Phơi bày hay che dấu
Việc bóp méo báo cáo tài chính là vấn đề lớn gây ảnh hưởng đến NĐT. Mặc dù đã có quy định nhằm hạn chế tiêu cực trong việc công bố thông tin, hệ thống lương thưởng của ban giám đốc, việc áp dụng các tiêu chuẩn kế toán được thừa nhận (GAAP), nhưng điều này chỉ hạn chế được phần nào các vấn đề nảy sinh. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa nhà kiểm toán độc lập và khách hàng DN là nguyên nhân lớn dẫn đến xung đột lợi ích. Vì vậy, khi tham gia mua vào loại cổ phiếu hay trái phiếu, NĐT nên cẩn trọng trước vấn đề này.
Thông thường, có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc bóp méo báo cáo tài chính:
Nguyên nhân thứ nhất do ban giám đốc có động cơ để tô vẽ báo cáo tài chính lạc quan hơn so với thực tế, nhằm đạt được kỳ vọng của NĐT và tăng quyền lợi được hưởng từ phía DN.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc áp dụng các chuẩn mực kế toán. Các tiêu chuẩn kế toán được thừa nhận khá linh động trong từng trường hợp. Điều này dễ dàng để ban giám đốc tạo ra một báo cáo tài chính có lợi cho công ty để cung cấp cho NĐT và các bên liên quan.
Nguyên nhân thứ ba, hiếm khi việc bóp méo báo cáo tài chính bị phát hiện bởi NĐT do mối quan hệ mật thiết của nhà kiểm toán độc lập và DN. Về nguyên tắc, tổ chức kiểm toán làm việc như một đơn vị độc lập. Tuy nhiên, có sự phát sinh xung đột về lợi ích do lợi nhuận thu được từ các DN mà tổ chức kiểm toán tham gia tác nghiệp. Hậu quả là kiểm toán viên có thể linh động hóa các tiêu chuẩn kế toán, nhằm thay đổi tình trạng tài chính của DN khiến khách hàng DN hài lòng. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhận được khoản doanh thu tương đối lớn từ khách hàng DN. Do vậy, áp lực chứng nhận tính minh bạch của báo cáo tài chính cho DN để giữ mối khách hàng là rất lớn.
Báo cáo tài chính bị bóp méo như thế nào?
Thông thường, có hai cách tiếp cận làm méo mó báo cáo tài chính. Cách đầu tiên là việc tăng doanh thu và giảm chi phí trong kỳ báo cáo. Cách này tạo nên điều kiện tài chính khả quan hơn cho DN. Cách thứ hai là việc bóp méo báo cáo tài chính theo chiều hướng ngược lại. Đây là việc giảm doanh thu, tăng chi phí. Nguyên nhân đằng sau sự bóp méo này là việc làm cho tình hình tài chính của công ty trở nên xấu đi, đặc biệt cho các vụ mua bán và sáp nhập.
NĐT cần hiểu rõ rằng, có rất nhiều thao tác được sử dụng nhằm bóp méo báo cáo tài chính. Tuy nhiên, phần lớn thao tác này được sử dụng làm thay đổi báo cáo kết quả kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, số liệu của bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng có thể bị thay đổi. Thậm chí, báo cáo của ban giám đốc trong bản báo cáo tài chính cũng bị bóp méo bởi những thuật ngữ như "có thể", "do đó", "khả năng"… Vì vậy, NĐT cần hiểu rõ để có đánh giá chuẩn xác hơn về tình hình tài chính của DN.
NĐT cần xem xét các động cơ bóp méo báo cáo tài chính. Đã có rất nhiều NĐT chịu tổn thất lớn khi dựa vào các báo cáo tài chính của DN để đưa ra quyết định đầu tư. Việc phân tích đánh giá báo cáo tài chính cần được tiến hành bởi những người có chuyên môn, có kiến thức và kinh nghiệm. Tuy nhiên, không phải NĐT nào cũng có được vốn kiến thức cần thiết để tiến hành việc phân tích DN. Do vậy, việc đầu tư vào cổ phiếu của một DN của NĐT thì tính an toàn chỉ ở mức tương đối.
