Nhùng nhằng việc thanh toán quỹ đất BT dự án chống ngập tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Sau hơn 3 năm tạm dừng thi công, đến nay, Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM vẫn đứng hình vì nhiều thủ tục vẫn chưa được UBND TP.HCM thực hiện.
Nhùng nhằng việc thanh toán quỹ đất BT dự án chống ngập tại TP.HCM

Mỗi ngày, dự án phát sinh 1,7 tỷ đồng tiền lãi

Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 nhiều lần đề nghị UBND TP.HCM xem xét đẩy nhanh các thủ tục để sớm thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT cho nhà đầu tư để thực hiện các thủ tục tiếp theo cho Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I (Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng). Kiến nghị này tiếp tục được Công ty nêu trong Văn bản số 88/024/CV/TNBT 1547 gửi UBND TP.HCM ngày 14/3/2024.

Theo Báo cáo số 151/024/CV/TNG ngày 11/3/2024 của nhà đầu tư, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn I (Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), khởi công từ năm 2016, đã tạm dừng thi công 3 lần. Trong đó, lần 1 tạm dừng 10 tháng; lần 2 là 8 tháng; lần 3 tạm dừng từ ngày 15/11/2020 đến nay, song vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.

Suốt những năm qua, chủ đầu tư liên tục gửi văn bản kiến nghị thực hiện các thủ tục để thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT đã ký. Tuy nhiên, đến nay, việc làm thủ tục thanh toán quỹ đất vẫn dậm chân tại chỗ.

Bên cạnh vấn đề thanh toán quỹ đất, nhà đầu tư cũng kiến nghị UBND thực hiện công tác kiểm toán, quyết toán khối lượng công trình và giá trị của Dự án để thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi, điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án.

Cho dù đã gửi rất nhiều văn bản kiến nghị tháo gỡ, nhưng từ năm 2020 đến nay, vướng mắc vẫn chưa được xử lý.

Theo dự tính của nhà đầu tư, trường hợp sau khi khơi thông được nguồn vốn và thủ tục, cần tổng cộng 28 tháng để hoàn thành Dự án. Trong đó, có 12 tháng điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi và điều chỉnh tổng mức đầu tư, 4 tháng đàm phán ký kết Phụ lục hợp đồng BT và 12 tháng thi công.

Phía nhà đầu tư cho rằng, việc kéo dài thêm 16 tháng để làm các thủ tục điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu khả thi và đàm phán hợp đồng sẽ phát sinh lãi vay, gây thiệt hại cho ngân sách Thành phố. Hiện mỗi ngày dự án phát sinh lãi 1,7 tỷ đồng, với 16 tháng làm thủ tục thì tiền lãi phát sinh khoảng 827 tỷ đồng. Vì vậy, nhà đầu tư kiến nghị làm song song các thủ tục và thi công để rút ngắn thời gian, giảm số lãi phát sinh.

Chờ sở, ngành rà soát

Sau rất nhiều văn bản kiến nghị của nhà đầu tư và sự đốc thúc nhiều lần từ lãnh đạo UBND TP.HCM, ngày 7/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM mới có Báo cáo số 2524/SKHĐT-PPP báo cáo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Dự án. Theo đó, Dự án đã thi công đạt hơn 90% khối lượng công việc. Các công việc còn lại cần hoàn thiện gồm nhà điều hành, nạo vét thảm đá gia cố lòng sông, cây xanh…

Đến nay, khối lượng giải ngân đạt 8.276 tỷ đồng, nhà đầu tư báo cáo nguồn vốn còn lại cần huy động để hoàn thành công trình là 1.800 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, hiện tại, UBND Thành phố giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) và các sở, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện quy trình ủy thác cho HFIC để cho nhà đầu tư vay vốn thi công phần còn lại để sớm đưa dự án vào khai thác.

Tuy vậy, đến nay, việc rà soát các quy trình thủ tục vẫn chưa thực hiện xong.

Trong khi chờ các sở, ngành rà soát thủ tục, thì Dự án phát sinh vấn đề mới khi nhà đầu tư không còn vốn để đảm bảo các giải pháp an toàn trong quá trình chờ hoàn thiện.

Ngày 11/3/2024, Công ty Trung Nam gửi văn bản đến UBND TP.HCM với nội dung, việc đảm bảo an toàn giao thông thủy tại các hạng mục công trình rất khó khăn do không còn nguồn thanh toán cho nhà thầu thực hiện. Nếu không có kinh phí duy trì đảm bảo an toàn giao thông thì có nguy cơ dẫn đến va chạm giữa tàu, thuyền với các cống ngăn triều, gây mất an toàn và đe dọa nghiêm trọng đến an toàn và chất lượng công trình.

“Những khó khăn, vướng mắc của Dự án kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ. Vì vậy, trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố liên quan đến Dự án, thì nhà đầu tư không thể chịu trách nhiệm. Nhà đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo để hỗ trợ công tác an toàn cho công trình và an toàn giao thông thủy của Dự án”, văn bản của Công ty Trung Nam nêu.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục