Cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã trải qua nửa tháng tăng giá ngoạn mục và hiện chỉ điều chỉnh nhẹ, nhưng khối lượng cổ phiếu bán ra hạn chế cho thấy bên nắm giữ cổ phiếu vẫn chưa muốn chốt lời.
Bên nắm giữ cổ phiếu là ai? Dễ nhận thấy nhất là bên mua thỏa thuận 30 triệu cổ phiếu QCG của VinaCapital ở mức giá hơn 8.500 đồng/cổ phiếu và bên mua thỏa thuận hàng triệu cổ phiếu QCG trong các phiên sau đó.
Khối lượng giao dịch QCG các phiên vừa qua rất khiêm tốn, chỉ vài trăm đến 2 triệu cổ phiếu (bao gồm cả giao dịch thỏa thuận) cho thấy lượng bán ra bao nhiêu đều được hấp thụ hết.
Lý do QCG tăng khủng, theo một số nguồn thông tin trên thị trường, là nhờ việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho đối tác ngoại sẽ đem lại khoản lợi nhuận khủng cho QCG, dự đoán lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Về mặt phân tích cơ bản, khi trả hết nợ ngắn hạn và dài hạn, QCG vẫn còn dư tài chính để phát triển các dự án bất động sản khác có quy mô nhỏ hơn Phước Kiển nhưng cũng rất tiềm năng bởi quỹ đất được tích lũy với giá rẻ.
Vấn đề của QCG những năm qua là năng lực triển khai dự án nên với tình hình tài chính được cải thiện, nếu biết kết hợp với các đối tác phù hợp để đồng hành đầu tư, dự án QCG sẽ có tương lai sáng sủa hơn.
Tuy nhiên, rủi ro của QCG nằm ở người đứng đầu, bởi trong nhiều năm qua các đối tác làm việc với QCG không dễ hợp tác với người có quyền quyết định ở QCG.
Một cổ phiếu cũng đã thiết lập quãng tăng giá đáng nể từ dưới mệnh giá lên 18.000 đồng/cổ phiếu là LDG của Công ty cổ phần Đầu tư Long Điền cũng nhờ câu chuyện bán dự án, cổ phần dự án. Đầu tuần qua, LDG công bố Nghị quyết HĐQT thành lập công ty con theo hình thức công ty cổ phần, đảm nhiệm đầu tư, phát triển dự án Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World – Phú Quốc.
Động thái này được giới đầu tư nhận định là mở đường cho việc chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án mang lại lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng.
Ở trong lĩnh vực khác, Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư- Thương mại Thành Công (TCM) trong tháng 4 vừa qua đã ghi nhận khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng lô đất của Khu công nghiệp Nhị Xuân (TP.HCM) giúp lợi nhuận trong tháng 4 tăng vọt lên 36 tỷ đồng, trong khi cả quý I chỉ đạt 49 tỷ đồng.
Chiến lược của TCM là từ nay đến cuối năm tiếp tục tập trung thoái vốn ở các công ty thành viên và các dự án khu công nghiệp, kể cả những dự án bất động sản cao ốc để tập trung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh chính là dệt may.
Trong các bất động sản của TCM, đáng chú ý là Dự án TC1 Tower trên diện tích khu đất 9.898 m2 tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM mà Công ty từng có kế hoạch liên doanh với đối tác Eland để phát triển trung tâm thương mại và căn hộ cao tầng.
Theo báo cáo thường niên năm 2016, giá vốn mà TCM góp vào công ty sở hữu dự án này là khoảng hơn 110 tỷ đồng, ở thời điểm cách đây hơn 10 năm.
Rất có thể chiến lược thoái vốn của TCM sẽ bao gồm cả việc thoái vốn khỏi dự án này, thay vì tiếp tục phát triển như kế hoạch từ năm 2013. Tuy nhiên, ở TCM, điều đáng lưu ý là mảng kinh doanh chính dệt may đang phát triển khá tốt với lợi nhuận cải thiện nhiều so với cùng kỳ, giúp Công ty có thể thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng đã thành công với việc tái cơ cấu nợ bằng việc chuyển nhượng dự án bất động sản.
Sau khi trả dứt nợ cho Ngân hàng Đông Á, PDR dự kiến sẽ tiếp tục trả nợ trái phiếu khi hoàn thành việc chuyển nhượng một số dự án bất động sản trong năm nay.
Theo nhận định của một chuyên gia phân tích, việc chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ đem về cho Công ty hàng nghìn tỷ đồng. Tất nhiên, thông tin chỉ ngã ngũ và đáng tin khi các hợp đồng chính thức ký kết và được công bố công khai.
Có thể nói, sự hồi phục của thị trường bất động sản cả về giá và thanh khoản đang giúp các doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp có tài sản là bất động sản có thể chuyển nhượng được nhìn nhận lại về giá trị thị trường.
Tuy nhiên, sau chuyển nhượng để thu về khoản lãi lớn, doanh nghiệp làm gì để lãi tiếp là câu hỏi mà nhà đầu tư không thích lướt sóng nên đặt ra.