Những yếu tố tác động
Vào ngày 13/5/2019, MSCI chính thức nâng hạng Argentina lên nhóm thị trường mới nổi và có thể sẽ gia tăng tỷ trọng ở các quốc gia còn lại. Trong đó, nhóm cổ phiếu VIệt Nam có thể được tăng thêm 3-4% trong kỳ cơ cấu lần này, cũng như thời gian tới.
Ngoài ra, trong tháng 9/2019, Kuwait có khả năng cũng sẽ được xem xét nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi và tỷ trọng Việt Nam cũng sẽ được tăng lên hơn 30% trong MSCI Frontier Markets cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam có lợi khi còn ở lại trong MSCI Frontier Markets.
Việc nâng hạng là tích cực, nhưng tiêu chí định tính của Việt Nam vẫn còn không ít tồn tại, nên sẽ còn khá lâu để Việt Nam có thể để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Ðiểm tích cực trong ngắn hạn là nhóm cổ phiếu Việt Nam sẽ có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của MSCI Frontier Markets, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ðiều này cũng sẽ hỗ trợ cho các hoạt động thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết.
Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có thể cuộc chiến này sẽ tạm lắng dịu trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong dài hạn. Hiện chưa thể kỳ vọng nhiều vào những thỏa thuận, khi mà căng thẳng giữa 2 quốc gia đang có những dấu hiệu tăng cao. Chúng tôi cho rằng, đây mới chỉ là khởi đầu và sự căng thẳng thương mại của 2 quốc gia sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới nhằm đạt mục đích giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ có thể sẽ còn hướng đến các quốc gia khác như khối EU, Nhật Bản...
Cuộc chiến thương mại nhiều khả năng sẽ còn tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Có thể mức độ tác động sẽ giảm dần, nhưng trong ngắn hạn sẽ vẫn tác động mạnh.
Dù vậy, trong dài hạn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tích cực lên Việt Nam khi sự dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam đang ngày càng rõ nét, dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục tăng và đóng góp tích cực cho nguồn dự trữ ngoại tệ hiện nay, góp phần ổn định tỷ giá trong thời gian tới.
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn được đánh giá lạc quan, tránh được các cú sốc của nền kinh tế toàn cầu có thể xảy ra.
Mức phù hợp cao nhất cho VN-Index là 1.098 điểm
Hiện tại, rủi ro ngắn hạn đã giảm đáng kể và điều này đã hỗ trợ cho thị trường trong tuần giao dịch vừa qua. Chỉ số VN-Index tiến sát mức 980 điểm từ mức hỗ trợ 950 điểm như kịch bản chúng tôi đã đưa ra và thanh khoản của thị trường cũng tăng dần.
Mặc dù dự báo tăng trưởng của VN-Index trong năm 2019 ở mức 18%, thấp hơn so với mức 20% của năm 2018, nhưng mức định giá này vẫn hấp dẫn hơn so với khu vực, đó là chưa tính đến những lợi ích có thể được hưởng từ làn sóng FDI trong thời gian tới. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, mức điểm phù hợp cao nhất cho VN-Index sẽ là 1.098 điểm.
Trong ngắn hạn, dòng tiền sẽ có sự phân hóa theo từng nhóm ngành. Triển vọng nhất vẫn là nhóm cổ phiếu dầu khí với câu chuyện “turn around (chuyển hướng)” của ngành. Kế tiếp là nhóm bất động sản khu công nghiệp nói riêng, lĩnh vực bất động sản nói chung nhờ hưởng lợi từ làn sóng FDI và 2 quý cuối năm sẽ là thời điểm thích hợp cho nhóm ngành bất động sản bứt phá.
Ðối với nhóm ngành sản xuất, mức tăng trưởng quý II/2019 sẽ tăng dần khi các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất trở lại trong tháng 4/2019, thể hiện qua giá nguyên vật liệu và số lượng việc làm tăng mạnh.
Với lĩnh vực năng lượng, ngành điện vẫn là ngành có mức tăng trưởng ổn định trong dài hạn, trong đó mảng thủy điện có thể sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối quý III/2019.
Nhìn chung, tình hình vĩ mô ổn định sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán trong năm nay. Theo đó, cơ hội đầu tư luôn được tạo ra khi dòng tiền đang có sự phân hóa mạnh.