Xe cũ - kỳ hạn nợ ngắn
Theo giới thiệu của nhiều ngân hàng thương mại thì các điều kiện để vay mua xe cũ khá đơn giản nên anh Nguyễn Văn Hoà, nhân viên kinh doanh của một công ty viễn thông rất háo hức lên kế hoạch tậu cho mình một chiếc xe đã qua sử dụng để tiện đi lại trong dịp cuối năm. Anh Hoà cho hay, như lời nhân viên ngân hàng tư vấn, khách hàng chỉ cần có thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng trở lên, độ tuổi dưới 60, thời hạn vay tối đa 5 năm, hạn mức tới 75% giá trị xe nếu người vay dùng chính chiếc xe làm tài sản bảo đảm hoặc tới 100% nếu có thêm tài sản khác bảo đảm…
Tuy nhiên, tiếp cận thực tế với gói sản phẩm này anh Hoà nhận thấy việc vay vốn để mua xe cũ không hề đơn giản, bởi việc khách hàng xác định đời xe mà mình sẽ mua quyết định kỳ hạn cho vay của ngân hàng. Nếu khách hàng mua xe càng cũ, kỳ hạn càng ngắn và điều này sẽ ảnh hưởng tới hạn mức được vay cộng với năng lực trả nợ của khách hàng. Lý giải cho thực tế này, anh Hoà đưa ra phép tính: “Trường hợp người mua xe cần vay 300 triệu đồng trong 3 năm rưỡi, phù hợp với kế hoạch tài chính của mình, nhưng nếu chọn xe đời 2010, kỳ hạn tối đa là 2 năm, kéo theo áp lực cân đối tài chính gắn với mức thu nhập của người mua sẽ tăng theo. Thậm chí, sau khi tính toán, ngân hàng sẽ không cho người mua vay hạn mức 300 triệu đồng bởi năng lực trả nợ của họ bị suy giảm kéo theo kỳ hạn vay ngắn hơn dự tính”.
Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc một công ty phân tích tài chính nhận xét, phần trăm cho vay cao ngất ngưởng, chế độ ưu đãi lãi suất cực hấp dẫn mà ngân hàng đưa ra rất dễ làm lóa mắt những ai đang mong muốn mua xe. Song đằng sau đó là cả một ma trận chi phí mà người mua phải trả, khiến họ dễ rơi vào tình trạng “mua rẻ hóa đắt”. Mặc dù tại thời điểm này lãi suất cho vay mua ôtô tương đối hấp dẫn, phổ biến từ 12 - 14%/năm, không có sự phân biệt giữa xe cũ với xe mới, nhưng điểm khác biệt đó là chính sách cho vay của mỗi ngân hàng. Theo một số ngân hàng khi đưa ra mức tính áp dụng tỷ lệ nợ trên thu nhập của khách hàng họ đã tính toán rất kỹ nhằm đảm bảo tính an toàn và hạn chế áp lực phá vỡ cân đối tài chính của người vay. Tuy nhiên, cơ sở để ngân hàng quyết định hạn mức cho vay là năng lực trả nợ, cộng với mức thu nhập mà họ chứng minh. Hiện hầu hết các ngân hàng thương mại thường áp dụng lãi suất theo dư nợ giảm dần. Song, đây là cách tính lãi dựa trên vốn gốc với mức áp lãi suất có vẻ thấp song kỳ thực là một chi phí đắt đỏ do chính khách hàng trả lãi cho phần vốn mà mình đã trả.
Cần tính toán kỹ khi vay
Sau 12 tháng vay tiền ngân hàng để mua chiếc xe Honda Civic đã qua sử dụng, chị Trần Thanh Tú, ở quận Ba Đình đã tìm cách vay bạn bè tổng số tiền còn lại để trả ngân hàng trước thời hạn. Chị Tú cho hay, với thời hạn 36 tháng, lãi suất 3 tháng đầu chỉ 12%, nhưng sau đó ngân hàng điều chỉnh lãi suất, có tháng lên tới 15% thậm chí 17% làm cho việc trả nợ hàng tháng của gia đình chị rất khó khăn, kèm theo đó là việc phạt khi trả chậm khiến tháng nào cũng nơm nớp lo tiền trả nợ. Việc vay tiền ngân hàng mua xe ô tô cũ, mới hay mua xe trả góp với lãi suất biến động liên tục như hiện nay khiến khách hàng như “mua cục tức vào người”.
Mặc dù chấp nhận cho vay mua xe đồng nghĩa với việc các ngân hàng có thể bị rủi ro khi khách hàng không có khả năng thanh toán, nhưng bù lại họ thu được không ít lợi nhuận từ các khoản phí, lãi suất,… do những khoản vay của khách hàng đem lại. Với mức lãi suất khoảng 1,2%/tháng, trung bình một hợp đồng cho vay khoảng 200 triệu đồng trong 3 năm sẽ đem về cho ngân hàng khoảng 36 triệu đồng lãi. Bên cạnh mức lãi suất thả nổi mà khách hàng phải trả hàng tháng, các ngân hàng tự quyết định biên độ cho vay, vì vậy có thể ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng nhất định. Do đó, một số ngân hàng còn có những “cuộc đua” ngầm bằng cách hạ lãi suất cho vay mua ô tô để lôi kéo khách hàng.
Tùy từng thời hạn vay, từng chủng loại ôtô và khả năng tài chính của khách hàng mà ngân hàng có thể cho vay trả góp đến 90% (thông thường dưới 70%), tuy nhiên lời khuyên từ những người đã sử dụng dịch vụ vay trả góp là chỉ nên vay trả góp ở khoảng 30% - 50% giá trị chiếc xe. Điều này liên quan đến khả năng trả nợ của người mua cũng như hạn chế rủi ro do sự biến động lãi suất.
Luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư TP Hà Nội đưa ra lời khuyên, trước khi quyết định vay tiền ngân hàng mua xe, khách hàng cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng với ngân hàng, đặc biệt chú ý phần lãi suất bao gồm thời gian và công thức tính lãi suất khi có sự thay đổi, đặc biệt, các quy định phạt khi trả trước, trả chậm và các loại thuế, phí mà ngân hàng đưa ra. Trong trường hợp không hiểu, khách hàng cần yêu cầu nhân viên ngân hàng giải thích rõ để thay đổi hoặc đàm phán lại. Điều quan trọng là khách hàng phải có nguồn thu nhập hàng tháng ổn định để chọn hình thức vay trả góp cho phù hợp. Nếu có thể, không nên vay với tỷ lệ quá lớn trên tổng giá trị chiếc xe mong muốn sở hữu. Kèm theo đó là hàng tháng nên chủ động dành ra số tiền nhất định cộng với phần dự phòng khi lãi suất tăng để trả cho ngân hàng đúng hẹn, việc này không những tránh bị phạt trả chậm mà còn góp phần tạo “hồ sơ sạch” cho những lần vay sau.
>> Cẩn trọng vay vốn tiêu dùng
>> Bất chấp cảnh báo, ngân hàng vẫn ồ ạt đẩy vay tiêu dùng
>> Nhận diện rào cản tín dụng tiêu dùng
>> Cuộc đua lãi suất tiêu dùng 0%