Một số thuật ngữ kế toán
Sử dụng "creative accounting" trong việc làm đẹp báo cáo tài chính (BCTC)
Creative accounting (tạm dịch là "vận dụng tiêu chuẩn kế toán linh hoạt") là thuật ngữ sử dụng trong kế toán thực hành. Creative accounting có thể được hiểu như việc lựa chọn và sử dụng các chính sách kế toán nhằm lập BCTC theo chủ quan của người thực hiện. Creative accounting được áp dụng như một công cụ để thổi phồng lợi nhuận, tài sản, hay làm giảm các khoản nợ và chi phí. Hậu quả là làm cho người đọc có sự phân tích sai lệch về tình hình tài chính của DN.
Thuật ngữ "creative accounting" là cách mà kế toán viên linh động sử dụng kiến thức và sự hiểu biết tiêu chuẩn kế toán của mình nhằm làm sai lệch số liệu trong BCTC. Động cơ của creative accounting xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trong đó, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ cam kết chế độ lương thưởng dựa trên lợi nhuận của ban giám đốc. Ngoài ra, việc can thiệp BCTC còn xuất phát từ động cơ làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp cho Nhà nước. BCTC còn được làm đẹp để phục vụ cho nhu cầu vay vốn của DN. Trong đó, bên cho vay đòi hỏi tình hình tài chính của DN phải đạt được một số yêu cầu về tài chính đề ra. "Creative accounting" là nguồn gốc của các vụ bê bối kế toán gần đây. Rất nhiều công ty cải cách hệ thống kế toán nhằm cập nhật những đánh giá về nguồn vốn, nhân tố sản xuất để làm tăng giá trị tài sản.
Hiện tượng thổi phồng lợi nhuận
Thổi phồng lợi nhuận (earning management) xảy ra khi có tình trạng sử dụng các thao tác làm biến đổi BCTC và các giao dịch phát sinh của DN, làm thay đổi thực trạng hoạt động kinh doanh của DN.
Hiện tượng thổi phồng lợi nhuận là việc chủ tâm làm tăng lợi nhuận của DN, dẫn đến thu nhập trên cổ phần (EPS) tăng lên qua việc sử dụng creative accounting.
Khi ban giám đốc muốn công bố khoản lợi nhuận của DN với một mức độ nhất định qua việc sử dụng linh động các tiêu chuẩn kế toán, các thao tác này được hiểu là hành động gian lận kế toán. Trong đó, số liệu được điều chỉnh được coi là gian lận nếu vượt qua vành đai tiêu chuẩn của kế toán thực hành. Động cơ cho các hành động này có thể xuất phát từ kỳ vọng của thị trường về tiềm năng của DN, hay do bản thân ban giám đốc có động cơ làm đẹp BCTC xuất phát từ những vấn đề về lương thưởng, hoặc DN muốn duy trì vai trò và chỗ đứng của mình trong ngành. Phần lớn trường hợp áp dụng chế độ kế toán thực thành phụ thuộc vào sự trung thực của người sử dụng nó.
Việc sử dụng các thao tác để thổi phồng lợi nhuận tạo ra nhiều vấn đề tranh cãi trong việc sử dụng các tiêu chuẩn kế toán thực hành. Khá dễ dàng cho đơn vị kiểm toán phát hiện lỗi của BCTC. Tuy nhiên, sự thổi phồng lợi nhuận của DN có thể bị che dấu do gian lận kế toán. Yêu cầu đối với ban giám đốc là chịu trách nhiệm về sự trung thực của BCTC và không tham gia vào các hoạt động gian lận kế toán. Đơn vị kiểm toán cần phân biệt rõ gian lận kế toán với lỗi xuất hiện trong BCTC bằng việc cân nhắc các động cơ liên quan.
Một số hình thức thổi phồng lợi nhuận
- Thừa nhận doanh thu không đúng với thực tế;
- Áp dụng không đúng tiêu chuẩn kế toán dồn tích và đánh giá các khoản công nợ;
- Trích lập dự phòng quá đà;
- Chủ tâm phá vỡ các tiêu chuẩn của BCTC dẫn đến vi phạm tiêu chuẩn kế toán nghiêm trọng.