Giải pháp phía cung
Xây dựng hệ thống/xác định giá bán nợ
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan cần thống nhất trong việc xây dựng hệ thống cơ sở xác định giá trị khoản nợ để làm cơ sở đàm phán giữa bên mua và bên bán. Bởi hiện tại, trong giao dịch mua bán nợ, sự chênh lệch lớn giữa giá chào mua và giá chấp nhận bán làm kéo dài thời gian đàm phán và dẫn đến thất bại trong giao dịch.
Bên cạnh đó, nên nghiên cứu việc cho ra đời hoạt động của các công ty định giá có chức năng định giá độc lập các khoản nợ như mô hình các công ty định giá hiện tại. Việc ra đời các công ty dạng này sẽ giúp cả bên mua nợ và bên bán nợ có cơ sở để xem xét, quyết định việc mua bán và đảm bảo việc mua bán nợ được thực hiện khách quan. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các TCTD nhà nước, khi trách nhiệm về sử dụng và mất vốn luôn rất nặng nề.
Thống nhất việc phân loại và xếp hạng nợ xấu
NHNN cần triển khai thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN đúng lộ trình (tháng 6/2014) để thống nhất việc phân loại nhóm nợ các khách hàng, tránh trường hợp các ngân hàng hiện nay vẫn giấu nợ xấu, thông qua điều chỉnh xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp vay vốn. Hiện nay, vẫn có tình trạng doanh nghiệp được phân loại nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở ngân hàng này, nhưng lại được phân loại và xếp nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) ở ngân hàng khác, dẫn đến khó khăn trong việc bán nợ xấu khi thiếu sự hợp tác và thống nhất giữa các TCTD đồng tài trợ vốn.
Khi đã có sự thống nhất về cách phân loại nợ và tỷ lệ nợ xấu thì quy định buộc các TCTD phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nếu tỷ lệ nợ xấu trên 3% mới phát huy được hiệu quả, buộc các TCTD phải thực hiện bán nợ, làm tăng cung của thị trường.
Giải pháp phía cầu
Xây dựng chính sách ưu đãi thuế
Nhiều NĐT sau khi mua nợ không bán lại nợ, mà trực tiếp cấp thêm vốn để khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, trước khi bán lại để thu hồi vốn. Vì thế, chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động mua bán nợ sẽ khuyến khích và tạo động lực cho các NĐT tham gia.
Ổn định và lành mạnh hóa TTCK
TTCK có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường mua bán nợ và việc tái cấu trúc nền kinh tế. Doanh nghiệp sau khi được mua bán sẽ được đầu tư vốn để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đến khi có đủ điều kiện, chủ nợ mới sẽ tiến hành phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và đưa doanh nghiệp lên niêm yết trên sàn chứng khoán để thu hồi vốn. Đây là cách phổ biến được các nước phát triển áp dụng để xử lý nợ xấu, trường hợp tiêu biểu nhất gần đây chính là Công ty General Motors đã niêm yết trở lại TTCK Mỹ sau hơn 1 năm nộp đơn tuyên bố phá sản (Chính phủ Mỹ đã bỏ ra gần 50 tỷ USD và tiếp nhận 61% cổ phần của Công ty). Một TTCK minh bạch, tăng trưởng tốt sẽ là thước đo chính xác sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng và nền kinh tế nói chung, đồng thời làm tăng niềm tin của các NĐT mua nợ, bởi TTCK là một trong những biện pháp thu hồi vốn đầu tư.
Mở cửa cho NĐT nước ngoài
Tại Hội thảo “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc hệ thống TCTD Việt Nam” mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, mặc dù VAMC mới ra đời, nhưng đã có rất nhiều NĐT nước ngoài muốn mua nợ xấu của Việt Nam, trong số đó có những NĐT lớn của thế giới như Blackstone Group, Deutsche Bank Capital... Thực lực của các công ty mua bán nợ tại Việt Nam hiện không đủ sức để xử lý khoản nợ xấu lớn với giá trị khoảng 14 tỷ USD, vì vậy Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích các NĐT nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ. Với nguồn vốn lớn và kinh nghiệm hàng chục năm phát triển thị trường mua bán nợ, các NĐT ngoại sẽ là một trong những đối tác tham gia hoạt động hiệu quả trên thị trường Việt Nam.
Thúc đẩy phạm vi hoạt động của các AMC
Các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các ngân hàng thường chỉ co hẹp hoạt động trong việc xử lý nợ của ngân hàng mẹ. Nếu các công ty này không tham gia mua bán các khoản nợ của các ngân hàng khác, thì không thể hình thành thị trường mua bán nợ tập trung. NHNN nên có quy định, các TCTD có nợ xấu trên 3% phải thành lập AMC riêng, phạm vi hoạt động là toàn bộ tài sản và các khoản nợ xấu trên thị trường.
Hoàn thiện khung pháp lý
Muốn có thị trường mua bán nợ thì phải có người mua, người bán; phải có khuôn khổ pháp lý tốt cho thị trường hoạt động. Đặc biệt, muốn thu hút các NĐT nước ngoài tham gia thị trường này thì khuôn khổ pháp lý phải tạo thuận lợi cho họ, đặc biệt là vấn đề trần tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng, cũng như việc sở hữu tài sản tại Việt Nam, nhất là bất động sản. Cần rà soát và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán nợ, về quan hệ giữa công ty xử lý nợ với các TCTD. Môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng, thủ tục nhanh chóng, đơn giản sẽ thu hút được NĐT nước ngoài tham gia thị trường.
Một số giải pháp khác
Thành lập Hiệp hội Các công ty mua bán nợ
Thực tế cho thấy, mô hình hiệp hội hoạt động tương đối hiệu quả tại Việt Nam. Tuy đã có Hiệp hội Ngân hàng, nhưng việc thành lập Hiệp hội Các công ty mua bán nợ có thể là nhân tố cần thiết để thị trường mua bán nợ Việt Nam có điều kiện phát triển. Hiệp hội là đại diện cho tiếng nói của các công ty mua bán nợ, bao gồm VAMC, DATC và các AMC của các TCTD cũng như các tổ chức, doanh nghiệp khác có chức năng mua bán nợ.
Xây dựng cơ chế đấu giá bán các khoản nợ
Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế việc bán đấu giá các khoản nợ. Biện pháp này sẽ xem các khoản nợ cần thu hồi tương tự như các gói thầu được đem ra đấu giá, việc tổ chức đấu giá các khoản nợ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá. Các TCTD sẽ tổ chức bán đấu giá các khoản nợ cho các NĐT hay đối tác muốn quan tâm. Giá được đưa ra đấu giá là giá do TCTD hoặc một công ty có chức năng định giá khoản nợ đưa ra. Nếu được quy định và hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, biện pháp này sẽ tăng thêm kênh mua bán có hiệu quả cho thị trường mua bán nợ.
Thêm các giải pháp xử lý nợ xấu
Việc thành lập VAMC đang bắt đầu phát huy tác dụng khi đã có nhiều TCTD đánh tiếng muốn bán nợ xấu. Đến nay, VAMC đã mua được 38.900 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 32.400 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi mua nợ xấu, VAMC làm gì thì vẫn chưa rõ ràng. Đối với những khoản nợ này, các TCTD vẫn phải trích lập 20% dự phòng rủi ro trong vòng 5 năm và có trách nhiệm thu đòi nợ. Trường hợp VAMC không bán được nợ xấu, các TCTD sẽ phải mua lại các khoản nợ xấu đã bán và tiếp tục xử lý. Như vậy, nợ xấu không được xử lý dứt điểm, mà chỉ tạm thời chuyển khỏi bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp chuyển sang VAMC trong vòng 5 năm. Đây chỉ là biện pháp tạm thời để giảm bớt tỷ lệ nợ xấu, giúp các ngân hàng giải quyết một phần vốn tồn đọng trong nợ xấu để đưa dòng tiền vào lưu thông trong nền kinh tế.
Để biện pháp bán nợ thực sự có hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa các tổ chức mua nợ với các hiệp hội doanh nghiệp (để tìm đối tác quan tâm mua lại hoặc phối hợp cấp thêm vốn để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh), hoặc thúc đẩy liên hệ với các NĐT để bán lại nợ cho nước ngoài, hoặc phối hợp với chính các TCTD để chứng khoán hóa khoản nợ xấu của TCTD đó trên cơ sở cùng tái cơ cấu doanh nghiệp (ngân hàng tài trợ vốn, đối tác mua nợ phụ trách quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh)…, nhằm giải quyết dứt điểm nợ xấu.