Những doanh nhân tuổi Kỷ Hợi trên sàn chứng khoán

(ĐTCK) Sách tử vi phương Đông quan niệm, nam giới tuổi Kỷ Hợi có tương lai rất xán lạn. Lướt qua sàn chứng khoán, không khó để bắt gặp những doanh nhân tên tuổi sinh năm Kỷ Hợi  1959. 
Coteccons nằm trong danh sách rất ít nhà thầu trên thế giới đủ khả năng thực hiện các công trình siêu cao tầng. Coteccons nằm trong danh sách rất ít nhà thầu trên thế giới đủ khả năng thực hiện các công trình siêu cao tầng.

 Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco

Nhắc đến doanh nhân tuổi Kỷ Hợi, không thể không nói tới ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco. Ông Tiền sinh ngày 10/5/1959 tại Thái Bình, từng học Ðại học Kỹ thuật Quân sự.

 ông Vũ Văn Tiền.

Nếu nhìn vào danh sách người giàu trên thị trường chứng khoán, ông Vũ Văn Tiền có khoảng cách khá xa so với các doanh nhân đứng ở vị trí hàng đầu. Ðiều này xuất phát từ việc giá trị tài sản của các doanh nhân được tính toán dựa theo số lượng cổ phiếu đang sở hữu nhân với thị giá cổ phiếu đang được giao dịch.

Mà cổ phiếu trên sàn chứng khoán ông Tiền trực tiếp sở hữu gần như chỉ có SHN của CTCP Ðầu tư tổng hợp Hà Nội. Tuy vậy, tài sản của vị doanh nhân này nằm ở nhiều công ty, dự án mà Tập đoàn Geleximco do ông làm chủ đang đầu tư.

Geleximco là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực chính như bất động sản, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, hạ tầng… Geleximco có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Về sản xuất công nghiệp, Geleximco đầu tư xây dựng một số dự án lớn: Nhà máy Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh), Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa (Tuyên Quang), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh)…

Trong lĩnh vực hạ tầng, bất động sản, Tập đoàn đầu tư nhiều dự án nhóm A, tiêu biểu như Khu đô thị Cái Dăm (có quy mô diện tích 37,04 ha) tại Quảng Ninh; Khu đô thị Lê Trọng Tấn (rộng 135 ha) tại Hà Ðông, Hà Nội; Khu đô thị Ðồng Trúc - Ngọc Liệp (rộng 250 ha) tại Quốc Oai - Hà Nội; Khu đô thị Phú Mãn (rộng 461,2 ha) tại Hà Nội; 2 khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao và 5 sao, hay Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); Dự án Trung tâm thương mại Tân Hoàng Cầu (tòa nhà Geleximco) có tổng diện tích mặt bằng 26.000 m2…

Cùng với đó, Geleximco cũng là cổ đông chiến lược của nhiều doanh nghiệp lớn như Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Viện Quản lý Toàn cầu Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC…

Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD)

Ðại gia khác tuổi Kỷ Hợi trên thị trường chứng khoán là ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD).

 ông Nguyễn Bá Dương.

Ông Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Trường Ðại học Xây dựng Kiev (Ukraine). Ông được xem là linh hồn của CTD, với vai trò là người sáng lập và điều hành Công ty từ năm 2002 khi CTD chỉ là một xí nghiệp xây dựng. Ðến năm 2004, khi Công ty bắt đầu hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần, ông Dương được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Năm 2005, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cho đến nay.

Ngoài tài kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, ông Dương nổi tiếng trong giới doanh nhân bởi tài dùng người. Ông luôn nằm trong Top những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam khi từng bước đưa Coteccons phát triển mạnh mẽ. Công ty liên tục đứng đầu các nhà thầu xây dựng tại Việt Nam. Ngoài ra, Coteccons cũng nằm trong số ít công ty niêm yết trên sàn chứng khoán đạt lợi nhuận trên nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Với công trình tòa tháp The Landmark 81, Coteccons tiếp tục khẳng định năng lực của mình, nằm trong danh sách rất ít nhà thầu trên thế giới đủ khả năng thực hiện các công trình siêu cao tầng.

Ông Dương hiện đang sở hữu hơn 3,8 triệu cổ phiếu CTD, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 4,89% tại công ty này. Mặc dù năm 2018 vừa qua, cổ phiếu CTD trượt dốc từ mức trên 220.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2018 về mức 150.000 đồng/cổ phiếu, nhưng với thị giá hiện tại, ông Dương vẫn nằm trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán với tài sản trị giá 573 tỷ đồng.

Ngoài việc lãnh đạo Coteccons, ông còn đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng Phú Hưng Gia và là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Nguyễn Thiều Quang, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB)

Một doanh nhân đáng nhớ khác là Nguyễn Thiều Quang, nhân vật chủ chốt trong Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB). Ông Quang sinh ngày 28/8/1959, tốt nghiệp Kiến trúc sư - Kỹ sư mỏ tại Trường Ðại học Bách khoa Donhetsk, Ukraine (nay là Ðại học Kỹ thuật Quốc gia Donetsk).

Ông Nguyễn Thiều Quang 

Ông Quang tham gia Hội đồng quản trị Techcombank từ năm 1999 và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này từ tháng 5/2008 đến nay. Ông cũng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp lớn như tham gia Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - MCH), thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Masan và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Môi trường và xây dựng
Sài Gòn - Senco.

Sau khi nhận mức cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 200%, ông Nguyễn Thiều Quang sở hữu hơn 30,2 triệu cổ phiếu TCB, tỷ lệ nắm giữ vẫn duy trì ở mức 0,8%. Với thị giá hiện quanh mức 26.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị của số cổ phiếu này được thị trường định giá trên 800 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn sở hữu một lượng cổ phiếu MSN và MCH. Tổng giá trị khối cổ phiếu đang nắm giữ của ông Quang xấp xỉ gần 1.000 tỷ đồng.

Trong Top người giàu trên sàn chứng khoán, doanh nhân tuổi Kỷ Hợi (1959) còn kể đến ông Quách Văn Ðức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa (TID) hay bà Ðặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Ðầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA)...             

Nguyên Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục