Những doanh nghiệp tự tin vượt khó

Cuộc giao lưu trực tuyến do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức tuần qua nhân kỷ niệm 8 năm ngày khai trương TTCK Việt Nam (28.7.2000 - 28.7.2008) đã nhận được hàng trăm câu hỏi của bạn đọc, trong đó vấn đề được quan tâm nhiều nhất là DN đang làm gì để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và góp phần vào sự ổn định của TTCK? ĐTCK xin giới thiệu những ý kiến tiêu biểu từ các DN tham dự cuộc giao lưu này.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank

Chiến lược phát triển của Sacombank được tập thể cổ đông ủng hộ, hậu thuẫn và thông qua tại các kỳ họp ĐHCĐ là phát triển thành một ngân hàng bán lẻ, hiện đại và đa năng, dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Sáu tháng đầu năm, Sacombank đạt 754 tỷ đồng lợi nhuận.

Trong cơ cấu lợi nhuận thu về 6 tháng đầu năm, nguồn thu nhập từ lãi cho vay chiếm 56%/tổng thu nhập thuần, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối chiếm 36%/tổng thu nhập thuần, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ, hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối có bước đột phá nhờ phát huy tốt lợi thế về mạng lưới của Sacombank. Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần chiếm 8%/tổng thu nhập thuần thuần, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tôi, chính sách kiềm chế tăng trưởng tín dụng 30% của Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm soát lạm phát là đúng đắn. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2008 của Sacombank là nhỏ hơn 30% (6 tháng đầu năm tăng trưởng 12%).

Hoạt động ổn định và bền vững là điều mà DN quan tâm hàng đầu, bên cạnh việc tạo giá trị gia tăng cho nhà đầu tư. Ngay từ đầu năm 2000, Sacombank đã xây dựng định hướng chiến lược đến năm 2010 trên quan điểm này. Đến nay, Sacombank tích luỹ được 1.213 tỷ đồng và tổng giá trị bất động sản 1.643 tỷ đồng, tăng 98% so với giá trị ban đầu.

Ông Đỗ Văn Khạnh, Tổng giám đốc Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD)

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của PVD 6 tháng đầu năm rất tốt, các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cao đều phát triển mạnh, các giàn khoan đạt hiệu suất trên 99% (kế hoạch dự kiến là 90%). PVD không đầu tư tài chính nên không có rủi ro đầu tư tài chính. Dự kiến, PVD sẽ đạt 850 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2008.

Từ nay đến cuối năm, nếu thị trường tài chính tốt lên, PVD sẽ phát hành cổ phiếu huy động vốn cho các dự án đầu tư. PVD sẽ duy trì đà phát triển mạnh trong năm 2009, tăng trưởng đột phá trong năm 2010, làm tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững ở những năm tiếp theo. Các dự án giàn khoan của PVD đều đang hoạt động tốt. Dàn khoan biển PV Drilling I và giàn khoan đất liền PV Drilling II đều hoạt động với hiệu suất rất cao. 2 giàn PV Drilling II và III đang xây dựng tại Singapore đúng tiến độ, sẽ hoàn thành vào quý IV/2009. Chúng tôi đang chuẩn bị đấu thầu để giàn khoan có thể hoạt động ngay sau khi hoàn tất. Hiệu quả dự tính (IRR) khoảng 20% cho mỗi dự án.

PVD có lợi thế cạnh tranh là thiết bị công nghệ hiện đại, đội ngũ kỹ thuật giỏi, hệ thống quản lý tốt (PVD đã áp dụng hệ thống quản trị DN ERP), đội ngũ quản lý của PVD rất có kinh nghiệm trong ngành dịch vụ khoan quốc tế. PVD hiện chiếm 10% thị phần kinh doanh dịch vụ khoan tại Việt Nam và khả năng sẽ chiếm 30 - 50% thị phần trong 5 -7 năm tới.

Ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun)

Tháng 10/2007, Vinasun phát hành 7 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược để mua sắm mới 1.000 xe taxi và đầu tư vào khu đất Vinasun với tổng diện tích 700 m2, tại đường Thủ Khoa Huân, Quận 1. Những kế hoạch đầu tư này đã và đang được thực hiện một cách suôn sẻ, việc tăng vốn của Vinasun sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành những khoản đầu tư trên.

Vinasun định hướng vào hai lĩnh vực hoạt động chính. Thứ nhất là hoạt động kinh doanh vận tải taxi. Từ nay đến năm 2010, Vinasun cố gắng chiếm lĩnh thị trường tại khu tam giác TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai. Số lượng xe phục vụ cho kế hoạch trên là hơn 3.000 xe. Dự kiến, cuối năm 2008 Vinasun sẽ có trên 2.000 xe. Thứ hai là đầu tư vào các dự án như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự cao cấp cho thuê. Những dự án đầu tư mà Vinasun sẵn có là Cao ốc Vinasun Tower, Khu chung cư Quận 8, đều thuộc sở hữu của Vinasun.

Năm 2008, Vinasun dự kiến sẽ đạt tổng doanh thu 744 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, Vinasun đã thực hiện được 390 tỷ đồng, 6 tháng cuối năm ước đạt 470 tỷ đồng, cả năm sẽ đạt 860 tỷ đồng, vượt 15,5% kế hoạch. Về lợi nhuận, 6 tháng đầu năm, Vinasun đạt gần 33 tỷ đồng, cả năm ước đạt 77 tỷ đồng, tăng 11,7% so với kế hoạch. Ngày 29/7, Vinasun sẽ chính thức đưa cổ phiếu vào giao dịch tại Sở GDCK TP. HCM.

 

Bà Lưu Ánh Xuân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2008, Techcombank tiếp tục tăng trưởng. Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Techcombank là một trong số ít ngân hàng tiếp tục duy trì hoạt động cho vay trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Ban lãnh đạo Techcombank đã tập trung nguồn vốn hỗ trợ khách hàng truyền thống và mở rộng tài trợ cho  khách hàng có quy mô vừa và nhỏ. Không chỉ cho vay, Techcombank luôn tư vấn cho khách hàng về rủi ro có thể xảy ra trên thị trường và cung cấp sản phẩm phòng ngừa rủi ro thông qua các sản phẩm phái sinh, sản phẩm tiết kiệm đa dạng, sản phẩm tài trợ ưu đãi xuất khẩu.

Với xu hướng thắt chặt tiền tệ và giảm cho vay tín dụng hiện nay, phát triển dịch vụ và công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng. Việc Techcombank đầu tư vào chất lượng dịch vụ và công nghệ sẽ giúp phục khách hàng tốt hơn.

6 tháng cuối năm, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn do việc cho vay mang lại hiệu quả kém hơn khi lãi suất huy động ở mức cao, trong khi lãi suất cho vay lại cố định tối đa (hiện là 21%/năm). Rủi ro có thể gia tăng do việc thiếu vốn và khó khăn kinh tế khiến khách hàng có thể chậm trả nợ, chi phí trích lập dự phòng gia tăng.

Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, ngân hàng tăng lãi suất huy động là phù hợp với xu hướng thị trường, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Chủ trương thắt chặt tín dụng là hợp lý, tuy nhiên một số lĩnh vực như xuất khẩu nông sản, dệt may, gỗ... hay sản xuất các hàng hoá thiết yếu rất cần vốn để tăng trưởng và duy trì hoạt động, vì vậy cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho những lĩnh vực này.

Ông Võ Hữu Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC)

Việc tăng giá xăng dầu vừa qua không phải là yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát về dài hạn ở Việt Nam, yếu tố tiền tệ vẫn quyết định đến bài toán lạm phát 6 tháng cuối năm. Chúng tôi dự báo, chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức 3% trong tháng 8 và dần ổn định ở mức dưới 2%/tháng, kể từ tháng 9/2008.

TTCK đang giảm là do tâm lý lo lắng giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, BVSC gần đây có bản phân tích nghiên cứu thực tế tình hình kết quả kinh doanh của 20 DN có mức vốn hoá lớn nhất trên sàn TP. HCM và kết quả là khả quan, các DN này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá xăng dầu tăng.

Đầu tháng 7, BVSC đã có báo cáo phân tích ngành ngân hàng. Chúng tôi nhìn nhận những khoản cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán của hệ thống ngân hàng hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cả 2 thị trường này đang sụt giảm. Khả năng đến cuối năm 2008, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên so với năm 2007.

Tôi cho rằng, đây là thời điểm tốt để đầu tư chứng khoán vì các kênh đầu tư khác đang kém hấp dẫn hơn trước, chẳng hạn lãi suất tín dụng thực âm, trong khi giá chứng khoán đã giảm hơn 50%. NĐT nên cân nhắc đến các ngành nghề hưởng lợi theo lạm phát như hàng tiêu dùng, lương thực - thực phẩm, sản xuất nguyên vật liệu cơ bản, dược phẩm… cũng như các ngành ít bị tác động bởi lạm phát như cao su, dầu khí, sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp, khai thác tài nguyên, khoáng sản (than đá, quặng)…

Thuỳ Vinh - Gia Linh - Vân Anh - Thanh Đoàn - Quốc Trường thực hiện.
Thuỳ Vinh - Gia Linh - Vân Anh - Thanh Đoàn - Quốc Trường thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,221.03 4.67 0.38% 170,273 tỷ
HNX 228.22 0.73 0.32% 1,402 tỷ
UPCOM 89.78 0.09 0.1% 617 tỷ