Bên cạnh một số doanh nghiệp lớn vẫn giữ được phong độ tăng trưởng, thị trường đang tiếp nhận không ít thông tin kém khả quan từ doanh nghiệp về hiệu quả kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp còn đưa ra kết quả kinh doanh thua lỗ khi thời hạn để hoàn thành kế hoạch năm 2018 mà Đại hội đồng cổ đông giao phó đã cận kề.
Tại CTCP Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB), sau 5 quý lỗ liên tiếp, Công ty vừa tiếp tục báo lỗ quý III năm nay.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần của HKB quý III này chỉ đạt vỏn vẹn 2,8 tỷ đồng, bằng 8% cùng kỳ năm trước. Mặc dù không chịu cảnh lỗ gộp như quý III/2017, song khoản lợi nhuận gộp 1,5 tỷ đồng đã không thể gánh được các loại chi phí của doanh nghiệp. Kết quả, HKB lỗ ròng 12,3 tỷ đồng.
Cùng kỳ năm trước, Công ty lỗ hơn 40 tỷ đồng. Lũy kế 3 quý đầu năm 2018, khoản lỗ của HKB là 38,8 tỷ đồng, kéo lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán lên 45,4 tỷ đồng.
Trước thực tế thua lỗ này, lãnh đạo HKB cho biết, Công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn ngắn hạn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đây là lý do chính dẫn tới kết quả lỗ. Mặc dù kế hoạch cả năm chỉ là 5 tỷ đồng lợi nhuận, song với tình hình hiện tại, HKB chưa thấy có cách nào đạt được mục tiêu đề ra.
Về cơ bản, đây là kết cục mà HKB đang phải gánh sau khi nhận khoản lợi thế thương mại từ năm 2016. Hiện tại, HKB vẫn đang trong giai đoạn nhận khoản giảm trừ giá trị lợi thế thương mại vào chi phí quản lý doanh nghiệp phân bổ mỗi kỳ.
CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) cũng vừa báo lỗ lớn. Quý III năm nay, mặc dù kết quả kinh doanh khả quan hơn nhiều so với cùng kỳ, song Công ty vẫn chưa thoát cảnh thua lỗ.
Doanh thu thuần quý III/2018 đạt 56,1 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ 2017; các loại chi phí và giá vốn cũng được cắt giảm đáng kể, song chưa cân bằng được chi phí. Khoản lỗ quý III/2018 là 15,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lỗ hơn 69 tỷ đồng của cùng kỳ.
Danh sách lỗ đang gọi tên nhiều doanh nghiệp ngành thép. Trong đó, hai cái tên vừa báo lỗ là CTCP Thép Việt Ý (VIS) và CTCP Cán thép Thái Trung (TTS).
Sau quý II thua lỗ, trong quý III, VIS tiếp tục báo lỗ 64,4 tỷ đồng, khiến lỗ 9 tháng đầu năm tăng lên 130,6 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, VIS vẫn đạt lợi nhuận 28,6 tỷ đồng trong quý III và 67,3 tỷ đồng trong 9 tháng.
Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh này, theo VIS, đến từ việc giá vốn hàng bán tăng. Cụ thể, trong khi doanh thu thuần đạt được của VIS trong quý III là 1.182 tỷ đồng, thì giá vốn lại tăng lên 1.207 tỷ đồng, khiến Công ty chấp nhận thua lỗ.
Với kết quả này, chắc hẳn nhà đầu tư cũng không còn hy vọng năm nay VIS đạt kế hoạch 90,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đã đề ra từ đầu năm.
Trong khi đó, TTS cho biết, trong quý III/2018, do thị trường tiêu thụ thép giảm, Công ty phải dừng sản xuất trên 50 ngày khiến sản lượng trong kỳ chỉ đạt 56.000 tấn, bằng 49,7% so với cùng kỳ năm trước.
Quý này, Công ty có ký hợp đồng mua phôi bán sản phẩm khiến doanh thu tăng mạnh 194%, nhưng do giá nguyên vật liệu đầu vào như dầu, phôi... tăng cao, nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 7,9 tỷ đồng. Kết quả, quý III/2018, TTS lỗ 16,17 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lỗ ròng 6,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi trên 17,8 tỷ đồng.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến nay, trên sàn chứng khoán đã có 15 doanh nghiệp báo lỗ quý III/2018. Đáng nói là nhiều doanh nghiệp trong số này có kết quả quý III năm ngoái ghi nhận lãi tốt, năm nay chuyển sang lỗ, khiến những nhà đầu tư trung thành khó có thể yên lòng.