tế giao dịch bình quân của phiên liền kề hôm trước trên thị trường liên ngân hàng làm tỷ giá tham chiếu cho phiên giao dịch ngày tiếp theo với biên độ giao dịch nhất định.

Ban đầu, biên độ là +/- 0,1%, sau đó nới lỏng hơn đến +/- 0,2% trở lên. Tỷ giá cơ bản giữ ổn định giữa năm 1998 dù mỗi năm giảm giá chút ít nhưng không nhiều. Đến năm 2007, tỷ giá xấp xỉ 16.000 VND/USD và dự trữ ngoại hối tăng lên 23 tỷ USD.

Còn nhớ, trước giai đoạn ông giữ cương vị Thống đốc, hệ thống ngân hàng đã có bước tiến khi tách ngân hàng 1 cấp thành 2 cấp. Tuy nhiên, dường như hệ thống vẫn còn lẫn lộn giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại, giữa hành chính bao cấp và nguyên tắc thị trường?

Đúng vậy, chúng tôi đã cố gắng thuyết phục và dần dần tiến tới:

Thứ nhất, tách dần hoạt động cho vay chính sách ra khỏi tín dụng thương mại và cho phép TCTD thẩm định và có tiếng nói đề xuất về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc cho vay các dự án tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước, có đồng ý cho vay dự án đó hay không. Nếu đồng ý thì phải chịu trách nhiệm thu hồi đồng vốn có hiệu quả theo như phương án đầu tư, còn nếu không đồng ý thì báo cáo Thủ tướng xem xét. Nếu Thủ tướng vẫn yêu cầu cho vay thì rủi ro đó Thủ tướng chịu trách nhiệm.

Thứ hai, tiến tới tách ngân hàng chính sách ra khỏi ngân hàng thương mại. Cụ thể, thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam do Bộ Tài chính là chủ quản để thay cho việc làm tín dụng đầu tư theo kế hoạch. Ngân hàng này phải đi huy động vốn cho vay chủ yếu qua trái phiếu Chính phủ và chịu trách nhiệm về quản lý vốn theo cơ chế riêng. Đồng thời, thành lập Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổ chức và cơ chế riêng, trên cơ sở mở rộng chức năng của ngân hàng phục vụ người nghèo đặt tại Agribank để có nguồn vốn tương đối rẻ, cho vay các đối tượng chính sách với quy mô, lãi suất riêng và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình.

Thứ ba, xử lý một bước nợ tồn đọng lịch sử để giải phóng các ngân hàng khỏi gánh nặng quá khứ. Thời kỳ bao cấp, doanh nghiệp quốc doanh vay mượn và không trả nợ được. Công nợ tồn đọng, dai dằng không có biện pháp xử lý và nợ vẫn nằm trong bảng cân đối của ngân hàng. Ngay như Tổng công ty Vàng bạc đá quý của NHNN nhận nhiệm vụ nhập vàng để bán can thiệp kéo giá vàng xuống khi thời kỳ lạm phát cao, nhưng giá vàng không kéo xuống được mà tổng công ty này nợ 300 tỷ đồng, không có nguồn trả (vàng lúc đó chỉ 200.000 đồng/chỉ - PV).

Vậy, xử lý nợ như thế nào? Theo phương án được duyệt là chốt các khoản nợ, kể cả nợ do doanh nghiệp nhà nước, nợ do vay tín dụng đầu tư, nợ của doanh nghiệp tư nhân cho vay, dính vào các vụ án như EPCO Minh Phụng… cho đến năm 2002. Tổng số nợ khoảng 23.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% tổng dư nợ của hệ thống vào thời điểm đó.

NHNN đề xuất và thông qua được cơ chế xoá khoản nợ ra khỏi bảng cân đối. Khoảng 10.000 tỷ đồng dùng để xoá nợ cho các doanh nghiệp quốc doanh trung ương và địa phương là từ nguồn tài chính của Nhà nước qua kênh tái cấp vốn.

