Khó xoay xở
Theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, DN sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc khi kết quả sản xuất - kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Chiếu theo quy định này, CTCP Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (VLF) đang là DN có nguy cơ cao đối diện với việc hủy niêm yết, khi mức lỗ lũy kế đang vượt vốn chủ sở hữu. Năm 2013, VLF lỗ 19 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 64 tỷ đồng, ước tính đến hết năm 2015, khoản mục lỗ lũy kế của Công ty là 159 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức vốn điều lệ 40 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của VLF ước là 214,84 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn 65,09 tỷ đồng, tài sản dài hạn 149,75 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả tạm tính tới thời điểm cuối năm 2015 của VLF là 212,7 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết ĐHCĐ lần 2 năm 2015 ngày 8/1/2016, trong năm 2016, VLF sẽ tìm đối tác tham gia tái cấu trúc Công ty, nhằm khôi phục sản xuất. Nếu không tìm được đối tác, Công ty sẽ thực hiện bán toàn bộ tài sản để thanh toán nợ đến hạn.
Trong trường hợp bán toàn bộ tài sản, đảm bảo đủ trả nợ và còn thừa tiền, Công ty sẽ tiến hành giải thể. Trong trường hợp nguồn thu từ bán toàn bộ tài sản không đủ trả cho các chủ nợ, thì Công ty sẽ tiến hành mở thủ tục phá sản và giao toàn bộ tài sản cho tòa án xử lý để thanh toán cho các chủ nợ.
Một số DN thua lỗ trong 2 năm 2013, 2014 và kết quả không mấy khả quan trong 3 quý đầu năm 2015 là CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), CTCP Xây dựng công trình ngầm (CTN), CTCP Hưng Đạo Container (HDO)… Cổ đông các DN này đang “hồi hộp” chờ ngày công bố kết quả kinh doanh quý IV/2015.
Trong đó, CTN có số lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2015. Theo số liệu công bố gần nhất của CTN, 10 tháng đầu năm 2015, Công ty lỗ gần 17 tỷ đồng.
Mới đây, CTN đã thông qua chủ trương góp vốn thành lập Công ty Pipe Jacking Việt Nam. Theo đó, CTN sẽ tiến hành góp vốn và nắm giữ 80% vốn điều lệ Pipe Jacking Việt Nam. Hình thức góp vốn là chuyển giao tài sản, thiết bị thi công công trình ngầm đã qua sử dụng, với giá trị tương ứng 80 tỷ đồng.
IDJ có khả năng thoát hiểm
CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) từng kinh doanh hiệu quả ở thời kỳ đầu mới niêm yết (năm 2010), nhưng 3 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh sa sút. IDJ thua lỗ trong năm 2013, 2014 và tính đến tháng 9/2015, Công ty vẫn thua lỗ.
Giải trình cho nguyên nhân gây thua lỗ, IDJ cho biết, trong hai năm 2013 và 2014, Trung tâm thương mại Grand Plaza, vốn là “nồi cơm” của Công ty nhiều năm trước, tiếp tục đóng cửa để tìm phương án tái cấu trúc, tái khởi động, trong khi vẫn phải chịu các chi phí hao mòn, bảo vệ…
Để tạo nguồn tiền ổn định cho các kế hoạch đầu tư kinh doanh cho năm mới, Công ty đã buộc phải chuyển nhượng thấp hơn giá trị đầu tư ban đầu một số doanh mục tài sản đầu tư. Một nguyên nhân khác dẫn đến thua lỗ là do các công ty con của IDJ vừa đi vào hoạt động, chưa mang lại doanh thu, nên Công ty phải “gánh” thêm chi phí.
Trong khi IDJ đang đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết thì các cổ đông lớn như CTCP Thương mại và Đầu tư Barotex Việt Nam (Barotex) quyết tâm thoái vốn qua nhiều đợt đăng ký bán cổ phiếu. Theo tìm hiểu của ĐTCK, trong khoảng thời gian đó, CTCP Đầu tư APEC là đơn vị mua cổ phần IDJ để nắm quyền quyết định tại DN.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Trung Phương, Tổng giám đốc IDJ cho biết, năm 2015, IDJ đặt kế hoạch lợi nhuận 3,5 tỷ đồng, nhưng ước đạt khoảng 1 tỷ đồng. Việc có lợi nhuận trong năm 2015 giúp Công ty trụ lại sàn HNX.