Những cơn giận mang tên mạng xã hội

Facebook là mạng xã hội được đa số người Việt Nam sử dụng và nó dường như là một phần không thể thiếu trong đời sống, nó không còn ảo, mà rất sống động. Thậm chí ở một vài sự kiện, dư luận trên Facebook đã trở thành một thứ "quyền lực" thúc ép chính quyền các địa phương phải đối diện và tìm cách giải quyết các vấn đề mới nảy sinh.
Những cơn giận mang tên mạng xã hội

Tại miền Trung, một dự án phá rừng xây resort được phát hiện bắt đầu bằng những bức ảnh và lời cảm thán của một người đánh cá. Chỉ một ngày sau, những hình ảnh phản cảm đó xuất hiện trên hàng trăm nghìn trang Facebook cá nhân. Sau làn sóng phản ứng dữ dội trên Facebook của người dân thành phố là đến báo chí lên tiếng. Chính quyền bắt buộc phải kiểm tra và "dừng dự án vì lòng dân không đồng thuận".

Mới đây, dư luận xã hội trên mạng đã làm cả việc "kết án" một số nghi phạm ấu dâm bằng cách chia sẻ tên tuổi, hình ảnh, địa chỉ cư trú và nơi làm việc của chúng lên hàng chục nghìn trang Facebook cá nhân và đó là áp lực khiến các cơ quan điều tra phải nhanh chóng vào cuộc truy bắt tội phạm.

Điều đó đúng hay sai? Thực tế sẽ cho những người sử dụng mạng xã hội từ "ném đá" đến tăng cấp độ lên "kết án" bằng hành động cụ thể như đã kể trên những nhận thức mới, hoặc sẽ bừng tỉnh sau khi những vấn đề đó kết thúc.

Nhưng dường như sức ảnh hưởng của dư luận xã hội đã tăng thêm rất nhiều kể từ khi mạng xã hội này phát triển như vũ bão. Thậm chí ở rất nhiều sự việc xảy ra trong xã hội, báo chí đôi khi còn phải "nhìn chừng" thông tin từ mạng xã hội, bởi vì bên cạnh tin tức chính thống, dòng tin tức đến từ mạng xã hội cũng chi phối và làm người đọc hoang mang.

Ở đây chúng ta không cần nhìn nhận lại nên ứng xử thế nào trên mạng xã hội, bởi vấn đề này cần đến nền tảng văn hóa, đạo đức, nhận thức xã hội của từng cá nhân. Chúng ta nên suy nghĩ nhiều đến những thay đổi của xã hội, đến cuộc sống của con người ngày nay dưới ảnh hưởng của mạng xã hội, khi mỗi cá nhân bất kỳ đều có thể trở thành người đưa tin, người bình luận, người đưa hình ảnh của chúng ta lên mạng xã hội.

Với báo chí, tin tức, hình ảnh đó còn qua bao sự cân nhắc, kiểm duyệt, còn với mạng xã hội thì đến nay có thể nói là không còn bất cứ giới hạn nào ngăn cản việc đưa thông tin, bình luận về hành vi của người khác. Tử tế, vui vẻ thì chính danh, có âm mưu, kế hoạch gì đó thì nặc danh.

Dẫu là mạng ảo cũng có thể dẫn đến kết quả tan cửa nát nhà, sụp đổ những dự án đầu tư, bôi nhọ thương hiệu trên thị trường, hoặc làm mất danh dự của những người có địa vị xã hội.

Những "cơn giận" của mạng xã hội ngày càng trở nên khủng khiếp bởi số đông người dùng và sự lan rộng nếu đó là các vấn đề khiến xã hội bức xúc.

Có lý hoặc vô lý, chính nghĩa hoặc vi phạm pháp luật thì mạng xã hội và tin tức nó đưa vẫn tồn tại, phát triển. Vẫn có thể bất thần đưa bất kỳ ai lên để khen ngợi hoặc phán xét. Ngăn chặn nó là điều không tưởng!

Có lẽ xã hội phát triển nên những công cụ như mạng xã hội xuất hiện, khởi đi từ tính giao lưu, chia sẻ, nay nó cũng mang tính kềm chế những vấn đề thái quá, nhạy cảm, làm bùng nổ những vấn đề bị "chìm xuồng".

Nhiều cán bộ lãnh đạo các địa phương đã từng không quan tâm đến mạng xã hội, coi đó là kênh thông tin không chính thống, nay đã thấy rõ sức ảnh hưởng của nó nên đã mạnh dạn sử dụng như một tiếng nói "thêm" để tiếp cận người dân, phổ biến chính sách, bày tỏ tâm tư của người lãnh đạo.

Chúng ta sống thế nào giữa một mạng xã hội "rối bời" như thế, khi hàng triệu "Facebooker" uống cà phê buổi sáng không xem tin tức trên báo mà xem trên Facebook? Câu trả lời quá rõ ràng: Chúng ta nên sống tử tế, sống tốt!

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục