Những lưu ý khi chọn bạn khởi nghiệp bất động sản

(ĐTCK) Dù có một ý tưởng khởi nghiệp lớn, nhưng nếu không có những sự lựa chọn thích hợp với đối tượng khởi nghiệp cùng mình thì dù khát vọng lớn lao đến đâu cũng không thể thành hiện thực.
Những lưu ý khi chọn bạn khởi nghiệp bất động sản

Những vấn đề về việc lựa chọn đối tượng cùng khởi nghiệp không phải bây giờ mới được nhắc tới. Tuy nhiên, nó trở nên thời sự trong thời gian gần đây khi số lượng các thương vụ khởi nghiệp theo nhóm tăng lên trong nhóm người thuộc thế hệ gen Y (sinh từ năm 1980 đến 1995), đồng thời câu chuyện thất bại khi khởi nghiệp theo nhóm cũng khá nhiều.

Sự thành công của nhiều Startup ở thập kỷ trước khi khởi nghiệp theo nhóm cùng nỗi sợ cô đơn, sợ rủi ro tập trung cùng nguồn lực hạn chế khiến nhiều người nghĩ rằng tỷ lệ thành công khi khởi nghiệp theo nhóm sẽ cao hơn, và từ đó tạo ra xu hướng các nhóm khởi nghiệp cùng nhau.

Giai đoạn đầu, khi chưa có gì trong tay, cùng nghĩ ra ý tưởng, cùng vượt qua khó khăn rồi cùng có những thành quả đầu tiên, đó có thể coi là những giai đoạn hạnh phúc nhất trên con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều dự án khởi nghiệp hiện nay sau thời gian đầu triển khai rất hiệu quả rồi dần dần lại rơi rớt khi các thành viên trong nhóm không tìm được tiếng nói chung, bất đồng và hệ quả là dự án tan rã trong sự nuối tiếc.

"Hai hổ không thể nhốt chung một chuồng. Hai ong chúa cùng một tổ sớm muộn cũng phải tách đàn… Vậy nên 95% người làm chung sau này thành cũng tan mà bại cũng tan…" - câu nói cực gắt của Chủ tịch Sun House - Shark Phú gần đây tuy gây nhức nhối nhưng cũng cực chính xác trong con đường đầy rủi ro như khởi nghiệp theo nhóm như hiện nay.

Từng là người tham gia nhiều dự án khởi nghiệp lớn, thành công có, nhưng đổ vỡ với nhiều team cũng nhiều, và qua kinh nghiệm của mình, người viết thấy rằng khởi nghiệp theo nhóm luôn là bài toán dễ thì rất dễ, nhưng khó thì cũng rất khó.

Khác với nhiều người rơi vào trạng thái bí ý tưởng khi khởi nghiệp một mình, các nhóm khởi nghiệp mà tác giả tham gia sau một thời gian hoạt động thường rơi vào một trạng thái đối lập là có quá nhiều ý tưởng mà chưa biết bắt đầu từ đâu và rồi trở thành những mâu thuẫn khó hàn gắn kể cả đã từng “vào sinh ra tử” cùng nhau.

Trong khi người này muốn phải tập trung kinh doanh để sớm đạt được mức cân bằng về lợi nhuận, thì người kia lại chỉ mong muốn tập trung làm tốt sản phẩm trước khi thương mại hóa để đảm bảo cạnh tranh tốt nhất. Nhiều người lại nghĩ rằng phải đa dạng sản phẩm chứ không chỉ tập trung nghiên cứu rồi mới thương mại hóa,…

Thực tế, các ý kiến này đều đúng ở phần nào đó, chỉ có điều nó phù hợp vào giai đoạn nào thì khởi nghiệp theo nhóm lại không quyết được khi tỷ lệ biểu quyết của những người cùng tham gia là như nhau. Yêu cầu phải có sự tin tưởng, thống nhất với nhau và cùng chung lý tưởng, mục đích với nhau chỉ có ở lúc giai đoạn đầu, nhưng sau một thời gian nhất, rất ít nếu không muốn nói là rất hiếm nhóm khởi nghiệp duy trì được điều đó bởi những khó khăn về cách nghĩ, lối sống, hoàn cảnh gia đình và cả mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn.

Có những nhóm duy trì được sự tin tưởng và thống nhất với nhau, nhưng vì phân tán trong tư duy khi cho phép ý tưởng của ai cũng được tôn trọng và thực hiện dẫn đến nguồn lực triển khai thường bị phân tán và khó đạt được hiệu quả cao nhất, lãng phí thời gian và chi phí cơ hội. Dần dà, khi nguồn lực không còn, các nhóm khởi nghiệp buộc phải tan rã trong sự nuối tiếc mặc dù từng thành viên là những người rất giỏi.

Một nghiên cứu cách đây không lâu về 95 nhóm khởi nghiệp mới ở Hà Lan cho thấy, nhiều nhóm khởi nghiệp cho thấy hiệu suất yếu khi đánh giá việc đổi mới sản phẩm dịch vụ theo diễn biến của thị trường, sự hài lòng của khách hàng cũng như yếu trong kiểm soát chi phí và tăng trưởng doanh số dự kiến. Nguyên nhân là sự chênh lệch về tầm nhìn của các thành viên trong nhóm khởi nghiệp dẫn đến việc đóng góp vào hiệu suất chung thường kém hơn so với làm việc độc lập một mình.

Thực tế hiện nay, khi các nhà đầu tư đánh giá các nhóm khởi nghiệp, nên nhớ rằng họ không đánh giá dựa trên một bản lý lịch tuyệt vời của từng thành viên mà đánh giá cao hiệu suất khi làm việc nhóm. Do đó, khởi nghiệp theo nhóm cần phải có tính toán kỹ càng, và những người muốn khởi nghiệp nhóm phải hiểu rõ, nếu không có niềm đam mê kinh doanh và tầm nhìn chiến lược thì một bản lý lịch xuất sắc chỉ đơn thuần trở thành một mảnh giấy mà thôi.

Một số tiêu chí để xác định chọn bạn khởi nghiệp đúng nhất, phù hợp nhất, đỡ rủi ro nhất

- Có nhân cách, tư cách đạo đức tốt. Điều này thể hiện ở sự kiên trì, biết hy sinh lợi ích cá nhân, biết lắng nghe, biết vì cái chung, ý chí vững vàng. Khởi nghiệp là con đường của những người mạnh mẽ và kiên cường, có thêm cả dũng cảm.

- Có cùng đẳng cấp, cùng tư duy, cùng chí hướng và xác định công việc chung là duy nhất và lâu dài.

- Có những kỹ năng, mảnh ghép mà bạn đang thiếu cho dự án, là những kỹ năng có giá trị lâu dài.

- Dám chịu thất bại, sẵn sàng chi phí, dám bỏ tiền, dám tận hiến vì công việc chung.

- Thực sự hiểu nhau, chấp nhận khuyết điểm của nhau.

Một số sai lầm khi chọn bạn khởi nghiệp

- Chấp nhận chọn người giỏi, có kinh nghiệm nhưng lại đang rất bận, chân trong chân ngoài, hoặc có định hướng sự nghiệp riêng. Đối với trường hợp này sẽ có lợi trước mắt, nhưng sẽ bất lợi về sau. Khi khởi nghiệp nếu như tất cả không toàn tâm toàn ý thì dự án khởi nghiệp sẽ không phát triển được, hoặc không có giá trị cao, phát sinh mâu thuẫn về lợi ích, trách nhiệm và phân công nhiệm vụ. Chưa kể đến việc những người giỏi, có kinh nghiệm có cái tôi lớn, hoặc vào chi phối dự án của team theo ý họ. Nếu không được như ý, họ sẽ phật ý và không còn nhiệt huyết.

- Lựa chọn một đồng sáng lập có điều kiện kinh tế, nhưng lại không có hiểu biết nhiều về dự án đang làm, tư duy họ tham gia là để kiếm tiền. Đối với những người như vậy nên để họ sang đúng vị trí là nhà đầu tư, hoặc nếu cần tiền thì nên tìm giải pháp vay vốn để chủ động hơn. Nếu vì thiếu tiền mà chọn bừa một người có tiền vào “Core Team” thì những rắc rối và bất đồng quan điểm sẽ chào đón bạn ở tương lai.

- Lựa chọn bạn thân, anh em họ hàng để khởi nghiệp. Nhiều người mất anh em, bạn bè vì điều này. Khởi nghiệp là chọn người phù hợp nhất chứ không phải chọn người thân nhất. Nhiều khi khởi nghiệp thành vợ chồng, nhưng cũng có rất nhiều vợ chồng chia tay vì khởi nghiệp chung. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi khởi nghiệp cùng nhóm này.

- Lựa chọn một người có chức vụ, quyền lực, nổi tiếng để cùng khởi nghiệp. Đây cũng là cách một số người suy nghĩ đến, tuy nhiên hãy xác định giá trị của sự trợ giúp này có lâu dài hay không. Nếu như là lâu dài thì rất tốt, nhưng nếu nó là ngắn hạn, hoặc có sự thay đổi thì nên cân nhắc. Nhiều rủi ro bắt đầu từ việc có cổ đông là cán bộ cấp cao. Và cũng có một số mẫu thuẫn khi phát sinh khi cá nhân họ lất át Founder, dùng quyền lực và ảnh hướng của mình chi phối đến các thành viên khác

- Lựa chọn một người quá lập dị và cá tính mạnh. Đa phần những người như vậy đều rất có năng lực. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng, để thực sự thành công trong khởi nghiệp thì sự đồng lòng, đoàn kết mới lâu dài.

- Lựa chọn những người đạo đức, nhân cách không tốt còn lại cái gì cũng ổn. Tuy nhiên, ở bên cạnh những người không tử tế một là sẽ bị phá hoại, hai là sẽ biến đổi bạn trở thành xấu như họ. Chưa kể đến những rủi ro dính dáng đến pháp luật.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam/Founder King Broker/Co - Founder batdongsan.vn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục