Tống Vân, biên tập viên của một báo lớn chia sẻ: "Khi bạn tôi vừa vào công ty mới, cô ấy được một đồng nghiệp nữ hơn tuổi nhiệt tình giúp đỡ. Bạn tôi vô cùng cảm kích, thậm chí còn hết lời khen ngợi cô ấy trước mọi người, giữa hai người vô cùng thân thiết.
Cho đến một ngày, có người nói với bạn tôi rằng người phụ nữ kia là "tai mắt" của lãnh đạo, chuyện gì cũng đi nói với cấp trên. Mọi chuyện trong công ty, lãnh đạo đều tỏ tường thông qua người chị đó.
Bạn tôi nghe xong cảm thấy vô cùng bối rối, còn tự hỏi mình xem có từng nói gì không hay về cấp trên với chị ấy không. Từ đó, bạn tôi cũng thận trọng hơn, khi trò chuyện với chị đồng nghiệp cũng chỉ nói về công việc, không còn đề cập những thứ không liên quan nữa".
Trên thực tế, không khó để thấy bóng dáng "người chị đồng nghiệp" như trên ở môi trường công sở, hầu hết mọi công ty đều có người như vậy.
Mặc dù giữ mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, nhưng những người này âm thầm tìm hiểu thông tin rồi báo với cấp trên, giống như "tai mắt" của lãnh đạo.
Người xưa hay nói: Bệnh tật đến từ miệng, họa cũng từ miệng mà ra. Đặc biệt ở nơi làm việc, dù giữa mọi người là tình đồng nghiệp, nhưng giữa họ còn nảy sinh sự cạnh tranh ngấm ngầm.
Trong quá trình giao tiếp, ngoài công việc, luôn có các câu chuyện trao đổi xã giao để thắt chặt mối quan hệ. Vậy bạn nên nói gì, và không nên nói gì?
Dưới đây là những điều mà bạn tuyệt đối nên tránh khi trò chuyện với đồng nghiệp:
1. Chớ nói xấu cấp trên sau lưng
Nơi công sở, người khiến các đồng nghiệp không ưa nhất chính là những kẻ hay "ngồi lê đôi mách", nói xấu người khác.
Thực tế cuộc sống cũng vậy, có những người bạn thích và những người bạn không ưa nổi, nhưng dù sao bạn vẫn phải duy trì công việc của mình. Điều quan trọng là đừng để những người như thế làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Nếu hôm nay bạn "buôn dưa lê", nói xấu người khác, ngày mai câu chuyện ấy sẽ lại lọt vào tai kẻ thứ ba, và nhiều người khác.
Đừng quên "tai vách mạch rừng", nhất là nơi môi trường công sở. Thông tin, theo nhiều cách, có thể đến tai sếp.
Tai họa hơn, một số đồng nghiệp không tử tế có thể đơm đặt điều bạn nói, và rồi bạn không biết mình sẽ "chết" lúc nào.
Do đó, tốt nhất là đừng bao giờ nói xấu sếp sau lưng, đặc biệt là những nơi mà bạn mới tới làm việc.
Cần cẩn trọng hết sức trong từng lời ăn tiếng nói, bởi vì bạn chỉ không chú ý một chút, lời bạn nói sẽ bị hiểu sai lập tức.
2. Không nên thăm dò chuyện riêng tư của người khác
Nhiều người rất tò mò, hay dò hỏi thông tin của người khác. Nếu trong công ty có thông tin gì, họ là người biết đầu tiên.
Những người ưa buôn chuyện luôn kể chuyện riêng tư của người khác đi khắp nơi, chêm cả ý kiến cá nhân của họ vào, gây ra sự hiểu nhầm, dẫn đến xích mích, mâu thuẫn trong quan hệ đồng nghiệp.
Ở nơi làm việc, tốt nhất bạn nên tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người. Cần phải loại bỏ sự tò mò và tập trung vào công việc cá nhân thì hơn.
3. Không thảo luận về mức lương với đồng nghiệp
Tiền lương là vấn đề nhạy cảm ở mọi công ty. Phần lớn các công ty không công khai mức lương của từng nhân viên, thậm chí yêu cầu các nhân viên không được hỏi về mức lương của người khác.
Do đặc thù công việc, mỗi người sẽ có một mức lương khác nhau. Việc thắc mắc về tiền lương có thể gây ra sự mất cân bằng tâm lý, gây mất đoàn kết nơi công sở, thậm chí gây phiền toái cho cấp trên. Thế nên, cần tránh việc hỏi về lương của đồng nghiệp.
Thay vì thế, nên lưu tâm tới đồng lương của chính bạn và tính toán chi tiêu hợp lý. Nếu ai đó hỏi mức lương của bạn, tốt nhất là tránh trả lời.
Lương của bạn có thể cao hoặc thấp hơn đồng nghiệp khác. Nếu nó cao hơn, đồng nghiệp sẽ tị, nếu nó thấp hơn, bạn lại cảm thấy không thỏa đáng.
Thế nên, tốt nhất là không nói về chuyện tiền lương với đồng nghiệp.
4. Ở công ty, đừng kể chuyện nhà
Công sở là nơi làm việc, không phải nơi đề cập tới việc nhà. Nếu kể chuyện ở đây, cũng cho thấy bạn không chuyên nghiệp, thậm chí bị suy diễn là "rảnh".
Mặt khác, khi bạn kể lể chuyện nhà, các thành viên trong gia đình bạn (bố mẹ, chồng, con cái) cũng bị lôi vào câu chuyện.
Tính cách, nhân phẩm... của họ lẫn bản thân bạn cũng sẽ bị những người khác đưa ra đánh giá, điều này hoàn toàn không tốt.
Ví dụ như một nhân viên văn phòng kể lể về mẹ chồng xấu tính, chồng vô tâm, mọi người ai cũng biết. Ban đầu họ thương cảm, vỗ về cô ấy, sau đó là mệt mỏi với những lời than vãn.
Thực tế, cuộc sống của bạn dù tốt hay xấu thì nó cũng không thích hợp để kể công khai nơi văn phòng. Nên dành thời gian cho công việc của mình.
Nếu bạn có tâm sự, hãy tìm đến bạn bè để trò chuyện sau giờ làm. Còn văn phòng là nơi mà mọi người nên tuân thủ mọi quy tắc nơi công sở và hướng tới hiệu quả công việc mà thôi.