Còn 13.000 tỷ đồng các ngân hàng thương mại cổ phần và kể cả một số ngân hàng quốc doanh cho vay liên quan đến những khách hàng không thuộc diện được xoá nợ bằng tiền Nhà nước thì xoá bằng cách dùng phát mại các tài sản thế chấp, đất đai, bất động sản… Còn một phần nữa là từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro bằng lợi nhuận của mình. Theo tôi nhớ, khoản nợ tồn đọng này được xử lý xong sau khoảng 3 năm.

Thứ tư, áp dụng đầy đủ hơn thông lệ quốc tế, hệ số an toàn vốn, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng thanh khoản, đặc biệt là áp dụng lãi suất thoả thuận, kể cả huy động vốn và cho vay từ năm 2002 đến năm 2008 và không có hạn mức tín dụng mà kiểm soát bằng các hệ số an toàn cũng như hoạt động thanh tra giám sát.

Quan trọng nhất là tuân thủ một nguyên tắc nhất quán: Ngân hàng thương mại được quyền tự chủ kinh doanh, chịu trách nhiệm tài chính về kết quả hoạt động của mình trong phạm vi pháp luật cho phép. Ngân hàng thương mại được phép sử dụng dự phòng rủi ro (mãi đến năm 1998 mới bắt đầu được phép trích lập) để xử lý các tổn thất, rủi ro khách quan trong hoạt động tín dụng, cắt giảm lương thưởng, lợi nhuận để bù đắp.

Chúng tôi đã kiến nghị và được chấp nhận không hình sự hoá các vụ án kinh tế trong hoạt động ngân hàng nhằm xử lý những hậu quả, cũng như đưa ngân hàng vào quỹ đạo hoạt động lành mạnh. Đây là hướng đi theo thông lệ thị trường trong quá trình chuyển đổi, chứ không phải là hành chính hoá các biện pháp quản lý. Ít nhất từ năm 2002 đến năm 2008, không có một vụ việc đổ bể nào gây tai tiếng cho hệ thống ngân hàng.

Thứ năm, từng bước hướng hoạt động của NHNN tập trung đúng hơn vào những chức năng của Ngân hàng Trung ương, ban hành các quy chế, chính sách theo hướng tuân thủ đầy đủ hơn theo nguyên tắc thị trường, trong đó, có vấn đề giải quyết tiền lương cho cán bộ nhân viên của NHNN theo hệ số cao hơn và ổn định từ nguồn chênh lệch thu chi của NHNN. Tôi cho rằng, cải cách gì thì cải cách, nếu muốn cho bộ máy này vận hành tốt cũng cần phải trả thù lao xứng đáng.

Việc xử lý các ngân hàng yếu kém hay cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, hướng giải pháp thời điểm ông làm Thống đốc như thế nào?

Ảnh tác giả

Có những nỗi đau cá nhân, nhưng đối với hệ thống tiền tệ, tôi rất tự hào bởi đó là bước tiến dù còn nhiều điều phải làm để có một hệ thống tiền tệ tốt hơn.

Ông Lê Đức Thúy, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Không ít người đã lợi dụng ngân hàng để phục vụ cho những lợi ích kiểu sân sau của chính mình. Điều này, thời nào cũng có và đến bây giờ quy mô lớn hơn, tinh vi hơn dù đã có nhiều quy định về cho vay.

Không ít ngân hàng từng đứng trước nguy cơ đổ vỡ, mà đổ vỡ thì rất nguy hiểm về mặt chính trị - xã hội, vì thời điểm tôi giữ cương vị Thống đốc, Việt Nam vừa trải qua giai đoạn đổ vỡ hợp tác xã tín dụng. Vậy, phải xử lý như thế nào?

NHNN báo cáo Bộ Chính trị về việc đã và sẽ có những ngân hàng âm vốn, mất thanh khoản… Bộ Chính trị chỉ đạo là: ưu tiên thứ nhất, xử lý ngân hàng không gây ra sự đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát; thứ hai, không để mất lòng tin của người dân; thứ ba, người chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là những người chủ ngân hàng chứ không phải là Nhà nước và quan hệ của họ với các đối tác là xử lý theo nguyên tắc thị trường.

Có vấn đề tranh chấp thì ra trọng tài kinh tế, không phải đòi hỏi tài lực hay can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước; thứ tư, chấp nhận có một số tổn thất nhất định từ nguồn tài chính của Nhà nước nhưng hạn chế đến mức thấp nhất.

Điểm không thể không nhắc đến là NHNN đã xin và được Chính phủ cho một khoản quỹ dùng để xử lý những ngân hàng yếu kém nhưng khi dùng đến phải do Thủ tướng quyết định.

Theo đó, có giải pháp chỉ cần cho vay bắc cầu qua một ngân hàng quốc doanh một thời gian; có giải pháp sáp nhập chính thức hoặc không chính thức vào ngân hàng quốc doanh, coi như chỉ tồn tại trên giấy tờ, chứ không có hoạt động nào cho đến bây giờ…

Sau khi giải quyết được lợi ích tiền gửi cho người dân, để cho những ngân hàng này xử lý các tồn đọng của mình với khách hàng trong ngoài nước và chỉ làm việc này chứ không hoạt động gì.

Đó là câu chuyện của Ngân hàng TMCP châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng cổ phần thương mại Vũng Tàu, Việt Hoa, Nam Đô… Và từ 53 ngân hàng thương mại cổ phần xử lý 17 ngân hàng còn 36.

Trong quá trình xử lý, cho đến nay, đã không gây ra sự đổ vỡ nào ngoài kiểm soát, không gây nên tổn thất đáng kể của Nhà nước, không gây ra mất lòng tin, mất an ninh chính trị, thậm chí nhiều người dân không hề biết đã có những ngân hàng “biến mất” khỏi hệ thống.

Nhắc lại một câu chuyện, có lẽ không vui, đó là việc chuyển từ tiền cotton sang tiền polymer và ông là người chịu trách nhiệm chính?

Cũng đã có những ồn ào xung quanh việc chặn đứng nạn tiền giả bằng cách không sử dụng tiền cotton chuyển sang tiền polymer, nhưng tôi vẫn cho rằng đó là một quyết sách đúng đắn bởi bằng cách đó, gần như nạn tiền giả và nỗi lo về tiền giả bị loại trừ, người dân không quá băn khoăn khi sử dụng tiền Việt.

Đương nhiên, nếu làm lại từ đầu, sẽ còn rất nhiều điều phải điều chỉnh nhưng tôi cho rằng chủ trương này là thành công.

Cá nhân tôi cũng chịu rất nhiều búa rìu về chuyện này nhưng đôi khi đây không phải là điều đáng đau lòng. Đau lòng là thông tin chính thống toà án của Anh, Úc thụ lý “vụ việc các nước nhập giấy polymer đã có hiện tượng bên cung cấp đã hối lộ để bán hàng”. Câu chuyện kéo dài khá lâu và đến năm 2018, phán quyết cuối cùng của toà án các nước là không có vụ việc liên quan đến tổ chức và cá nhân nào ở Việt Nam.

Khi Việt Nam tiến hành chuyển sang sử dụng tiền polymer, trên thế giới mới có 5 nước sử dụng thì hiện nay, có khoảng 20 nước đã sử dụng toàn bộ mệnh giá hoặc một vài mệnh giá. Có những nỗi đau cá nhân, nhưng đối với hệ thống tiền tệ, tôi rất tự hào bởi đó là bước tiến dù còn nhiều điều phải làm để có một hệ thống tiền tệ tốt hơn.

Nhuệ Mẫn
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục