Những cổ phiếu làm nóng sàn UPCoM

(ĐTCK) Thị trường UPCoM tháng 2/2016 ghi nhận 3 cổ phiếu có mức tăng giá “khủng” trên 100%. Tuy nhiên, không phải diễn biến giá nào cũng phản ánh chính xác tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Những cổ phiếu làm nóng sàn UPCoM

Giá tăng gần 500%

Trước xu hướng hồi phục của thị trường trong tháng 2, khi VN-Index và HNX-Index tăng lần lượt 2,59% và 2,55%, UPCoM-Index cũng tăng 3,1%. Trong đó, các mã IME, CEC, VSP trên UPCoM có mức tăng giá từ hơn 100% đến gần 500%.

Cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất là mã CEC của CTCP Thiết kế Công nghiệp Hóa chất, khi thị giá cổ phiếu này đi từ 5.400 đồng/CP lên mức 31.000 đồng/CP tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 2. Như vậy, giá CEC đã tăng 474% trong tháng. Đáng chú ý, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (4/3), giá cổ phiếu này đã đạt mức 40.000 đồng/CP.

CEC tiền thân là DNNN hạch toán độc lập trực thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam -Vinachem). Hiện tại, vốn điều lệ của CEC là hơn 29,8 tỷ đồng, trong đó Vinachem nắm giữ 52,76%. Hoạt động chính của Công ty là tư vấn lập dự án, khảo sát thiết kế các công trình ngành công nghiệp hóa chất.

Trong 2 năm 2013 và 2014, CEC đạt doanh thu gần bằng nhau là hơn 433 tỷ đồng, lãi sau thuế lần lượt 13,3 và 14,4 tỷ đồng. EPS là 4.810 đồng.

Năm 2015, Công ty chưa công bố báo cáo tài chính. Về hoạt động đầu tư, cuối năm 2015, HĐQT CEC vừa thông qua phương án góp 51% vốn thành lập 2 công ty con có vốn điều lệ 6 tỷ đồng trên cơ sở tái cấu trúc chi nhánh Công ty tại Hải Phòng và Phú Thọ.

Thời gian sắp tới, theo Nghị quyết ĐHCĐ bất thường 2015, Công ty dự định phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Cụ thể, CEC sẽ chào bán hơn 2,98 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thời gian dự kiến thực hiện là từ quý IV/2015 đến quý I/2016. Bên cạnh đó, CEC cũng dự kiến hủy niêm yết trên UPCoM và lên sàn HNX trong năm 2016. 

Doanh nghiệp sắp “bán mình”, cổ phiếu vẫn bất ngờ tăng giá

Chỉ xếp sau CEC, cổ phiếu IME của CTCP Cơ khí và Xây lắp công nghiệp (IMECO) cũng có diễn biến tăng giá gần như “dựng đứng” với mức tăng 414,29% trong tháng 2 (từ 9.100 đồng/CP lên 46.800 đồng/CP). Mặc dù vậy, mức tăng này có phần bất thường và để lại nhiều dấu hỏi khi cả năm 2015, IME gần như không có giao dịch.

IMECO hiện có vốn điều lệ gần 36 tỷ đồng và được biết đến là thành viên hạch toán độc lập của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Cuối năm 2015, HĐQT IMECO đã thống nhất thông qua việc sang nhượng cổ phần IMECO với giá trị giao dịch toàn bộ cổ phần từ 8 triệu USD trở lên. Sau khi có ý kiến trả lời bằng văn bản của Sabeco đồng ý chuyển nhượng, ĐHCĐ chính thức ủy quyền cho HĐQT IMECO đàm phán giá chuyển nhượng với đối tác, hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng cho các cổ đông theo quy định.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty chưa công bố cáo cáo 2015 nên kết quả mới nhất của IME được cập nhật tại Báo cáo tài chính năm 2014, theo đó, IME đạt doanh thu thuần 150,16 tỷ đồng, giảm 13,2% so với năm 2013; lợi nhuận sau thuế đạt 10,3 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ. EPS đạt 2.870 đồng. 

Cổ phiếu vang bóng một thời

Cổ phiếu cuối cùng trong nhóm tăng giá trên 100% là mã VSP của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải. VSP không phải là một cái tên quá xa lạ khi cổ phiếu này từng là “hàng nóng” trên sàn HNX, từng đạt đỉnh giá 300.000 đồng/CP, trước khi bị hủy niêm yết và chuyển sang UPCoM. Trong tháng 2, giá cổ phiếu VSP tăng 112,5% từ 800 đồng lên mức 1.700 đồng/CP.

VSP tiền thân là CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin, chính thức thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 12/2002. Doanh thu chính của VSP đến từ các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu LPG, kinh doanh gas bình thương hiệu Vinashin Gas và kinh doanh dịch vụ vận tải biển

Với ưu thế là DN thuộc tập đoàn nhà nước hàng đầu, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh giai đoạn 2006-2008, VSP từng là cổ phiếu “nóng” năm 2008, khi giao dịch ở mức 300.000 đồng/CP . Tuy nhiên, thời gian sau đó, với xu hướng đi xuống chung của ngành vận tải biển, Công ty bắt đầu gặp khó khăn và lâm vào tình trạng thua lỗ triền miên. Tháng 5/2012, VSP bị hủy niêm yết trên sàn HNX, đến tháng 7, VSP lên UPCoM với giá tham chiếu 2.000 đồng/CP.

Tính đến 31/12/2013, VSP lỗ lũy kế 3.148,8 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.846 tỷ đồng. Những năm gần đây, VSP nỗ lực thoát lỗ bằng cách bán

tài sản. Cụ thể, theo thông tin gần nhất, tại phiên họp ngày 26/11/2015, HĐQT VSP thông qua bàn giao nguyên trạng kho LPG Đình Vũ cho BIDV Chi nhánh Bắc Hà Nội và CTCP Vinafco (VFC- UPCoM) thu hồi tài sản, bán thanh lý theo đúng quy định. Dự án Mê Linh cũng được bàn giao cho VFC tiếp tục quản lý và thu hồi vốn cho các bên theo hợp đồng.

Năm 2015, Công ty không đặt mục tiêu có lợi nhuận trong năm.    

Anh Quốc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục