Những cổ phiếu tăng giá nóng bất thường

(ĐTCK) Theo thống kê, trong đợt tăng vừa qua của thị trường, những cổ phiếu tăng giá nhiều nhất lại thuộc về những đơn vị mà tình hình kinh doanh kém cỏi nhất.
Những cổ phiếu tăng giá nóng bất thường

Những diễn biến tích cực trên TTCK trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng kiểm chứng nhận định của các chuyên gia về sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong số các cổ phiếu tăng giá, theo thống kê biến động giá trên cả hai sàn, những cổ phiếu tăng giá nhiều nhất lại thuộc về những đơn vị mà tình hình kinh doanh kém cỏi nhất. Đây là vấn đề cần được cảnh báo với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Đứng đầu trong danh sách những cổ phiếu tăng nóng có lẽ phải kể đến cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội, tính đến hết phiên giao dịch ngày 16/12, cổ phiếu này đã có 11 phiên tăng trần liên tiếp, nâng mức giá giao dịch lên 1.900 đồng/cp, tăng 111% so với mức giá 900 đồng (của phiên giao dịch ngày 2/12). Vậy yếu tố nào giúp SHN tăng giá mạnh đến vậy?

Nhìn vào BCTC quý III và 9 tháng đầu năm của SHN cho thấy, tình hình kinh doanh của Công ty không có nhiều đột biến. Quý III/2013, doanh thu của SHN chỉ đạt vỏn vẹn 1,38 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế âm 6,75 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, SHN đạt 2,43 tỷ đồng doanh thu, lỗ 62,6 tỷ đồng, nâng khoản lỗ luỹ kế lên 320,4 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2011 và 2012, SHN cũng kinh doanh thua lỗ với khoản lỗ tương ứng là 146 và 127 tỷ đồng.

Điều đặc biệt là, với kết quả thể hiện trên BCTC, thì trong năm 2013, hoạt động kinh doanh của SHN gần như đình trệ, khi hàng tồn kho không thay đổi so với thời điểm đầu năm, chủ yếu ở dạng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Trong năm, Công ty đã bán bớt tài sản, hiện tài sản cố định hữu hình chỉ còn 2,3 triệu đồng. Sở dĩ SHN lâm vào tỉnh cảnh bi đát này do vướng vào khoản cho vay đối tác là CTCP Beta BQP lên tới 238 tỷ đồng vào năm 2011, khiến Công ty mất cân đối dòng tiền. Và kể từ thời điểm đó, SHN gần như lao dốc không phanh.

Những cổ phiếu tăng giá nóng bất thường ảnh 1

Báo cáo soát xét bán niên, Công ty kiểm toán AASC lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của BHV

Mới đây, SHN đã quyết định thay đổi Ban điều hành Công ty, tuy nhiên chỉ còn 1 quý, SHN khó có thể lật ngược tình thế để báo lãi trong năm 2013 và nguy cơ huỷ niêm yết bắt buộc đang dần hiện hữu khi SHN có 3 năm lỗ liên tiếp, vốn chủ chỉ còn 26,6 tỷ đồng trên vốn điều lệ 324,5 tỷ đồng (tính đến hết quý III).

Không bết bát như SHN, nhưng CTCP Đầu tư Phát triển Thương mại Viễn Đông (VID) cũng ghi nhận 2 năm liên tiếp lỗ, với số lỗ lũy kế hơn 21 tỷ đồng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, VID lỗ thêm 53,4 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế tính đến thời điểm 30/9/2013 lên 74,68 tỷ đồng. Với kết quả này, vốn chủ sở hữu của VID đang bị ăn dần, còn 200,8 tỷ đồng trên vốn điều lệ 255,2 tỷ đồng.

BCTC của VID cũng thể hiện khoản nợ ngắn hạn đến hết quý III của Công ty là 396,8 tỷ đồng, vượt xa tài sản ngắn hạn là 287 tỷ đồng, trong đó, khoản vay và nợ ngắn hạn là 280 tỷ đồng. Chính điều này khiến chi phí tài chính trong kỳ tăng mạnh, lên tới trên 37 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của VID âm.

Công văn trình UBCK đề xuất phương án khắc phục lỗ trong năm 2013 của VID đã đề cập đến cam kết trả tiền của đối tác là CTCP Thương mại Toàn Lực. Tuy nhiên, mới đây, thay vì nhận được tiền của đối tác để cải thiện dòng tiền, VID lại nhận hơn 1,6 triệu cổ phần tại CTCP Chè Lâm Đồng và Công ty Chè cà phê Di Linh, tương đương giá trị 98,8 tỷ đồng để cấn trừ nợ phải thu cho Công ty Toàn Lực.

Bên cạnh đó, VID vừa hoàn tất việc chuyển nhượng 65,1% vốn tại Công ty TNHH MTV Bình Dương Viễn Đông cho Công ty MMP (đến từ Áo).

Với việc cơ cấu lại Công ty, liệu kết quả kinh doanh của VID trong quý IV này có khả quan hơn, đủ để bù đắp khoản lỗ của 9 tháng đầu năm và báo lãi? Mặc dù đang đối diện “án” hủy niêm yết bắt buộc và bị kiểm soát, chỉ được giao dịch vào 15 phút cuối phiên, nhưng cổ phiếu này cũng tăng trần liên tiếp 9 phiên từ ngày 2/12, và bắt đầu điều chỉnh giảm sàn trong 2 phiên gần đây.

Ngoài ra, một số cổ phiếu khác cũng liên tục tăng trần, khiến mức giá tăng mạnh (so với thời điểm đầu tháng 12), như PNC của CTCP Văn hóa Phương Nam (tăng gần 30%); BHV của CTCP Viglacera Bá Hiến (tăng 88,5%)…

Tuy nhiên, cả hai mã này đang trong diện bị cảnh báo, do lỗ trong năm 2012. Kết thúc 9 tháng đầu năm, PNC lỗ 13 tỷ đồng, khiến lỗ lũy kế lên 30,6 tỷ đồng.

Còn đối với BHV, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy Công ty công bố BCTC quý III, nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm, BHV lỗ 9,28 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế của Công ty đến thời điểm 30/6/2013 lên 18,49 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu là 8,49 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của BHV cũng vượt quá tài sản ngắn hạn là 25,58 tỷ đồng.

Theo báo cáo soát xét bán niên của Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, BHV còn một số khoản chi phí chưa ghi nhận vào kết quả kinh doanh, nếu được ghi nhận đủ, lợi nhuận trước thuế của BHV sẽ giảm đi một khoản tương ứng là 3,7 tỷ đồng. AASC cũng đưa ra lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của BHV khi lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu, thiếu hụt vốn lưu động.     

>>Điểm mặt những cổ phiếu tăng nóng       

>> Soi lại những cổ phiếu “nóng” một thời

>> Nhiều cổ phiếu bị nghi làm giá

>>Hiện trạng buồn của những cổ phiếu “nóng”

>>Đi tìm “cổ phiếu nóng” quý IV!

>>Những cổ phiếu ấn tượng nhất  

>> Điều tra 70 mã có giao dịch bất thường

>> Nhiều giao dịch bất thường là… bình thường

Huyền Vy
Huyền Vy

Tin cùng chuyên mục