Trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu vẫn theo dõi sát mọi động thái của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed), thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng, giới phân tích cho rằng, những nguy cơ thực sự mà nước Mỹ đang đối mặt lại đến từ khu vực doanh nghiệp và tập đoàn.
Trong bài phân tích có tiêu đề “Tăng trưởng kinh tế Mỹ: Cơn bão đang ấp ủ”, chuyên gia Paul Mortimer-Lee tại Ngân hàng BNP Paribas cho rằng: “Tại sao có nhiều người không nhận ra những rủi ro đang hiện hữu đối với kinh tế Mỹ? Câu trả lời là họ đã nhìn sai hướng, khi bị hút vào những số liệu tăng trưởng việc làm và tiêu dùng ấn tượng, trong khi chưa nhận ra những đe dọa suy thoái đến từ khu vực doanh nghiệp”.
Theo chuyên gia Mortimer-Lee, sự sụt giảm lợi nhuận trong khu vực doanh nghiệp Mỹ là vấn đề rất đáng lưu tâm. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát đình đốn cũng cho thấy, các công ty Mỹ không thể tăng giá hàng hóa lên mức cần thiết để duy trì lợi nhuận, trong khi chi phí lao động ở nước này vẫn đang tăng.
Nói một cách khác, các công ty đang phải trả lương nhân viên nhiều hơn và họ không thể tăng giá sản phẩm để bắt kịp vấn đề chi phí gia tăng. Đây cũng là nguyên nhân từng dẫn tới giai đoạn suy thoái kinh tế năm 2001 tại Mỹ, theo sau sự sụt giảm lợi nhuận doanh nghiệp.
“Chúng tôi tin rằng, trong một nền kinh tế tư nhân phát triển theo khuynh hướng lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận và mức năng động của nó là chìa khóa quyết định chu kỳ kinh doanh. Sự suy giảm lợi nhuận thường là dấu hiệu tiên lượng cho thấy nền kinh tế đang ốm yếu”, ông Mortimer-Lee viết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và công ty phản ứng lại với tình hình suy giảm lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi tiêu vốn và đầu tư kinh doanh. Nếu họ không xây dựng và phát triển những điều mới mẻ, chắc chắn việc tuyển dụng nhân lực sẽ chậm lại và thu nhập của công nhân sẽ giảm bớt, kéo theo chi tiêu tiêu dùng sụt giảm và toàn bộ nền kinh tế đi xuống.
Đó là còn chưa kể khu vực doanh nghiệp Mỹ cũng đang phải gánh chịu số nợ đáng kể. Theo tính toán của Ngân hàng Deutsche Bank, nợ doanh nghiệp phi tài chính tại Mỹ hiện đã tăng thêm 2.000 tỷ USD so với thời điểm quý IV/2010. Tương tự, báo cáo độc lập của S&P công bố đầu tháng Sáu này cũng cho thấy, nợ của các doanh nghiệp Mỹ đã tăng hơn 2.000 tỷ USD lên 6.600 tỷ USD vào cuối năm 2015, so với mức 3.800 tỷ USD cuối năm 2010. Điều này cho thấy, tỷ lệ nợ doanh nghiệp/GDP của Mỹ đang tiến tới mức tương tự như trước giai đoạn 2 cuộc suy thoái kinh tế gần nhất.
Chuyên gia Mortimer-Lee dự đoán, rủi ro suy thoái mà kinh tế Mỹ phải đối diện trong 12 tháng sẽ vào khoảng 40-50%, tùy thuộc vào dữ liệu thị trường lao động sẽ phát triển như thế nào.
“Rủi ro suy thoái đang tăng lên, mặc dù đây là kịch bản mà không ai mong muốn”, vị chuyên gia này nhận định.
Dù không dự đoán về rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ, giới lãnh đạo kinh doanh hàng đầu của nước này cũng có cái nhìn không mấy sáng sủa, khi đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay và lên tiếng hối thúc Fed thận trọng trước các quyết định tăng lãi suất.
Hiệp hội Bàn tròn kinh doanh, đơn vị đại diện cho giám đốc điều hành các công ty lớn nhất nước Mỹ cho biết, các thành viên của họ dự đoán kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm 2016, giảm so với mức dự đoán 2,2% đưa ra hồi đầu năm nay.
Doug Oberhelman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Caterpillar, tập đoàn kinh doanh thiết bị khai mỏ và xây dựng lớn nhất thế giới khẳng định: “Con số tăng trưởng chỉ 2,1% là con số thực sự không lạc quan”.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện phải chịu một số rủi ro khác, từ cả bên trong và bên ngoài, chẳng hạn, sự bất định trước cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm nay, hay khả năng nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu khi thời điểm diễn ra cuộc trung cầu ý dân đã gần kề. Môi trường bất định đó khiến giới kinh doanh Mỹ khó khăn hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư và tuyển dụng.