Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng năm 2015 đạt 7.345 tỷ đồng, song VietinBank chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2016 ở mức 7.900 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với năm 2015.
Tương tự tại Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 6.827 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Vietcombank cũng chỉ dự kiến ở mức 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015.
Ở khối các ngân hàng TMCP cỡ trung, lãnh đạo VIB cho biết, mặc dù lợi nhuận trước thuế năm 2015 khả quan so với những năm trước với 655 tỷ đồng, tuy nhiên, ban lãnh đạo VIB cũng tỏ ra dè dặt khi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2016 ở mức 675 tỷ đồng, tăng chỉ 3%. Còn với VPBank, dù lợi nhuận trước thuế năm 2015 là 3.096 tỷ đồng, nhưng nhà băng này dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2016 là 3.200 tỷ đồng, tăng chỉ 3,4% so với năm 2015.
Ở một số ngân hàng nhỏ như TPBank, BacA Bank…, mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2016 cũng chỉ dao động quanh mức 7-11%.
Nhìn nhận về sự dè dặt của các ngân hàng khi đặt kế hoạch lợi nhuận khá thấp, thị trường cho rằng, nguyên nhân chính là những quan ngại về vĩ mô. Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, đầu năm nay, IMF đã giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2016 xuống còn 3,4% và kết quả đánh giá gần đây nhất của IMF một lần nữa lại cho thấy một kịch bản cơ sở đang suy yếu và có nguy cơ xấu đi nữa. Châu Á cũng đang ở hoàn cảnh tương tự với dự báo của IMF là tăng trưởng kinh tế sẽ giảm sút tiếp trong năm nay.
Tương tự, Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 6,2% với hai yếu tố tác động. Đó là, sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu, cùng với xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra sự tăng trưởng âm (-2,69%) trong nông nghiệp tại Quý I/2016. Bên cạnh đó, nhu cầu của các nước bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm. Trong quý I, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm rất nhiều.
Cụ thể hơn, Báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết, GDP quý I/2016 đạt 5,46%, giảm đến 11% so với cùng kỳ quý I/2015 (6,12%) và giảm 22,2% so với quý IV/2015 (7,01%), với tăng trưởng tất cả các ngành mũi nhọn đều đang có dấu hiệu tụt dốc. Đặc biệt, trong tháng 4/2016, đã có 840 DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 16% so với tháng trước đó.
Tính tổng cộng từ đầu năm, số DN phải đóng cửa đã lên tới 3.759 DN, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm đa phần trong số này là DN có quy mô nhỏ. Cũng trong tháng 4, đã có 5.844 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 50,6% so với tháng trước. Con số này tính từ đầu năm là 25.135 DN, tăng 31,8% so với năm trước…
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói: “Ngân hàng sẽ cho ai vay khi DN phá sản ngày một nhiều? Đó là chưa kể việc nợ xấu theo đó tăng lên rất nhanh và nếu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ không còn lợi nhuận”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đã phân tích, lợi nhuận biên của các ngân hàng TMCP cỡ trung hiện đã giảm xuống còn khoảng 2,7%, trong khi mức 3% theo IMF đã là khá thấp; với các ngân hàng nhỏ, mức lợi nhuận biên còn thấp hơn nhiều. Trong khi đó, mức 3% này phải “cõng” trên lưng rất nhiều loại chi phí như chi phí dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro, chi phí hoạt động, lương thưởng cho cán bộ và lợi nhuận cho cổ đông. Điều đó cũng có nghĩa, Chính phủ kêu gọi hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất sẽ khiến lợi nhuận biên giảm, nếu không khéo rất có thể các ngân hàng sẽ bị lỗ.
“Mặc dù ĐHCĐ năm nay, Ban lãnh đạo đã không đặt chỉ tiêu lợi nhuận cao vì nhìn thấy những khó khăn vẫn tồn tại, nhưng với diễn biến hiện nay, chúng tôi không loại trừ khả năng sẽ điều chỉnh kết quả kinh doanh cả năm 2016 trong tháng 6 tới đây”, vị Tổng giám đốc trên nói.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” vừa công bố nhận định, nền tảng thực sự của nền kinh tế còn yếu. Hoạt động của hệ thống ngân hàng chưa thực sự lành mạnh và minh bạch. Các biện pháp quản lý mang tính hành chính, như chính sách trần lãi suất, đang làm cho hệ thống “huyết mạch” của nền kinh tế này trở nên mong manh trước những biến động kinh tế.
Ngoài ra, thời gian tích lũy sau khủng hoảng có thể vẫn chưa đủ dài để các TCTD xử lý được triệt để và lành mạnh hóa hoàn toàn bảng cân đối kế toán. Một quy mô đáng kể nợ xấu đã được cơ cấu lại trong giai đoạn khủng hoảng vẫn tạo ra những rủi ro tiềm ẩn đến hoạt động của hệ thống…