Từ trường hợp DCT
Từng là DN làm ăn rất hiệu quả, CTCP Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai (DCT) rơi vào tình trạng khó khăn trong 3 năm trở lại đây, đặc biệt là sau sự cố bị tàu nước ngoài đâm vào cần cẩu của DCT tại Cảng Nhà máy Xi măng Công Thanh, khiến Công ty bị thiệt hại nặng nề.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DCT cho biết, sau nhiều lần khiếu kiện và xét xử, tháng 5/2014, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM đã có bản án buộc Công ty All Ocean Transporation Inc phải bồi thường thiệt hại cho DCT với số tiền 1,84 triệu USD (hơn 39 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, theo ông Lý, đến thời điểm hiện tại, DCT vẫn chưa nhận được khoản tiền này. Trong khi đó, hoạt động của Công ty bị gián đoạn do phải chờ các bên giải quyết sau sự cố trên.
Trước đó, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có văn bản nhắc nhở DCT về việc chứng khoán có nguy cơ bị hủy niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp. HOSE sẽ chờ báo cáo kiểm toán của DCT trong năm qua để đưa ra quyết định chính thức. Cũng theo lãnh đạo DCT, hiện Công ty đang làm báo cáo kiểm toán, nhưng khả năng khó lật lại tình thế từ lỗ sang lãi trong năm 2014. Như vậy, DCT buộc phải hủy niêm yết bắt buộc do 3 năm liên tiếp thua lỗ. Tại thời điểm cuối năm 2014, lỗ chưa phân phối của Công ty lên đến 271,2 tỷ đồng.
Song song với kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu DCT cũng sụt giảm mạnh, hiện đang giao dịch ở mức 2.400 đồng/CP (chốt phiên giao dịch ngày 10/3). Dự kiến, sau khi bị hủy niêm yết, DCT sẽ chuyển qua giao dịch tại sàn UPCoM.
Tại báo cáo bán niên có soát xét năm 2014, kiểm toán cũng lưu ý về dấu hiệu ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động liên tục của DCT, đó là việc lỗ lũy kế vượt vốn đầu tư của chủ sở hữu, thiếu hụt vốn lưu động. Trong khi đó, vẫn chưa có điểm sáng nào trong hoạt động kinh doanh của DCT hay khả năng thanh toán của Công ty.
Đến những DN khác
Ngoại trừ cổ phiếu MPC của CTCP Thủy sản Minh Phú sẽ hủy niêm yết tự nguyện từ ngày 31/3/2015, hiện HOSE vẫn chưa công bố cụ thể những cái tên DN bị hủy niêm yết bắt buộc trong tháng 3. Mặc dù vậy, có một số DN nằm ở ngưỡng cảnh báo như cổ phiếu VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam. VST đã bị HOSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết do 3 năm liên tiếp thua lỗ. Lợi nhuận VST âm trong năm 2012 - 2013 và dự kiến tiếp tục lỗ 144,8 tỷ đồng trong năm 2014.
Tương tự VST, CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG), Xây dựng số 15 (V15)… là những DN công bố lỗ 3 năm liên tiếp. Dù phải chờ báo cáo tài chính 2014 được kiểm toán HOSE mới có thông báo quyết định chính thức, nhưng khả năng lật lại tình thế đối với những DN này rất thấp. Một DN niêm yết trên HOSE và cũng được Sở liệt kê vào những DN có nguy cơ cao bị hủy niêm yết bắt buộc là CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu điện Hà Nội (BTH). Ba năm trở lại đây, BTH gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất sản phẩm truyền thống, hợp đồng chủ yếu là sửa chữa, cải tạo máy biến áp. Năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp BTH thông báo lỗ với mức lỗ ròng trong năm là 1,14 tỷ đồng.
Ngoài ra, có một số DN hiện chưa công bố báo cáo tài chính năm 2014 nhưng bị lỗ 2 năm liên tiếp trong năm 2012 - 2013 là CTCP Hạ tầng Đầu tư và Đô thị dầu khí (PTL), CTCP Đầu tư Nhà Việt Nam (NVN)… cũng trong diện nguy cơ cao phải rời sàn.