Những địa chỉ chậm tiến độ tái cơ cấu

(ĐTCK) Chặng đường tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2015 sắp kết thúc, 5 năm thực hiện đã có những kết quả tích cực, nhưng vẫn ngổn ngang nhiều vấn đề. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, được xem là những giải pháp trọng tâm để tạo ra sự thay đổi về quản trị, hoạt động của khu vực DNNN rất ì ạch. Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, DNNN về vấn đề này chủ yếu vẫn là “đang thực hiện” .
Những địa chỉ chậm tiến độ tái cơ cấu

Chậm trễ cổ phần hóa 

Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, trong 2 năm 2014 - 2015, cả nước phải cổ phần hoá 432 DN, chưa kể số DNNN tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới. Tính từ đầu năm đến ngày 7/10, cả nước đã cổ phần hóa được 102 DNNN.

Tính đến ngày 7/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền. Các bộ, địa phương đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 79 tổng công ty nhà nước trực thuộc.

So với kế hoạch, từ nay đến cuối năm, cả nước còn phải cổ phần hoá 187 DN. Như vậy, bình quân mỗi ngày phải cổ phần hóa 2,2 DN. Đây thực sự là mục tiêu thách thức, nhất là nhiều DN có kế hoạch cổ phần hóa vào thời điểm này có tài sản lớn, kinh doanh nhiều lĩnh vực, đa ngành nghề và có những vấn đề đặc thù nên việc xác định giá trị DN mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, có DN xác định 9 tháng vẫn chưa xong.

Trong lúc đó, nhiều DN, địa phương không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và chủ động xin hoãn sang năm 2016. Chẳng hạn tỉnh Bình Dương, theo kế hoạch, giai đoạn 2012 - 2015 phải hoàn thành cổ phần hóa 6 DN, nhưng đến nay, tỉnh mới cổ phần hóa được 1 DN. Dự kiến, đến hết năm 2015, Bình Dương chỉ hoàn thành CPH doanh nghiệp thứ hai. Tương tự, tại TP. HCM, tính đến tháng 10/2015, địa phương này mới cổ phần hóa được 5/21 DNNN đã được phê duyệt cổ phần hóa và theo dự kiến không thể hoàn thành đúng lịch trình đề ra.

Tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, tình hình cũng không khả quan hơn. Chẳng hạn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), đơn vị được xem là điển hình trong tái cơ cấu, theo đề án được phê duyệt, giai đoạn 2011-2015 phải cổ phần hóa 11 đơn vị thành viên, nhưng đến tháng 7/2015, tập đoàn này mới hoàn thành cổ phần hóa 3 DN, số đơn vị còn lại vẫn đang trong quá trình triển khai. Hay tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hiện cả 5 đơn vị thuộc diện cổ phần hóa trong giai đoạn 2012-2015 đều đang ở giai đoạn xác định giá trị DN. Đó là Công ty TNHH Cao su Bình Long, Lộc Ninh, Phú Riềng, Tân Biên, Bà Rịa.

Thực tế trên cho thấy, kế hoạch cổ phần hóa đặt ra cho giai đoạn 2012-2015 của Chính phủ thực sự là “nhiệm vụ bất khả thi”. Tuy nhiên, do trong kế hoạch không nêu cụ thể thời gian đến từng tháng, nên chưa đơn vị nào sớm tuyên bố không hoàn thành.

Những địa chỉ chậm tiến độ tái cơ cấu ảnh 1 

Thoái vốn ngoài ngành, nhiều nỗi đau

Trong kế hoạch tái cấu trúc khối DNNN thì thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động là ba giải pháp trọng tâm. Mục tiêu của Chính phủ trong giai đoạn 2014 - 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm trên 25.200 tỷ đồng. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2014, tổng số khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã giảm 4.257 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 7/10/2015, các đơn vị đã thoái được hơn 4.447 tỷ đồng. Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp từ nay đến cuối năm 2015 hơn 17.170 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực chứng khoán gần 266 tỷ đồng, ngân hàng tài chính 10.018 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm là 553 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 6.114 tỷ đồng, quỹ đầu tư hơn 219 tỷ đồng.

Tương tự như việc thực hiện cổ phần hóa, vấn đề thoái vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng không thể về đích đúng hẹn. Báo cáo về tiến độ tái cơ cấu DNNN, hầu hết các DN, địa phương đều dùng chữ “đang”. Tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đến nay, đơn vị này mới thoái được vốn tại 2/24 DN. Hay Tổng công ty Giấy Việt Nam mới chỉ thoái được 3/13 DN...

Dù chấp nhận kịch bản “thà một lần đau” để cắt bỏ những khoản đầu tư ngoài ngành, nhưng nhiều DN vẫn không thoát ra được. Câu chuyện thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Tân Mai của Tổng công ty Giấy là một ví dụ điển hình. Tháng 12/2014, đơn vị tư vấn tổ chức đấu giá bán hơn 20.000 cổ phần với giá trị 410 triệu đồng, có 3 nhà đầu tư đăng ký mua. Tuy nhiên, khi nộp tiền, chỉ có 1 nhà đầu tư với giá mua là 11.000 đồng/CP.

Số tiền thu được từ đợt đấu giá cổ phần Giấy Tân Mai là 140 triệu đồng, nhưng chi phí bán đấu giá mất tới… 268 triệu đồng. Sau đó, Tổng công ty Giấy tiếp tục chào bán số cổ phần còn lại, song cả 2 đợt đấu giá đều không thành công.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những kết quả tích cực của giai đoạn tái cơ cấu DNNN vừa qua. Sau gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu DNNN, hiệu quả hoạt động của khối DNNN đã có những cải thiện rõ rệt: vốn chủ sở hữu tăng; hơn 80% DNNN hoạt động có lợi nhuận; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 16,37%; tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần, nằm trong giới hạn cho phép. Những DN sau cổ phần hóa chuyển về SCIC hoạt động có hiệu quả.

Giải pháp “chia để trị”

Một điểm nhấn trong tiến trình tái cơ cấu DNNN vừa qua là hoàn thiện được bộ cơ chế chính sách tương đối hoàn chỉnh về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, qua đó thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất - kinh doanh và điều kiện thị trường. Năm 2014, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp bổ sung để hỗ trợ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN.

Cụ thể, Nghị quyết 15 và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN đã cho phép DNNN được thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá  hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán; quy định các DN phải đưa cổ phiếu lên giao dịch/niêm yết trên TTCK trong vòng 1 năm kể từ khi hoàn thành cổ phần hóa, nhằm tăng sức hấp dẫn của các đợt đấu giá cổ phần DNNN.

Cũng trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06 yêu cầu các bộ ngành và DNNN nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN; SCIC được phép mua lại các khoản đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm của các DNNN khác trong trường hợp các DNNN này không có khả năng bán các khoản đầu tư đó...

Năm 2015, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản và Luật về quản lý nhà nước được ban hành tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu DNNN. Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2015 về công bố thông tin của DNNN, Nghị định 87/2015 quy định các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN và Quyết định 41/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bán cổ phần theo lô, nhằm rộng đường cho kế hoạch thoái vốn của các DNNN.

Để đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc DNNN đang rất chậm trễ, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực đang đóng góp tới 30% ngân sách nhà nước, cần xem xét từng trường hợp cụ thể, tránh tình huống DN mượn cớ “cơ chế, chính sách chưa thông” để trì hoãn cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Cần xem việc đánh giá mức độ hoàn thành đề án tái cơ cấu DNNN năm 2015 như một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch của hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn nhà nước tại DN.

Đối với kế hoạch thoái vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng, cần thực hiện nghiêm Công văn số 1821/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, trường hợp khó khăn thì phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước để xem xét, giải quyết.

Đối với việc thoái vốn đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, do TTCK hiện khá trầm lắng, nhất là từ khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ, mặt khác do chúng ta đang đẩy nhanh cổ phần hóa các DN nên lượng cổ phiếu bán ra thị trường nhiều, nếu thoái ồ ạt ra thị trường bằng mọi giá thì DN sẽ mất vốn nhà nước. Vì vậy, cần xây dựng lại kế hoạch, lộ trình để thoái vốn đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán khi thị trường vốn ấm lên, có điều kiện là thoái ngay, đảm bảo hiệu quả cao nhất, tránh thất thoát vốn cho DN.

Đối với lĩnh vực bất động sản, thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng giao dịch còn ít, phân khúc đầu tư vào lĩnh vực này không rõ ràng. Nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này chủ yếu là vốn vay của các tổ chức tín dụng, vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phân loại các khoản đầu tư vào lĩnh vực này theo nguồn vốn để phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện thoái vốn khi thị trường cho phép.

Trương Minh Tình

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục