Những điểm nhấn kinh tế - xã hội 2020

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2020 đầy khó khăn đã khép lại với nhiều thành quả xứng đáng ghi nhận những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân.
Với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt tăng trưởng GDP 2,91% trong năm 2020 ảnh: Đức Thanh. Với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt tăng trưởng GDP 2,91% trong năm 2020 ảnh: Đức Thanh.

Tăng trưởng GDP cao top đầu thế giới

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, tác động không nhỏ tới các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ đã kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Hàng loạt chính sách, giải pháp cấp bách, kịp thời đã được ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vận hành nền kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”. Đó là gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng; các chính sách cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay, gia hạn nộp thuế, miễn giảm phí, lệ phí, cũng như các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu nội địa, tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu.

Với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, tăng trưởng GDP năm 2020 đã đạt 2,91%. Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương duy nhất trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Tuy không đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, đây là một thành tựu ấn tượng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng rất tích cực: xuất siêu 19,1 tỷ USD, lạm phát 3,23%, thu hút đầu tư nước ngoài 28,5 tỷ USD…

Kỳ tích khống chế, kiểm soát đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), sau đó lan rộng ra thế giới, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế toàn cầu. Ngay sau khi ghi nhận hai ca nhiễm Covid-19 đầu tiên (ngày 23/1/2020), Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 được thành lập, do Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đứng đầu.

Chính phủ đặt quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, kích hoạt hàng loạt biện pháp mạnh và cấp bách, khoanh vùng, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, quyết liệt, đồng thời vẫn xem xét cho phép đội ngũ chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài được nhập cảnh để tiếp tục hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Nhờ đó, Việt Nam là một trong các quốc gia khống chế, kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Đến hết năm 2020, Việt Nam xuất hiện hơn 1.400 ca bệnh, phần lớn là nhập cảnh và 35 ca tử vong. Kinh tế được duy trì, phát triển, đời sống nhân dân được đảm bảo trong điều kiện bình thường mới, Việt Nam trở thành địa chỉ an toàn cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kết quả khống chế, kiểm soát đại dịch Covid-19 của Việt Nam được xem như một kỳ tích, được các tầng lớp nhân dân trong nước và dư luận quốc tế đánh giá rất cao.

Việt Nam cũng tham gia tích cực và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 (Vaccine Nanocovax), được thử nghiệm trên người từ tháng 12/2020.

Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII

Từ tháng 4/2020, các đại hội đảng bộ cơ sở được tổ chức; tiếp đến là đại hội đảng bộ cấp huyện, hoàn thành trong tháng 8/2020. Đại hội 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương diễn ra vào trung tuần tháng 9 và tháng 10/2020. Các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu 3.330 người vào Ban Chấp hành khóa mới (2020 - 2025), trong đó 1.084 nhân sự tham gia lần đầu.

Điểm nhấn đáng chú ý là đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa đảm bảo tính kế thừa, vừa có sự chuyển giao thế hệ với nhiều lãnh đạo trẻ. Theo thống kê, có 28 Bí thư Tỉnh ủy từ 50 tuổi trở xuống, chiếm 43%. Số Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương tăng mạnh, với 27 người, đạt khoảng 42%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23%.

Đây là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra đầu năm 2021.

Việt Nam hoàn thành nhiều nhiệm vụ quốc tế quan trọng

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Đông Nam Á (AIPA), cũng như năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việt Nam tiếp quản vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 khi đại dịch Covid-19 hoành hành, quan hệ giữa các cường quốc có nhiều sóng gió. Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” do Việt Nam đề xuất, ASEAN đã ứng phó tốt với đại dịch, đồng thời đảm bảo thực hiện các ưu tiên đặt ra cho năm 2020 về cả phát triển nội khối, đối ngoại, cũng như tầm nhìn phục hồi và phát triển hậu Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực, nghiêm túc thực thi các thoả thuận đã cam kết, mà đã trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19 hiện nay”.

Tháng 1/2020, Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm qua, Hội đồng Bảo an đã xử lý khối lượng công việc lớn, đa dạng với gần 400 cuộc họp cấp đại sứ, trưởng phái đoàn và hàng trăm cuộc họp cấp làm việc, thông qua hơn 100 văn kiện về 68 đề mục khác nhau trong chương trình nghị sự. Lãnh đạo Liên hợp quốc, các nước và dư luận quốc tế hoan nghênh và đánh giá cao vị thế, vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam.

Ấn tượng giải ngân vốn đầu tư công, khởi công nhiều dự án hạ tầng lớn

Năm 2020, Chính phủ đã liên tục tổ chức các hội nghị giao ban, thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành xuống từng địa phương, từng dự án để tháo gỡ khó khăn, giải quyết những nút thắt, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đồng thời, xin ý kiến Quốc hội để chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án quy mô lớn từ đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.

Nhờ những nỗ lực trên, nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn đã được khởi công, như Dự án Nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất (hơn 4.000 tỷ đồng); 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (tổng vốn 35.000 tỷ đồng); Dự án cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang và Vĩnh Long (5.000 tỷ đồng). Đặc biệt, đầu năm 2021, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (giai đoạn I), tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng (4,6 tỷ USD) cũng sẽ được khởi công xây dựng.

Tính đến ngày 31/12/2020, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 389.982,80 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất giai đoạn 2016-2020.

Thông qua và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng

Năm 2020, bên cạnh việc Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), mở ra “đường cao tốc nối liền Việt Nam và châu Âu”, Việt Nam cũng chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) ngày 29/12/2020, có hiệu lực ngay từ 23h ngày 31/12/2020.

Cũng trong năm 2020, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN do Việt Nam làm Chủ tịch. RCEP giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô lớn nhất thế giới khi chiếm 30% dân số thế giới, GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu.

Ban hành các luật quan trọng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Năm 2020 tiếp tục ghi dấu ấn hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế tư nhân, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi và đặc biệt là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Luật Doanh nghiệp tiếp tục nâng cao khung khổ pháp lý quản trị doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư theo chuẩn mực thông lệ tốt của quốc tế. Luật Đầu tư bãi bỏ 21 ngành, nghề; sửa đổi 24 ngành, nghề và bổ sung 7 ngành, nghề trong Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, Luật PPP tạo khung khổ pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực hạ tầng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã tiếp tục ban hành nghị quyết về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; khuyến khích đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được quốc tế ghi nhận cải thiện và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá tích cực.

Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm vừa phát triển chính phủ số - kinh tế số - xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.

Đặc biệt, ngày 9/12, Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức khai trương sau 9 tháng chuẩn bị và tại thời điểm đó đã cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố. Đây là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức vận hành sẽ là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Xuất siêu 19,1 tỷ USD - cao nhất trong 5 năm qua

Bất chấp kinh tế thế giới cũng như trong nước chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước tính vẫn đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD. Đây chính là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Trong đó, năm 2020 ghi nhận 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Kết quả khả quan trên đã minh chứng cho nhận định từ Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Jacques Morisset rằng, “Việt Nam kiên cường.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục