Điểm danh ông lớn có số dư tiền nghìn tỷ
Nếu bỏ qua nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vốn là những ngành nghề đòi hỏi số dư tiền mặt, cũng như luân chuyển dòng tiền cao, thống kê báo cáo tài chính quý II/2017 của các doanh nghiệp niêm yết khác cho thấy, có trên 30 doanh nghiệp sở hữu các khoản tiền và tương đương tiền lên đến cả ngàn tỷ đồng, con số vượt quá tổng tài sản của nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trên sàn.
“Ông vua” tiền mặt trên sàn hiện nay chính là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS). Báo cáo tài chính của GAS cho thấy, tính đến cuối quý II/2017, Công ty có lượng tiền và tương đương tiền đạt 14.551 tỷ đồng, chiếm 24% tổng tài sản, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi không kỳ hạn lên đến 2.153 tỷ đồng, còn lại là các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng.
Tính đến cuối quý II/2017, GAS có lượng tiền và tương đương tiền đạt 14.551 tỷ đồng
Một doanh nghiệp cũng “rủng rỉnh” không kém là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX). Tại thời điểm cuối quý II, số dư tiền và tương đương tiền của PXL đạt 11.690 tỷ đồng, chiếm 19,88% tổng tài sản. PLX hiện chiếm 50% thị phần kinh doanh xăng dầu cả nước và mới niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) từ tháng 4/2017.
Ngoài GAS và PLX, có thể chỉ ra nhiều doanh nghiệp niêm yết khác sở hữu nguồn tiền mặt dồi dào như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP FPT (FPT), Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS), Vingroup (VIC), Sabeco (SAB), Masan (MSN), Đạm Phú Mỹ (DPM)…
Đây đều là những doanh nghiệp tên tuổi, giữ vị thế đầu ngành, thương hiệu nổi tiếng. Tổng cộng lượng tiền và tương đương tiền của 10 doanh nghiệp top đầu này lên đến hơn 67.700 tỷ đồng. Nếu cộng thêm cả lượng tiền được mang đi đầu tư đến ngày đáo hạn dưới các hình thức như gửi ngân hàng có kỳ hạn, các khoản cho vay thu lãi định kỳ..., thì số tiền mà các doanh nghiệp này đang sở hữu còn lớn hơn rất nhiều.
Đơn cử, tại GAS, bên cạnh số dư tiền mặt lớn, Công ty còn có 11.522 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Chỉ tính trong nửa đầu năm nay, số dư tiền các loại đã tăng hơn 6.780 tỷ đồng. PLX cũng có gần 3.900 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.
Một doanh nghiệp khác tuy không nằm trong nhóm có số dư tiền mặt “khủng”, nhưng sở hữu các khoản tiền gửi rất lớn là CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM). Tại thời điểm cuối quý II/2017, VNM chỉ có 591 tỷ đồng tiền mặt, nhưng có tới 11.600 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn từ 3 đến dưới 12 tháng.
Bài toán sử dụng đồng tiền hiệu quả
Ở góc độ doanh nghiệp, “tiền mặt là vua” là cách ví von được giới tài chính dùng để nói về tầm quan trọng của tiền mặt. Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều phải nắm giữ một lượng tiền mặt nhất định, dù ít hay nhiều.
Nguồn tiền mặt dồi dào không chỉ giúp giảm rủi ro tài chính, chủ động trang trải các chi phí hoạt động, xử lý những tình huống khẩn cấp, mà còn giúp doanh nghiệp có thể chủ động trong đầu tư khi cơ hội xuất hiện.
Tại CTCP Cơ điện lạnh (REE), những năm qua, trong bối cảnh lĩnh vực kinh doanh chính là cơ điện lạnh có phần sa sút, nhờ nguồn tiền mặt dồi dào mà REE phát triển hàng loạt dự án bất động sản, văn phòng cho thuê. Tính đến cuối quý II/2017, REE đã đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng để nắm giữ cổ phần tại hàng chục công ty trong lĩnh vực hạ tầng điện, nước. Các mảng đầu tư mới trở thành nguồn thu chính, đóng góp 70-80% lợi nhuận và tạo ra động lực tăng trưởng cho REE.
Rất khó để đưa ra tiêu chí phù hợp cho tất cả các doanh nghiệp dự trữ bao nhiêu tiền là đủ, mà còn phụ thuộc vào quy mô, đặc thù ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Mục tiêu kinh doanh là để sinh lời, tất yếu các doanh nghiệp sẽ không để tiền “nằm chết”, mà cố gắng tìm cách quay vòng, đem lại hiệu quả sinh lời cao nhất. Chính sách giữ tiền mặt ở một tỷ lệ cao có thể là chiến lược hợp lý trong giai đoạn kinh tế khó khăn, hoặc doanh nghiệp đang tìm kiếm các dự án đầu tư mới.
Chẳng hạn, tại CTCP Hòa Phát (HPG), tại thời điểm cuối quý II/2017, tiền và các khoản đầu tư nắm giữ đến thời điểm đáo hạn của HPG đạt 9.658 tỷ đồng, tăng 84% so với đầu năm và chiếm 24,35% tổng tài sản. Các khoản tiền tăng mạnh trong bối cảnh HPG đang thực hiện dự án trọng điểm Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát - Dung Quất và trong tháng 7 vừa qua, HPG đã hoàn thành việc huy động thêm hơn 5.000 tỷ đồng từ cổ đông để hỗ trợ dự án này.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tích lũy một lượng tiền lớn trong thời gian dài mà không được sử dụng một cách hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng đến suất sinh lời của tài sản, nguồn vốn.
Tại GAS, với tổng cộng các tài sản là tiền đạt hơn 26.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2017, chiếm 43,15% tổng tài sản, bằng 62,8% vốn chủ sở hữu và bằng 80% doanh thu, gấp 6,5 lần lãi sau thuế mà GAS thu được 6 tháng đầu năm.
Điều đáng chú ý là số tiền này được GAS đem gửi ngân hàng, mà không dùng để đầu tư. Theo đó, GAS đã nhận về về 488 tỷ đồng tiền lãi, một con số không hề nhỏ. Thế nhưng, với quy mô số vốn bỏ ra, mức sinh lời chỉ tương đương 1,8%, kết quả là tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) nửa đầu năm của GAS sụt giảm về mức 6,8% (so với mức 12,37% tại thời điểm cuối năm 2016).
Thực tế, có nhiều tiền chưa đủ để đánh giá một doanh nghiệp tốt. Dòng tiền sẽ tích cực nếu gia tăng đều đặn qua từng quý, từng năm, đi kèm với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng và dòng tiền dành cho hoạt động kinh doanh dồi dào.
Ngược lại, doanh nghiệp thụ động trong quản lý tiền sẽ khiến hiệu quả sử dụng vốn bị ảnh hưởng, hay dòng tiền đến từ khoản thu nhập bất thường, từ các khoản đi vay ngân hàng, phát hành trái phiếu… sẽ để lại gánh nặng đòn bẩy tài chính, nếu không sử dụng hiệu quả có thể đẩy doanh nghiệp vào thua lỗ, mà câu chuyện về CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là một ví dụ.
Bối cảnh kinh tế thuận lợi tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh phát triển, nhiều doanh nghiệp tích lũy cho mình số dư tiền lớn, nhưng nắm giữ quá nhiều vốn mà không thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể sẽ khiến tốc độ phát triển, hiệu quả dử dụng vốn bị ảnh hưởng. Có tiền đã khó, nhưng sử dụng tiền sao cho hiệu quả còn khó hơn.