Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/1/2017, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Donald Trump, khẳng định: “Từ giờ phút này trở đi, nước Mỹ là trên hết”.
Nước Mỹ trên hết (America First) được coi là “tôn chỉ hành động” của Tổng thống Trump khi ông cam kết đặt lợi ích của nước Mỹ và người dân Mỹ lên trên tất thảy. Điều này thể hiện rất rõ ràng qua những đề xuất của ông về việc xây dựng bức tường ngăn giữa Mỹ và Mexico để hạn chế dòng người nhập cư, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động Mỹ, yêu cầu các nước và chủ trương các chính sách bảo hộ thương mại.
Chỉ trích báo chí Mỹ
Không lâu sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump thẳng thắn tuyên bố nhiều kênh truyền thông Mỹ là “tin tức giả mạo” (fake news). Ông Trump “điểm mặt” 5 hãng truyền thông mà ông mô tả là "hãng tin giả mạo” bao gồm New York Times, NBC News, ABC, CBS và CNN.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: “Các hãng truyền thông tin tức giả mạo - New York Times, NBC News, ABC, CBS và CNN - không phải là kẻ thù của tôi, mà là kẻ thù của người dân Mỹ!”.
Gần đây nhất trước dịp kỷ niệm 100 ngày cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Trump cũng cho rằng dù ông có đạt được thành tựu gì trong khoảng thời gian này thì truyền thông cũng sẽ cố tình phá hỏng nó.
Về Obamacare
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP)
Một trong những cam kết tranh cử của ông Donald Trump là thay đổi luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ của người tiền nhiệm, còn được biết tới với cái tên Obamacare. Hồi tháng trước, do không nhận được đủ sự ủng hộ của từ đảng Cộng hòa trong phiên bỏ phiếu tại Hạ viện, ý định việc bãi bỏ Obamacare của Tổng thống Trump đã không thành.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của Fox News nhân sự kiện 100 ngày đầu tiên cầm quyền, Tổng thống Trump khẳng định: “Obamacare đã chết. Nó là một thất bại. Chúng ta sẽ hủy bỏ Obamacare và thay đổi nó. Chúng ta sẽ cho người dân Mỹ quyền tự do để mua các gói chăm sóc sức khỏe mà họ muốn chứ không phải do chính phủ ép buộc”.
Về vấn đề nhập cư
Có thể nói chính sách đối nội gây tranh cãi nhất của ông Trump trong 100 ngày qua chính là vấn đề liên quan đến nhập cư, mà cụ thể là sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 nước có đa số dân là người Hồi giáo.
Khi nói về việc ban hành sắc lệnh này, ông Trump cho biết: “Nếu lệnh cấm này được thông báo trước một tuần, những kẻ xấu sẽ ồ ạt kéo đến đất nước chúng ta trong khoảng thời gian này. Có rất kiều kẻ xấu ở ngoài kia... Mọi người cứ tranh cãi rằng đây có phải một lệnh cấm hay không. Cứ gọi nó với bất cứ cái tên gì mà bạn muốn. Điều quan trọng là nó ngăn chặn những kẻ xấu với ý đồ xấu ở ngoài biên giới nước ta”.
Sắc lệnh này của ông Trump ngay lập tức đã vấp phản sự phản đối của nhiều người dân Mỹ và đã bị chặn đứng bởi quyết định của các tòa án nước này. Tổng thống Trump cũng cho rằng: “Nếu có điều gì xấu xảy ra, hãy đổ lỗi cho hệ thống tòa án. Rất nhiều người nhập cư đang đổ vào nước Mỹ. Thật tệ!”.
Ông Trump đã lên tiếng bảo vệ sắc lệnh chống nhập cư của mình: “Nước Mỹ cần một biên giới vững mạnh và một cơ chế sàng lọc hiệu quả”. Ông cũng lấy ví dụ về cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu hiện đang khiến các quốc gia ở lục địa già đối mặt với nhiều vấn đề an ninh, xã hội.
Vấn đề Triều Tiên
Một cuộc tập trận bắn đạn thật của Triều Tiên hôm 25/4. (Ảnh: Reuters)
Trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, hơn một nửa thời gian này Tổng thống Trump phải đối diện với những căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và thậm chí là nguy cơ xung đột. Trước cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump đã từng lên tiếng hối thúc Bắc Kinh có biện pháp cứng rắn hơn để kiềm chế các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Thậm chí ông Trump còn khẳng định: “Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên, chúng tôi (Mỹ) sẽ làm”.
Mới đây, trong cuộc phỏng vấn ngày 28/4 với Reuters, Tổng thống Donald Trump còn cho rằng: “có khả năng chúng tôi sẽ có xung đột lớn, rất lớn với Triều Tiên”. Tuy nhiên ông cũng khẳng định ưu tiên của Mỹ là tránh xung đột và đạt được phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hòa bình. Tổng thống Mỹ cũng hy vọng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ hành động có lý trí.
Về vấn đề thương mại với Trung Quốc
Chỉ trong khoảng thời gian cầm quyền ngắn ngủi, ông Trump đã nhiều lần thay đổi quan điểm về Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times ngày 2/4, ông Trump cáo buộc Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ.
“Khi bạn nói về thao túng tiền tệ hay hạ giá đồng tiền, họ (Trung Quốc) là nhà vô địch thế giới”, ông Trump phát biểu.
Tuy nhiên chỉ 10 ngày sau đó, khi nói về chính sách tiền tệ của Trung Quốc với tờ Wall Street Journal, ông Trump khẳng định: “Họ (Trung Quốc) không phải một quốc gia thao túng tiền tệ”.
“Tại sao tôi lại gọi Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ trong khi họ đang phối hợp với chúng ta để giải quyết vấn đề Triều Tiên? Hãy xem điều gì sẽ xảy ra”, ông Trump nói ngày 16/4.
Về quan hệ với người tiền nhiệm
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người tiền nhiệm Barack Obama. (Ảnh: Getty)
Có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt lớn giữa Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama trong quan điểm chính trị và phong cách lãnh đạo.
Trong những ngày đầu cầm quyền, ông Trump liên tục chỉ trích chính quyền cũ về những khó khăn mà ông đang phải đối mặt. Khi nói về những di sản mà cựu Tổng thống Obama để lại, ông Trump cho rằng: “Tôi nhận lại một đống hổ lốn cả trong nước và ngoài nước. Một mớ lộn xộn”.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng cáo buộc người tiền nhiệm nghe lén tòa nhà Trump Tower trước cuộc bầu cử tổng thống 2016 song không đưa ra được bằng chứng nào.
Về thành tích trong 100 ngày đầu cầm quyền
Truyền thông Mỹ thường lấy mốc 100 ngày đầu cầm quyền để đánh giá sơ bộ hiệu quả hoạt động của chính phủ. Trong bài phát biểu hàng tuần hôm 28/9, Tổng thống Trump tự nhận thời gian đầu nhiệm kỳ của ông là thành công nhất trong lịch sử.
“Những người bạn Mỹ của tôi, tôi thực sự tin rằng 100 ngày đầu tiên của chính quyền của mình là thành công nhất trong lịch sử đất nước chúng ta”, ông Trump cho biết.
Ông Trump cũng khẳng định không phải bất cứ ai cũng làm được những điều mà ông đã thực hiện trong 100 ngày đầu tiên lãnh đạo nước Mỹ.