
143 mã tăng trên 30%
Đối với cổ phiếu đang niêm yết, tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 143 mã đạt mức tăng trên 30%, 59 mã đạt mức tăng trên 50% và 11 mã tăng trên 100%. Trong đó, nhóm cổ phiếu penny góp phần lớn vào Top những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong 5 tháng đầu năm.
Trong đó, cổ phiếu MHC của CTCP Hàng hải Hà Nội đang giữ vị trí “quán quân” khi tăng 170% trong vòng 5 tháng, từ 4.000 đồng/CP lên 10.800 đồng/CP. Cổ phiếu MHC tăng giá liên tục không phải không có lý do. Từ một DN kinh doanh kém hiệu quả và nằm trong diện bị kiểm soát, MHC đã có sự tăng trưởng qua từng năm. Năm 2010 lỗ ròng 44 tỷ đồng, năm 2011 lãi vỏn vẹn 108 triệu đồng, năm 2012 Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng, và sang năm 2013, MHC đã đạt lợi nhuận cả năm 15,6 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I/2014 của Công ty tiếp tục ghi nhận sự khả quan với 12,2 tỷ đồng lợi nhuận.
Đây chính là lý do đẩy giá cổ phiếu này tăng gần 2 lần chỉ trong 5 tháng. Nhưng một điều đáng lưu ý là trong thời gian cổ phiếu MHC biến động mạnh, nhiều lãnh đạo chủ chốt trong Công ty cũng “tranh thủ” đăng ký mua và bán với khối lượng khá lớn.
Cổ phiếu VE2 của CTCP Xây dựng điện VNECO2 ghi nhận mức tăng hơn 161%, từ 4.400 đồng/CP lên 11.900 đồng/CP. Một trong những nguyên nhân tăng giá của VE2 là cổ tức, VE2 đã thông qua mức chia cổ tức năm 2013 và 2014 đều ở mức 13%. So với mức cổ tức như vậy thì mức giá xung quanh ngưỡng 10.000 đồng/CP cũng là một yếu tố để nhà đầu tư cân nhắc, chưa kể so với lãi suất bình quân tiền gửi ngân hàng.
Những cổ phiếu tăng giá nhiều nhất trong 5 tháng đều là những cổ phiếu penny. Trong khi đó, các bluechip lại ghi nhận mức tăng tương đương với mức tăng bình quân của toàn thị trường như VCF tăng 10,98% từ 149.800 đồng lên 153.000 đồng/CP; MSN tăng từ 82.000 đồng/CP lên 95.000 đồng/CP…
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu CTCP Solavina (SVN) ghi nhận mức giảm cao nhất tính từ đầu năm khi giảm 77,59% từ 29.000 đồng/CP xuống còn 6.500 đồng/CP. Nguyên nhân chủ yếu là do cổ phiếu của Công ty bị HNX đưa vào diện cảnh báo. Một số cổ phiếu cũng ghi nhận mức giảm đáng kể như CTCP Cơ khí xăng dầu (PMS). giảm 58,66%, CTCP Thuận Thảo (GTT), giảm 56,56%... Trong khi đó, cổ phiếu vốn là một trong những “điểm tựa” của thị trường là VNM cũng ghi nhận mức giảm 7,4% tính từ đầu năm, từ 134.800 đồng/CP xuống 123.000 đồng/CP. Dù tăng ở mức “khiêm tốn”, nhưng trường phái đầu tư dài hạn lại rất ưa nhóm cổ phiếu “cơ bản” này.

Tháng 5 - cổ phiếu vật liệu “lên ngôi”
Tháng 5 dường như là tháng “lên ngôi” của các cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng. Thống kê sơ bộ của ĐTCK cho thấy, trong Top 10 cổ phiếu có mức tăng giá cao nhất trong tháng 5 thì cổ phiếu vật liệu xây dựng chiếm 50%. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Quang (ITQ) là cổ phiếu có mức tăng “ấn tượng” nhất trong tháng 5, khi tăng 39,13%, từ 9.200 đồng/CP lên 12.800 đồng/CP. Vị trí thứ 2 là IDV của CTCP Hạ tầng Vĩnh Phúc, ghi nhận mức tăng từ 25.100 đồng/CP lên 34.000 đồng/CP. Cùng nằm trong ngành xây dựng, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) ghi nhận mức tăng gần 21%, từ mức 9.600 đồng/CP lên 11.600 đồng/CP hay VC1 của CTCP Vinaconex 1 cũng tăng hơn 21%, từ 16.500 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP…

Trong các báo cáo gần đây, nhiều CTCK cũng chỉ ra tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành xây dựng khi cho rằng, cùng với sự sôi động của thị trường bất động sản, thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng như xi măng, thép và gạch ốp lát cũng có dấu hiệu tốt hơn, do kết quả kinh doanh của nhóm DN cũng đang khả quan hơn. Tuy nhiên, vì nhóm cổ phiếu này đã tăng khá mạnh trong thời gian qua, nên cũng được các CTCK cảnh báo về mức độ rủi ro khi thị trường đảo chiều.
Được coi là một bluechip, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng lọt vào Top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong tháng 5 khi tăng từ mức 33.500 đồng/CP lên 42.200 đồng/CP sau khi có sự sụt giảm mạnh trong tháng 4. Mặc dù vậy, so với thời điểm đầu năm, BVH chỉ tăng 15,78%.