Bài 2: Vì đâu nên nỗi?
Khi đã bỏ vốn vào doanh nghiệp, sẽ không có cổ đông chiến lược nào muốn tài sản của mình bị bào mòn. Họ đã nỗ lực nhưng đành bất lực trước tình cảnh “bình mới, rượu cũ” như hiện nay.
Tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ đại hội cổ đông bất thường của Vinafood 2, ông Đỗ Ngọc Khanh, đại diện cổ đông chiến lược CTCP Tập đoàn T&T (T&T Group) hiện sở hữu trên 25% vốn điều lệ Vinafood 2 đã kiến nghị HĐQT, ban giám đốc phải xây dựng các mục tiêu, chiến lược cụ thể, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và cổ đông chiến lược, nhanh chóng ổn định sản xuất, giảm lỗ, hòa vốn trong giai đoạn 2020 - 2021 và bắt đầu có lãi từ năm 2021 - 2022.
Suốt 2 năm qua, tại nhiều cuộc họp của lãnh đạo Vinafood 2, đại diện T&T Group đều đưa ra các đề xuất với nhiều phương án nhằm vực dậy Vinafood 2. Tuy nhiên, những đề xuất này đa số không được ‘lắng nghe”, và tất nhiên, với số lượng cổ phần ít ỏi không đủ để phủ quyết thì những đề xuất của T&T Group đều không được thông qua.
Vướng đủ đường, không có tiếng nói trong mọi hoạt động của Vinafood 2, không thể tham gia tái cơ cấu tài chính của doanh nghiệp, muốn quyết không được, muốn làm không xong, các đại diện của T&T tham gia Vinafood 2 nhiều phen đã thực sự nản lòng.
Còn ông Đỗ Quang Hiển, khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán đã phải thốt lên: “Chúng ta cần quan tâm đến doanh nghiệp cả trước, trong và sau cổ phần hóa. Bởi doanh nghiệp nào cũng là những thực thể của nền kinh tế, là nơi tạo ra, đóng góp cho nguồn thu ngân sách”.
“Ở đây tôi không đề cập đến tiền, các doanh nghiệp tư nhân có thể huy động được. Cái họ cần là cơ chế chính sách. Khi cổ phần hóa, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về con người, về quan điểm điều hành. Nếu cổ phần những lĩnh vực Nhà nước không cần quan tâm, thì nên cổ phần hóa 100%, nếu doanh nghiệp còn 51% do Nhà nước nắm giữ thì vẫn còn là doanh nghiệp Nhà nước, quan điểm trong quản trị điều hành rất khó đổi mới”, ông Hiển nhấn mạnh thêm.
Với nhiều năm tham gia quản trị trong các doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối như Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), ông Ngô Văn Tuyển nhận xét: “Các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện giữ nhiều quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, nhưng lại thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm không rõ ràng”.
Cụ thể, quyết định của bộ máy lãnh đạo công ty, người đại diện phần vốn nhà nước còn phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước, còn nặng nề cơ chế xin - cho, ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không bắt kịp xu hướng công nghệ.
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gần đây cũng cho thấy, có 23,3% doanh nghiệp nhà nước chưa áp dụng khoa học - công nghệ, trên 25% cho rằng không liên quan, 24,8% cho rằng họ không thay đổi đáng kể khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra.
Từ thực tế đã trải qua, chuyên gia Ngô Văn Tuyển cho rằng, doanh nghiệp nhà nước có 3 vấn đề.
Thứ nhất, mục tiêu của doanh nghiệp là gì cần phải rõ ràng, quản lý theo mục tiêu hay theo quy trình?
Thứ hai, các cơ quan chủ quản với tư cách cổ đông mà lại can thiệp vào quyết định của hội đồng quản trị là không theo thông lệ điều hành doanh nghiệp.
Thứ ba là nhân sự do cơ quan chủ quản bổ nhiệm là do chủ quan của người có quyền chứ không phải chọn người đúng cho doanh nghiệp.
Bàn đến câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, vai trò, nhận thức của bộ máy lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị ở nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, chưa công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường.
Nhận thức tư duy và trình độ quản lý của người đứng đầu doanh nghiệp ít thay đổi khi chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, dẫn đến vẫn có sự chây ỳ, thậm chí thụ động gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nếu không thay đổi, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, việc cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ chỉ mang hình thức “bình mới, rượu cũ”, thậm chí, mối lương duyên giữa nhà nước và tư nhân rất dễ xảy ra tranh chấp, đổ vỡ.
Cũng có những ý kiến cho rằng, nhà đầu tư chiến lược bỏ tiền vào doanh nghiệp là để “chờ thời” có cơ hội mua được cổ phần thoái vốn giá rẻ khi doanh nghiệp hoạt động èo uột. Tuy nhiên, đó là cách nhìn nhận sai lầm.
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco cho rằng, khi nhà đầu tư đã bỏ vốn vào doanh nghiệp nhà nước qua cổ phần hóa, họ không dại gì muốn doanh nghiệp tăng trưởng và lợi nhuận âm.
Oái ăm là hiện nay có những nhà đầu tư bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua lại cổ phần từ nhà nước nhưng không phải cổ đông lớn nhất nên các bước đi vẫn phụ thuộc vào người khác, chờ đợi mòn mỏi và bất lực nhìn khối tài sản ngàn tỷ “hao mòn”.
Trở lại với câu chuyện ở Vinafood 2, dự phòng các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn lớn đã làm mất cân đối vốn lưu động của doanh nghiệp trong một thời gian dài. Điều này khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn khi cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Không có vốn kinh doanh, Vinafood 2 tiếp tục trượt dài trên con đường thua lỗ, luẩn quẩn và mịt mùng lối thoát. Trong khi tổng công ty vẫn phải trích khấu hao máy móc, thiết bị, nhà xưởng lạc hậu, cũ kỹ, hư hỏng...
Nhìn một cách tổng quan, nếu Vinafood 2 không nhanh chóng xử lý được những tồn tại của bộ máy vận hành cũ, không chỉ cổ đông chiến lược là T&T Group thiệt hại mà người thiệt hại lớn nhất chính là Nhà nước cùng với hàng ngàn người lao động.
Bài 3: Tìm "bè" cứu sinh