Dấu ấn nhóm bất động sản, xây dựng
Tính từ đầu tháng 10/2019 đến hết phiên giao dịch 22/11, VRE (của CTCP Vincom Retail) chính là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên sàn niêm yết, xét về cả khối lượng (18,56 triệu cổ phiếu) và giá trị (666,7 tỷ đồng).
Việc mua ròng chủ yếu thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh, qua đó, giúp VRE là một trong những cổ phiếu có thị giá ít bị điều chỉnh nhất trong nhóm VN30 dù VN-Index vừa giảm mạnh xuống dưới 1.000 điểm.
Sau giai đoạn bứt phá mạnh mẽ trong nửa cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11, việc giữ giá tốt trong khi nhiều cổ phiếu khác điều chỉnh sâu cũng giúp VRE vươn lên trở thành cổ phiếu có quy mô vốn hóa thứ 9 trên HOSE, xếp trên mã TCB và CTG; đồng thời rút ngắn khoảng cách với vị trí thứ 8 về vốn hóa của mã MSN xuống còn 2.000 tỷ đồng.
Cùng với lực đỡ của khối ngoại, sức cầu của VRE còn đang nhận được sự hỗ trợ từ lực mua vào 56,5 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian từ 14/11 đến 13/12/2019.
Trước đó, Công ty Vincom Retail đã báo cáo tình hình kinh doanh quý III/2019 khá tích cực, với lãi trước thuế tăng trưởng 33,4% so với cùng kỳ 2018.
Trong phân khúc bất động sản khu công nghiệp, cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng đang giữ được sức mua ròng tốt.
Tổng khối lượng mua ròng của khối ngoại từ đầu quý IV/2019 đến nay đạt 8,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 127 tỷ đồng.
Trái ngược với sự tăng trưởng của VRE, KBC lại báo lãi trước thuế giảm 44% so với cùng kỳ trong quý III/2019 do giá vốn hàng bán tăng mạnh song song với doanh thu thuần tăng 39%.
Tuy vậy, nhờ sự bứt phá trong quý II/2019 khi Kinh Bắc báo lãi cao nhất từ khi niêm yết nên kết thúc 9 tháng, lợi nhuận của Công ty vẫn tăng 22% so với cùng kỳ 2018.
Bên cạnh lợi nhuận tăng trưởng, sức hấp dẫn của KBC hiện còn đến từ vị thế là một trong những doanh nghiệp bất động sản sở hữu quỹ đất khu công nghiệp và khu đô thị hàng đầu cả nước.
Công ty được hưởng lợi từ làn sóng tăng nhu cầu thuê đất đai, nhà xưởng trong khu công nghiệp cả nước trong hơn 1 năm trở lại đây.
Trong nhóm ngành xây dựng, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros và LCG của CTCP Licogi 16 cũng lần lượt được mua ròng 3,6 triệu và 3,2 triệu cổ phiếu tính từ đầu tháng 10/2019.
Ngoài việc được mua ròng mạnh, giao dịch tại ROS còn gây chú ý khi thanh khoản liên tục gia tăng, trung bình chiếm tới 15% giá trị giao dịch mỗi phiên trên HOSE, qua đó liên tục giữ vị trí quán quân thanh khoản toàn sàn.
Tuy vậy, trái ngược với sự tích cực của thanh khoản, thị giá ROS lại đang đi xuống và đã giảm gần 36% so với đầu năm. Cơ cấu cổ đông thời gian qua cũng biến động với sự thoái vốn của một số cổ đông cá nhân và tổ chức.
Tại mã LCG của CTCP Licogi 16, động thái mua ròng trong thời gian qua có sự đóng góp đáng kể từ Lucerne Enterprise Ltd.
Ước tính, tổ chức này đã mua vào 1,087 triệu cổ phiếu chỉ trong thời gian từ ngày 6/11 đến 13/11/2019. Lucerne Enterprise Ltd hiện cũng là cổ đông lớn nhất tại LCG, với sở hữu 19,07% (tính đến 13/11/2019).
Kết thúc 9 tháng đầu năm, dù doanh thu của LCG tăng trưởng chậm lại ở mức 9,3% so với cùng kỳ do giảm ghi nhận doanh thu từ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thiện, nhưng lợi nhuận vẫn duy trì mức tăng trưởng 63,5% nhờ ghi nhận doanh thu từ các dự án bất động sản có giá vốn thấp, giúp tăng biên lợi nhuận gộp.
Sức hút nhóm dịch vụ tài chính
Chiếm ưu thế về số lượng mã được mua trong danh sách những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất từ đầu quý IV/2019 đến nay chính là nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Cổ phiếu BID của Ngân hàng Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển (BIDV) đang xếp thứ 3 trong những cái tên được mua ròng với 3,6 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 190,55 tỷ đồng.
Cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), dù vừa trải qua một tuần bị bán ròng mạnh, nhưng tổng cộng khối lượng mua ròng từ đầu quý IV đến nay vẫn được ghi nhận ở mức 1,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 138,15 tỷ đồng.
Sức cầu từ khối ngoại đã trở thành lực đỡ quan trọng giúp BID và VCB duy trì vị thế là 2 cổ phiếu ngân hàng có mức sinh lời tốt nhất thời gian vừa qua, bất chấp 2 tuần gần đây các mã này cũng bị điều chỉnh cùng thị trường chung.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/11 tại 40.200 đồng/cổ phiếu, thị giá BID tăng 4% so với đầu quý III/2019 và tăng khoảng 35% so với thời điểm cuối quý II/2019.
Tại VCB, dù vừa giảm 7% trong gần 2 tuần qua, thị giá đến hết phiên 22/11 vẫn giữ mức tăng hơn 4% so với đầu quý III và tăng khoảng 23% trong vòng 5 tháng trở lại đây.
Sức hấp dẫn của BID và VCB với nhà đầu tư nước ngoài đến từ việc đây là số ít ngân hàng vẫn còn room cho vốn ngoại. VCB hiện đứng vị thế thứ 2 về quy mô vốn hóa trên HOSE, còn BIDV ở vị thế thứ 7.
Cả 2 mã VCB và BID đều là lựa chọn ưu tiên với các quỹ đầu tư quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam khi tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các cổ phiếu vốn hóa lớn hay mô phỏng danh mục chỉ số tham chiếu như VN30, VN50 hay VN100.
Mới đây, BID và VCB được đưa vào danh mục thành phần chỉ số VNFIN SELECT do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) xây dựng. Đồng thời, BID cũng được thêm vào danh mục VNFIN LEAD trong lần công bố đầu tiên của chỉ số này.
Sự tham gia vào thành phần các rổ chỉ số mới được xây dựng với mục đích phục vụ nhu cầu của các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) có thể sử dụng chỉ số làm tham chiếu để mô phỏng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền khối ngoại đến với VCB và BID trong thời gian tới.
Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, một số cổ phiếu đang được mua ròng tốt là HCM của CTCP Chứng khoán TP.HCM; TVS của CTCP Chứng khoán Thiên Việt và SHS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội.
Tính từ đầu tháng 10/2019 đến hết phiên 22/11, cổ phiếu HCM đã được mua ròng 4,2 triệu đơn vị. Cổ phiếu SHS được mua ròng khoảng 1,3 triệu đơn vị, còn TVS được mua ròng 2,2 triệu đơn vị…
Tại TVS, sau đợt mua ròng của Quỹ Wardhaven Vietnam Fund, quỹ này đã trở thành cổ đông lớn mới với sở hữu 5,11% tại TVS.
Trong khi nhóm cổ đông lớn khác là Quỹ Apollo Asia Fund và Panah Master Fund do AIMS Asset Managerment quản lý cũng nâng tỷ trọng nắm giữ lên 6,46%. Tại mã HCM, mới đây, cổ phiếu này cũng đã được thêm vào danh mục VNFIN LEAD và VNFIN SELECT do HOSE xây dựng.
Trong nhóm bảo hiểm, cổ phiếu PVI của CTCP PVI cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khá nhiều.
Tuy nhiên, trái ngược với đà mua, thị giá mã này lại đang đi xuống và đã mất hơn 1/5 giá trị vốn hóa trong vòng chưa đầy 3 tháng qua.
Nguyên nhân sức cầu khối ngoại không hỗ trợ cho thị giá là mức mua ròng này chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận của Quỹ HDI Global SE.
Tính từ đầu năm, Quỹ HDI Global SE đã mua vào 15,5 triệu cổ phiếu PVI, nâng tỷ lệ sở hữu từ 36,22% lên 42,91% và duy trì vị thế cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp.
Nhiều mã khác cũng hút ròng vốn ngoại
Trong lĩnh vực vận tải biển, cổ phiếu PVT của CTCP Vận tải dầu khí (PV Trans) cũng được mua ròng 3,85 triệu cổ phiếu trong hơn 1 tháng rưỡi qua.
Năm nay, hoạt động kinh doanh của PVT có nhiều thuận lợi sau khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại từ tháng 11/2018, giúp PVT tăng doanh thu vận tải.
Trong khi doanh thu dịch vụ cho thuê kho nổi tăng nhờ cung cấp dịch vụ cho dự án Sao Vàng Đại Nguyệt. Tuy vậy, trong quý IV/2019, doanh thu của Công ty có thể bị ảnh hưởng khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải tạm dừng vận hành để bảo dưỡng.
Trong nhóm nhiệt điện, cổ phiếu PPC của CTCP Nhiệt điện Phả Lại cũng được mua ròng tốt, góp phần giúp thị giá tăng hơn 10% trong hơn 1 tháng.
Quý III/2019, kết quả kinh doanh của PPC khá tích cực, với doanh thu tăng 36% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế tăng hơn 18,1%.
Tình hình được dự báo sẽ tốt hơn trong quý IV/2019 khi mùa khô trở lại, nhu cầu điện tăng cao giúp tăng doanh thu, cải thiện biên lợi nhuận.
Tuy vậy, nhà đầu tư đại chúng cần lưu ý, cách khối ngoại mua bán tại một số cổ phiếu có sự phân hóa đáng kể.
Trong khi PPC, LCG, ROS liên tục được mua ròng thì một số cổ phiếu khác như VCB, BID việc mua, bán lại thường xuyên, có sự đan xen với khối lượng lớn, tác động mạnh lên cung cầu và thị giá cổ phiếu.
Mở đầu tháng 11, thị trường chứng khoán được khối ngoại mua ròng khá nhiều, tuy nhiên, tính chung trên sàn HOSE từ đầu tháng đến hết phiên 22/11/2019, tổng cộng, khối nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 17,05 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 1.200 tỷ đồng.
Với giá trị bán chiếm 25-30% giao dịch của thị trường, chủ yếu qua khớp lệnh và tập trung vào những cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, VNM, HPG, NVL…, áp lực của khối ngoại góp phần khiến VN-Index có đợt sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay khi mất đi 4,6% số điểm chỉ trong chưa đầy 3 tuần với 10/13 phiên đóng cửa trong sắc đỏ.
Chỉ số nhanh chóng rơi dưới mức 1.000 điểm dù vừa mất rất nhiều thời gian để chinh phục ngưỡng này.
Trong bối cảnh chung như vậy, những cổ phiếu được khối ngoại duy trì xu hướng mua ròng tích cực là nhân tố đáng chú ý. Hoạt động mua ròng tạo động lực hỗ trợ thị giá cổ phiếu và làm giảm tâm lý bi quan trên thị trường.