Những DN không có khả năng trả nợ thuế

(ĐTCK) Nợ đọng thuế đến mức bị nêu tên, liệu DN có còn khả năng thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước?
Những DN không có khả năng trả nợ thuế

CTCP Sông Đà - Thăng Long (STL)

Là DN đứng đầu danh sách các đơn vị nợ đọng thuế trên địa bàn Hà Nội, STL đang nợ tới gần 283 tỷ đồng tiền thuế. Nhưng với tình trạng thua lỗ mất hết vốn chủ sở hữu và mất thanh khoản kéo dài, khi nào công ty này có thể trả nợ được lại là một câu hỏi khó tìm lời giải.

BCTC hợp nhất quý I/2013 của STL cho thấy, thời điểm 31/3/2013, Công ty có quy mô tài sản 5.550 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (hơn 1.537 tỷ đồng), hàng tồn kho (1.244 tỷ đồng), các khoản phải thu (994 tỷ đồng), 622 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn và các tài khoản khác. Số dư tiền và tương đương tiền của Công ty chỉ đạt 23 tỷ đồng.

Những DN không có khả năng trả nợ thuế ảnh 1

Thị trường bất động sản khó khăn kéo dài là nguyên nhân lớn nhất khiến STL trở thành “con nợ thuế” lớn nhất trên địa bàn Hà Nội

Trong khi đó, cơ cấu nguồn vốn của công ty này phụ thuộc hoàn toàn vào vay nợ, với 2.991 tỷ đồng nợ ngắn hạn (bao gồm gần 800 tỷ đồng khách hàng trả tiền trước và nợ thuế, phí Nhà nước), 2.554,6 tỷ đồng nợ dài hạn. Tại thời điểm cuối quý I/2013, vốn chủ sở hữu của STL đã rơi về mức âm gần 8,6 tỷ đồng.

Có 2 vấn đề mà DN này đang vướng phải. Trước hết là hụt thanh khoản nghiêm trọng khi không thu được nhiều tiền của khách hàng, áp lực nợ vay đến hạn thanh toán. Dù đã làm nhiều cách khác nhau, nhưng Công ty cũng rất khó thu hồi vốn. Vấn đề thứ hai là hàng tồn kho lớn, bị mất giá nhiều do thị trường bất động sản trầm lắng. Không có vốn để triển khai dự án, bán hàng, thì càng khó để thu hút dòng vốn triển khai tiếp các dự án dở dang, trả nợ. Vì thế, cái vòng luẩn quẩn ấy đang bóp nghẹt sự sống của STL. Từ đó, cơ hội để cơ quan quản lý thu hồi số tiền thuế gần 283 tỷ đồng cũng rất nhỏ, trừ khi STL làm thủ tục… giải thể hay phá sản, hoặc thị trường bất động sản đột nhiên đảo chiều.

Tương tự câu chuyện của STL, CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam - đơn vị đang nợ trên 30 tỷ đồng tiền thuế, cũng sẽ rất khó khăn để có thể tất toán khoản nợ, khi đơn vị này đang ở trong tình trạng thua lỗ kéo dài, mất thanh khoản, âm vốn chủ sở hữu.

 

CTCP Sông Đà 9.06 (S96)

Kể từ quý IV/2011 tới nay, CTCP Sông Đà 9.06 luôn ở trong tình trạng eo hẹp về doanh thu. Còn về lợi nhuận, đã 9 quý liên tiếp, cổ đông Sông Đà 9.06 chưa một lần mơ tới con số hòa vốn. Tại thời điểm 30/6/2013, tài sản lớn nhất của Sông Đà 9.06 chính là khoản phải thu lên tới hơn 330 tỷ đồng, bao gồm 302 tỷ đồng là khoản phải thu khách hàng, trên tổng tài sản 428 tỷ đồng. Thuyết minh lưu chuyển tiền tệ cho thấy, cả 6 tháng đầu năm, dòng tiền thu về của Công ty chỉ đạt vỏn vẹn 1,034 tỷ đồng. Cũng trong cả nửa năm trời, Công ty không hề chi trả một đồng nào cho người lao động!

Không tiền mặt, hoạt động kinh doanh bế tắc, chủ yếu do không thu được tiền từ khách hàng, việc Sông Đà 9.06 nợ thuế là điều dễ hiểu. Dù Ban lãnh đạo Sông Đà 9.06 có muốn thì với tình trạng tài chính như hiện nay, hơn 53 tỷ đồng để trả nợ Nhà nước là con số quá xa vời. Người duy nhất có thể trả lời được câu hỏi khi nào Công ty hoàn thành nghĩa vụ thuế có lẽ là chính con nợ của Sông Đà 9.06. Nỗi lo với cổ đông S96 không chỉ là nợ đọng thuế mà là, liệu người lao động Công ty có trụ lại để chờ ngày DN phục hồi, khi mà họ không có lương để sống?

 

CTCP Vinaconex 21 (V21)

Vốn chủ sở hữu hơn 31,7 tỷ đồng trên vốn điều lệ 17 tỷ đồng, Vinaconex 21 đang nợ đọng thuế 32,7 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 8/2013. Tại thời điểm 30/6/2013, số nợ đọng thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước của Công ty là 27,95 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2013, số dư tiền và tương đương tiền của Vinaconex 21 khá khiêm tốn, chỉ đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản của Công ty tập trung chủ yếu ở khoản phải thu (hơn 126 tỷ đồng), hàng tồn kho (gần 208 tỷ đồng) và 54,5 tỷ đồng tài sản dài hạn, trên tổng tài sản 406,6 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2013, Vinaconex 21 vẫn thu được tiền từ khách hàng, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại bị âm gần 4 tỷ đồng. Tương tự như vậy, dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng âm gần 16 tỷ đồng, khiến tình hình dòng tiền của Công ty trở nên căng thẳng hơn. Tuy nhiên, với tình trạng tài chính hiện nay, cộng thêm tỷ lệ nợ thuế không quá lớn so với dòng tiền đang luân chuyển, khả năng để Vinaconex 21 xoay xở dòng tiền trả nợ trong thời gian tới là hoàn toàn có thể.

 

CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON (FCN)

Cũng được liệt kê vào danh sách các DN nợ thuế nhiều trên địa bàn Hà Nội, nhưng với FECON, con số 29,2 tỷ đồng nợ thuế chẳng thấm vào đâu so với quy mô tài sản, dòng tiền mà đơn vị này sở hữu. Câu chuyện nợ đọng thuế của FECON có lẽ mang yếu tố thời điểm nhiều hơn là vấn đề chây ỳ hay không có khả năng nộp thuế.

Theo BCTC bán niên soát xét năm 2013, FECON có vốn chủ sở hữu 394,7 tỷ đồng trên vốn điều lệ 165,66 tỷ đồng. Tổng quy mô tài sản của FECON thời điểm kết thúc quý II/2013 cũng lên tới gần 1.224,96 tỷ đồng, trong đó số dư tiền và tương đương tiền lên tới 118,44 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của FECON cũng khá hiệu quả, khi chỉ 6 tháng đầu năm, Công ty đã đạt mức sinh lời 4.181 đồng trên mỗi cổ phần.

 

CTCP Nam Vang (NVC)

Âm vốn chủ sở hữu tới 59,5 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 160 tỷ đồng, chỉ riêng con số này đã đủ nói lên tình cảnh khó khăn của NVC trong giai đoạn hiện nay. Quý II/2013, NVC lỗ sốc lên tới 67,6 tỷ đồng.

Trong tổng nguồn vốn 825 tỷ đồng thời điểm 30/6/2013, NVC có tới 885,45 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Số dư tiền mặt vẫn còn, đạt hơn 8 tỷ đồng, nhưng với tình cảnh hiện tại, có vẻ như cơ hội để Nhà nước thu về số tiền 21,2 tỷ đồng nợ đọng thuế của DN này khá xa vời.

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục