Đó là các doanh nghiệp niêm yết hoạt động hiệu quả, minh bạch; các CTCK uy tín, chuyên nghiệp… Đây cũng thường là những cái tên được nhiều tổ chức trong và ngoài nước dùng để giới thiệu về TTCK Việt Nam.
SSI và HSC: “Cổng” chính đón NĐT ngoại
Đến cuối tháng 6/2014, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã cấp tổng cộng 17.169 mã số giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cuối năm ngoái, con số này là 16.731 mã, trong đó 14.461 mã cấp cho cá nhân và 2.270 mã cấp cho tổ chức. TTCK Việt Nam có cả trăm CTCK, nhưng giao dịch của các nhà đầu tư tập trung phần lớn tại CTCK Sài Gòn (SSI) và CTCK TP. HCM (HSC).
Theo số liệu do 2 CTCK này công bố, năm 2013, SSI chiếm 28% thị phần môi giới khách hàng tổ chức nước ngoài, trong khi thị phần môi giới cho khối ngoại nói chung của HSC là hơn 32%. Điều này cho thấy, SSI và HSC là 2 cái “cổng” chính đối với nhà đầu tư nước ngoài khi họ muốn tiếp cận và đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Là CTCK ra đời sớm thứ ba trên cả nước và đầu tiên tại TP. HCM, SSI song hành cùng TTCK từ những ngày đầu. SSI nhận giấy phép thành lập vào ngày cuối cùng của năm 1999 với vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Tháng 4/2000, SSI được cấp phép hoạt động với 2 nghiệp vụ là môi giới và tư vấn đầu tư. Sở GDCK TP. HCM (HOSE), lúc đó là Trung tâm GDCK TP. HCM, đến cuối tháng 7/2000 mới khai trương phiên giao dịch đầu tiên với 2 cổ phiếu là SAM và REE.
HSC ra đời trễ hơn nhưng ngay khi đi vào hoạt động vào tháng 4/2003 đã trở thành số ít các CTCK có vốn lớn nhất với 50 tỷ đồng.
Giai đoạn đó, cơ chế cấp phép thành lập và hoạt động cho khối CTCK được tách riêng: Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp đăng ký kinh doanh, còn Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp phép hoạt động. Hai giấy phép này hiện đã được gộp thành một và cấp bởi UBCK.
Giai đoạn 2006 - 2009, TTCK Việt Nam chứng kiến sự thăng trầm nhất trong lịch sử còn non trẻ của mình khi VN-Index thăng hoa lên đỉnh 1.170,67 điểm vào ngày 12/3/2007 để rồi sau đó dập dờn đi xuống như kiểu máy bay hạ độ cao và chạm đáy 235,5 điểm vào ngày 24/2/2009.
Sự thoái trào bắt đầu từ năm 2007, nhưng đến năm sau, các CTCK mới thấm. Năm 2007, SSI vẫn còn bán được 10% cổ phần cho Tập đoàn ANZ với tổng giá trị thu về lên đến 88 triệu USD, tức ANZ đã trả 283.360 đồng cho mỗi cổ phần của SSI, cao hơn 83% so với giá đang giao dịch trên OTC lúc bấy giờ.
Năm 2007, SSI có thị phần môi giới khách hàng nước ngoài lớn nhất trên HOSE với 38%, trong khi HSC mới chỉ có 4,87%, dù vẫn thuộc tốp đầu. Thời điểm đó, SSI quản lý hơn 35.000 tài khoản, trong đó hơn 3.000 tài khoản là của các nhà đầu tư ngoại đến từ Mỹ, Anh, Canada, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Thái Lan và Đài Loan.
Năm đó, SSI có thêm nhiều khách hàng lớn như Deutsche Bank, Citi Group Global Market Financial Products LLC, Societe Generale Asset Management Consulting AG, Daiwa Securities, Leading Investment Securities, Nomura Trust and Banking, KGI Pan Asia Taiwan Enterprises Fund… bên cạnh các khách hàng đang có là HSBC, KITMC, Morgan Stanley, Credit Suisse, BNP Parisbas…
Sang năm 2008, lợi nhuận sau thuế của SSI giảm mạnh xuống chỉ còn 250,5 tỷ đồng từ hơn 864 tỷ đồng trong năm 2007. HSC cũng rơi vào cảnh tương tự khi lãi sau thuế trong năm 2008 chưa đến 23,6 tỷ đồng so với hơn 132 tỷ đồng của năm trước đó.
Sau khi chạm đáy, VN-Index đã có những tháng phục hồi mạnh vào khoảng giữa năm 2009, khiến một số CTCK có được kết quả hoạt động khả quan trong năm đó. Lợi nhuận của SSI tăng mạnh trở lại lên 804 tỷ đồng. HSC thậm chí lãi gấp đôi so với năm 2007, đạt hơn 278 tỷ đồng.
Hiện nay, SSI và HSC đang thay phiên nhau dẫn đầu thị phần môi giới nói chung và môi giới cho nhà đầu tư ngoại nói riêng. Hai CTCK này cũng đã giúp nhiều tổ chức nước ngoài giao dịch cổ phiếu lô lớn, ngoài biên độ và gom cổ phiếu chưa lên sàn, điều mà rất ít CTCK khác có thể làm được.
Những doanh nghiệp niêm yết “ngôi sao”
TTCK Việt Nam “cựa mình” từ năm 2004 và bắt đầu khởi sắc vào năm sau: tổng giá trị giao dịch trên HOSE năm 2005 đạt 26.878 tỷ đồng, hơn con số của 5 năm trước đó cộng lại. Năm 2005 cũng là năm CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) tổ chức 2 đợt bán đấu giá cổ phần và lần nào cũng tạo ra sự ngạc nhiên lớn.
Lần đầu tiên diễn ra vào ngày 17/2/2005, với tổng số cổ phần chào bán là 1.827.000 cổ phần, giá khởi điểm 220.000 đồng/CP so với mệnh giá lúc đó là 100.000 đồng/CP. Hội trường Dinh Thống Nhất (TP. HCM) hôm đó đông nghẹt người, dù số đăng ký đấu giá chỉ có 20 nhà đầu tư nước ngoài và 102 nhà đầu tư trong nước. Kết quả, 8 nhà đầu tư nước ngoài đã trúng đấu giá 1.826.900 cổ phần VNM.
Cuối buổi đấu giá, ông Kevin Snowball, CEO PXP Vietnam Asset Management cho biết, quỹ của ông đã bỏ giá 285.100 đồng/CP và trúng được 65.000 cổ phần. Ông nói: “Chúng tôi trả cao đơn giản vì chúng tôi muốn mua được. Vinamilk là doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả và triển vọng rất tốt”.
Nhà đầu tư trong nước trúng đấu giá cổ phần VNM chỉ có 1 và số cổ phần mua được cũng chỉ có 100, nhưng nhà đầu tư này đã gây ngạc nhiên khi bỏ giá đến 2.220.000 đồng/CP. Giá bình quân của cả buổi đấu giá là 313.100 đồng/CP.
Đợt đấu giá cổ phần VNM thứ hai diễn ra vào tháng 11/2005, với 1,663 triệu cổ phần chào bán. Giá khởi điểm là 420.000 đồng/CP, mệnh giá lúc này vẫn là 100.000 đồng/CP. Có 136 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua tổng cộng hơn 3 triệu cổ phần và tại buổi đấu giá, một trong số họ đã đặt mua toàn bộ số cổ phần chào bán với giá 480.000 đồng/CP. Tuy nhiên, đây chỉ là mức giá trúng thấp nhất, giá trúng cao nhất là 570.000 đồng/CP.
Thực tế cho thấy, cổ phiếu Vinamilk luôn là “món khoái khẩu” của các nhà đầu tư quốc tế. Họ quan tâm đến Vinamilk ngay cả khi biết không còn “room” để mua.
Năm 2006, TTCK Việt Nam bùng nổ: giá chứng khoán tăng cao, số lượng nhà đầu tư tăng vọt, số công ty niêm yết tăng nhanh. Nhiều ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới bắt đầu để mắt đến thị trường Việt Nam. Merill Lynch và HSBC ra nhiều báo rất tích cực, TTCK Việt Nam được diễn tả một cách hình ảnh như là “miền đất của sữa và mật”. “Sữa” ở đây vừa là sự hứa hẹn ngọt ngào, vừa có ý ám chỉ Vinamilk, vì lúc đó Vinamilk là doanh nghiệp có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường với 525 triệu USD.
Những doanh nghiệp đã tạo tiếng vang cho TTCK Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau còn có REE, Gemadept, Sacombank, ACB, FPT, Casumina, Vingroup, Đạm Phú Mỹ, Dược Hậu Giang, Kinh Đô, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Hoa Sen Group, Vietcombank, Masan, Vinasun… Nhiều doanh nghiệp trong số này có lúc gặp sóng to gió lớn, nhưng đã vượt qua và ngày càng trưởng thành hơn.
Hiện Việt Nam có 30 doanh nghiệp thuộc nhóm ASEAN Stars của ASEAN Exchanges - sáng kiến hợp tác của 7 Sở GDCK thuộc các nền kinh tế trong khối ASEAN gồm: Indonesia (IDX), Malaysia (BM), Philippines (PSE), Singapore (SGX), Thái Lan (SET) và Việt Nam (HOSE và HNX). ASEAN Stars gồm 180 doanh nghiệp, mỗi nước có 30 doanh nghiệp đại diện. Đó là những doanh nghiệp “ngôi sao” xét về khả năng đầu tư dựa trên giá trị vốn hoá thị trường và thanh khoản.