Những doanh nghiệp hứa hẹn tăng trưởng đột biến quý cuối năm

(ĐTCK) Nửa đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm và đặc biệt là quý IV, nhiều doanh nghiệp hứa hẹn sẽ công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ yếu tố thời điểm hạch toán, tái cấu trúc hoạt động...
Những doanh nghiệp hứa hẹn tăng trưởng đột biến quý cuối năm

HDG: Quý IV/2018 sẽ hạch toán lợi nhuận lớn

6 tháng đầu năm 2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) có hạch toán doanh thu hợp nhất 608 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 44,247 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ gần 18 tỷ đồng.

Con số này chỉ bằng 6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cả năm 2018. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thấp nửa đầu năm 2018 không làm phiền lòng, hay dẫn đến e ngại về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh của các cổ đông của HDG.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Trọng Minh, Phó tổng giám đốc Hà Đô cho biết, phải đến quý IV/2018, Công ty mới có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận, do đây là thời điểm mở bán dự án mới và ghi nhận một phần doanh thu bán dự án Centrosa. Đây là dự án đã tạo tiếng vang cho Hà Đô ở lĩnh vực bất động sản khi nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường.

"Centrosa có tiến độ bán hàng tốt, lợi nhuận toàn dự án lên tới trên 2.000 tỷ đồng cho Tập đoàn", ông Minh nói.

Với việc đã hoàn tất công tác bán hàng, có uy tín, kinh nghiệm trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, vấn đề mà thị trường quan tâm nhất đối với Hà Đô hiện tại là hoàn thành bàn giao sản phẩm cho khách hàng để hạch toán lợi nhuận. 

DXG: Bùng nổ với dự án Opal Garden và Lux Garden

Tháng 7/2018, cổ phiếu DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đã rơi thẳng đứng vì những lo ngại của thị trường xung quanh tin đồn thất thiệt.

Thế nhưng, ngay lập tức, những thông tin từ phía doanh nghiệp liên quan đến dự án và dự báo kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2018 đã khiến cổ phiếu DXG tăng giá mạnh trở lại.

Ngoài hoạt động môi giới tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, Đất Xanh còn đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong vai trò nhà phát triển dự án bất động sản.

Trong 2 quý cuối năm nay, Đất Xanh sẽ bàn giao toàn bộ và hạch toán lợi nhuận từ các dự án Opal Garden và LuxGarden (ước tính trên 500 tỷ đồng lợi nhuận).

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh từ các công ty thành viên như Đất Xanh Miền Bắc, Đất Xanh Miền Trung, Đất Xanh Miền Nam… đều dự kiến đạt kết quả tích cực, đặc biệt là lợi nhuận sẽ tăng mạnh vào quý IV/2018.

Ngoài những dự án bất động sản đã bán và sẽ đủ điều kiện hạch toán lợi nhuận trong các quý này, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Đất Xanh cho biết, 2 yếu tố khác sẽ tạo nên lợi nhuận đột biến cho Tập đoàn, đó là chủ trương thoái vốn tại các dự án không phải bất động sản nhà ở (chuyển nhượng 2 dự án) và chuyển nhượng dự án bất động sản quy mô lớn tại công ty liên kết.

Mặc dù chưa đưa ra con số doanh thu, lợi nhuận chi tiết, nhưng thị trường cũng có thể đoán được bước đi mà Đất Xanh và công ty liên kết sẽ làm với chủ trương này khi danh mục dự án của Đất Xanh đã được công bố từ trước đó.

Được biết, từ năm 2017, thông tin công ty liên kết là Công ty cổ phần Đầu tư LDG sẽ bán dự án tại Phú Quốc với mức lợi nhuận lớn đã tràn lan khắp thị trường.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề của Đất Xanh không phải là kế hoạch hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018 có thực hiện được hay không, mà là con số nào sẽ được công bố và lợi nhuận sẽ được hạch toán ở thời điểm nào. 

DGC: Lợi nhuận tăng đột biến nhờ công ty con

Theo báo cáo tài chính soát xét của Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (mã DGC), 6 tháng đầu năm 2018, Công ty đạt 290 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 21,292 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 400 đồng.

Năm 2018, Công ty mẹ Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch 56,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thấp hơn rất nhiều so với con số dự kiến đạt được trong năm này nhờ sáp nhập công ty con là CTCP Hóa chất Đức Giang – Lào Cai (mã DGL).

Thông tin từ Hóa chất Đức Giang cho biết, ngày 22/8/2018, Công ty thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần cho tất cả các cổ đông của Đức Giang – Lào Cai (trừ chính Công ty mẹ DGC) theo tỷ lệ 1:1.

Theo đó, Đức Giang – Lào Cai sẽ trở thành công ty 100% vốn của Hóa chất Đức Giang. Trong khi đó, Đức Giang – Lào Cai đang ghi nhận những thông tin rất khả quan về tình hình hoạt động kinh doanh năm nay.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, Đức Giang – Lào Cai đạt 2.704 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 353,591 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ DGL là gần 351 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2017 với doanh thu thuần 1.599 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 67 tỷ đồng, Đức Giang – Lào Cai đã đạt được bước tiến dài trong tăng trưởng hiệu quả kinh doanh năm 2018.

Tương như sự tăng trưởng dự kiến của Công ty mẹ, động lực tạo nên sự tăng trưởng của Đức Giang – Lào Cai cũng đến từ 2 nguyên nhân: Sáp nhập thành công 2 công ty con là Công ty cổ phần Hóa chất và Phân bón Lào Cai, Công ty cổ phần Hóa Chất Bảo Thắng và tăng giá bán các sản phẩm chính như phốt pho vàng, axit photphoric…

Ngoài tăng trưởng cơ học do việc hoán đổi cổ phần, lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nhờ 2 yếu tố chính là tăng giá bán phốt pho vàng và tỷ giá.

Theo đó, với chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, giá bán phốt pho vàng của Hóa chất Đức Giang (tính chung) đang cao hơn giá bán tại Trung Quốc, đạt 2.700 USD/tấn.

Trong khi đó, báo cáo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra rằng, mảng phốt pho vàng và axit chiếm tỷ trọng hơn 70% về doanh thu và lợi nhuận gộp của nhóm công ty Hóa chất Đức Giang.

Việc xuất khẩu sản phẩm cũng là yếu tố giúp Hóa chất Đức Giang được hưởng lợi nhờ diễn biến tỷ giá hiện nay.

MBS cho rằng, ngay cả khi giá bán phốt pho vàng giảm thì Công ty vẫn có thể đạt được lợi nhuận 560 tỷ đồng, chưa tính đến yếu tố có thể tăng sản lượng phốt pho do hoạt động M&A, cao hơn nhiều so với con số kế hoạch mà Hóa chất Đức Giang đưa ra trong Bản cáo bạch phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần Đức Giang – Lào Cai lần lượt là 493 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 476 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2018, cũng như con số đã hạch toán trong 6 tháng đầu năm nay. 

Nhóm ngân hàng: Bứt phá lợi nhuận quý cuối năm

Đầu năm 2018, một loạt ngân hàng thương mại đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Thế nhưng, với đặc thù ngành, quý IV mới là thời điểm quyết định.

6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB) mới hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận năm. Sau những trắc trở vừa qua của FE Credit – "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank, việc chững lại của VPBank cũng là điều có thể dự báo.

Tuy nhiên, một nguồn tin của VPBank cho biết, điều này là bình thường và không ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm, bởi thực tế, mức lợi nhuận lớn của Ngân hàng sẽ tập trung vào nửa cuối năm, đặc biệt là trong quý IV.

Với Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB), kết quả tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 hơn 52% đã cho thấy sự bứt phá của ngân hàng này sau khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu.

Do đó, việc Vietcombank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong nửa cuối năm hay quý IV là điều thị trường có thể hình dung ra.

Tuy nhiên, ngoài những mảng kinh doanh cốt lõi, một yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên sự đột phá của Vietcombank là việc thoái vốn khỏi Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBB).

Hiện nay, Vietcombank đang sở hữu gần 7% vốn điều lệ MBB, với mức giá vốn rất thấp.

Việc phải thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu tại MBB trong năm nay và đến thời điểm này, Vietcombank vẫn chưa thực hiện bán cho thấy gợi ý về khả năng thoái vốn trong quý IV/2018 và dự kiến sẽ mang về nguồn thu lớn hơn cho Vietcombank.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục