Những kỳ vọng dang dở!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, khi nhiều câu chuyện kỳ vọng không được như dự kiến, thị trường chứng khoán có diễn biến điều chỉnh kể từ giữa tháng 9 và 2 tháng cuối năm đi ngang trong biên độ hẹp.
Những kỳ vọng dang dở!

Lên vì kỳ vọng

Sau nhịp lao dốc từ đầu tháng 9/2022 đến giữa tháng 11/2022, VN-Index giảm từ gần 1.300 điểm xuống còn hơn 900 điểm, chỉ số có diễn biến hồi phục, tính đến giữa tháng 8/2023 đạt trên 1.240 điểm.

VN-Index tăng điểm chậm rãi nhưng kéo dài một phần là nhờ nhịp hồi kỹ thuật, phần lớn hơn là thị trường kỳ vọng vào những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hạ lãi suất điều hành…

Trong giai đoạn đầu phục hồi, nhà đầu tư tập trung vào nhóm bất động sản và các doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Khi thanh khoản thị trường được cải thiện, dòng tiền bắt đầu lan rộng ra nhóm chứng khoán, với kỳ vọng doanh thu môi giới gia tăng, danh mục tự doanh có lãi. Khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 8/2023, dòng tiền lan tỏa trên toàn thị trường, giúp hầu hết nhóm ngành có diễn biến tích cực. Sau đó, VN-Index có một số phiên điều chỉnh mạnh, nhất là phiên 18/8/2023, nhưng rồi quay trở lại mức hơn 1.240 điểm vào giữa tháng 9.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2023, thị trường chứng khoán có diễn biến giảm nhanh, VN-Index lùi xuống gần 1.000 điểm, thanh khoản cũng suy giảm. Trong 2 tháng gần đây, chỉ số đi ngang trong biên độ hẹp, dao động quanh ngưỡng 1.100 điểm.

Đáng lưu ý, khối nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng trong những tháng cuối năm 2023. Dữ liệu của Công ty Chứng khoán MB cho thấy, tính riêng sàn HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 4.264 tỷ đồng trong tháng 9, gần 2.677 tỷ đồng trong tháng 10, gần 3.929 tỷ đồng trong tháng 11 và trên 10.000 tỷ đồng trong tháng 12.

Doanh nghiệp vẫn khó khăn

Bất động sản là nhóm ngành phát hành trái phiếu lớn thứ hai sau nhóm ngân hàng, có một số quý vươn lên dẫn đầu. Tuy nhiên, quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gần như bị gián đoạn do niềm tin vào loại chứng khoán này suy giảm. Bởi lẽ, cơ quan chức năng đã phát hiện một số doanh nghiệp phát hành vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, trong khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng và quy định mới của pháp luật chặt chẽ hơn đối với hoạt động phát hành trái phiếu.

Nếu như năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản huy động được 281.920 tỷ đồng trái phiếu, thì năm 2022 chỉ huy động được 62.780 tỷ đồng và nửa đầu năm 2023 huy động được 32.660 tỷ đồng. Quý III/2023, hoạt động phát hành trái phiếu có dấu hiệu phục hồi khi các doanh nghiệp địa ốc huy động được hơn 29.590 tỷ đồng trái phiếu và tình hình phát hành trong quý cuối năm 2023 tiếp tục khả quan. Yếu tố hỗ trợ là thị trường địa ốc bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, nhất là phân khúc căn hộ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được phép đàm phán với trái chủ để kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, giúp giảm áp lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn. Ngoài ra, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11/2023, còn Luật Đất đai sửa đổi dự kiến được thông qua trong kỳ họp bất thường tháng 1/2024.

Tuy nhiên, việc giãn nợ trái phiếu và hoạt động phát hành dần khởi sắc không đồng nghĩa với khó khăn về dòng tiền đã được giải quyết. Trong tháng 11/2023, một số doanh nghiệp địa ốc huy động trái phiếu với lãi suất 12%/năm, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tổng lợi nhuận quý III/2023 của các doanh nghiệp niêm yết giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận quý giảm thứ tư liên tiếp. Trong đó, lợi nhuận nhóm hoá chất giảm 77,3%, nhóm điện giảm 67,7%, nhóm bất động sản giảm 39,1%, nhóm vật liệu xây dựng giảm 2,1%. Một số ít nhóm ngành có kết quả kinh doanh khả quan là dầu khí, dịch vụ tài chính, bảo hiểm.

“Giai đoạn cuối năm 2023, khi nhiều câu chuyện kỳ vọng về giải ngân đầu tư công, tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất cho vay… không như dự kiến, trong khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, hoạt động xuất khẩu ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn vẫn khó khăn, điều này đã ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán”, một chuyên gia chứng khoán nói và kỳ vọng, triển vọng thị trường năm 2024 sẽ sáng hơn năm 2023.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2023 ước đạt 65,1% kế hoạch năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ giao. Tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 20/12/2023 tăng 10,85% so với cuối năm 2022, nhưng trước đó, mức tăng đến ngày 22/11 chỉ là 8,21% (mục tiêu cả năm là 14 - 15%). Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% (mục tiêu là 6,5%).

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