Những cổ phiếu “hồi sinh từ đống đổ nát”

(ĐTCK) Trong 3 gần đây, 97 cổ phiếu thị giá thấp đã thu hút được dòng tiền trung bình nhiều gấp 10 lần so với trước kia.
Những cổ phiếu “hồi sinh từ đống đổ nát”

Có thể nói, 2013 là một năm tương đối tốt đẹp đối với TTCK, nhiều nhà đầu tư đã gặt hái được thành công sau những năm 2009 - 2010 - 2011 - 2012 đầy khó khăn. Có nhiều chiến lược giúp các nhà đầu tư chiến thắng được thị trường. Trong bài viết này, người viết xin chia sẻ quan điểm cá nhân về một kiểu đầu tư vào những doanh nghiệp hồi sinh từ đống đổ nát.

 

Từ gần 100 “hiện tượng hồi sinh”

Qua theo dõi thị trường trong 3 tháng gần đây, tác giả nhận thấy, các cổ phiếu nhỏ (thị giá thấp) của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong những năm qua đã có bước tiến và hồi sinh mạnh mẽ, tăng trưởng tốt hơn thậm chí là nhiều lần so với thị trường. Vậy lý do từ đâu? Và có phải là tất cả doanh nghiệp khó khăn, cổ phiếu thị giá thấp đều có mức tăng trưởng, phục hồi ấn tượng?

Nghiên cứu của tác giả tập trung vào danh sách hơn 97 cổ phiếu có kết quả kinh doanh kém khi thua lỗ nhiều hơn 4 quý gần nhất. Kết quả cho thấy, giá cổ phiếu nhóm này suy giảm nghiêm trọng, nhiều cổ phiếu giảm hơn 50% so với mức đỉnh trong 52 tuần gần đây như NVC, CMI, CLG, GTT, VNH…

Một hiện tượng khá thú vị xảy ra khi trong 3 tháng gần đây, dòng tiền thị trường đổ vào 97 mã này tăng đột biến, gấp hơn 10 lần so với trước kia, khiến giá cổ phiếu tăng mạnh, nhiều cổ phiếu tăng hơn 100% so với mức đáy như VHG, SCl, TCM, KMR, PXA…

Những cổ phiếu “hồi sinh từ đống đổ nát” ảnh 1

Dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu nhỏ

Việc giảm quá đà chỉ là một trong các lý do mà không phải là lý do chính và chủ đạo. Thông thường, các cổ phiếu suy giảm mạnh thường có quá trình hồi phục mạnh sau đó, tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt và không nên đánh đồng tất cả các cổ phiếu thuộc loại này, bởi có nhiều cổ phiếu tăng hơn 100% (30 cổ phiếu) nhưng cũng có 1 số cổ phiếu tăng chưa tới 30% (10 cổ phiếu) và cá biệt có cổ phiếu chỉ tăng chưa tới 10% so với mức đáy như PTK, QCG, trong khi đó, VN-Index dao động trong biên độ khoảng 6% (từ 485 - 510 điểm).

 

Chọn được cổ phiếu tiềm năng nào?

Trong số 97 cổ phiếu mà tác giả nghiên cứu, một đặc điểm dễ nhận ra là chỉ những cổ phiếu thực sự có chuyển biến trong kinh doanh, khắc phục được nguyên nhân gây ra khó khăn, thua lỗ trong những năm qua mới có cơ hội thu hút được dòng tiền và tăng giá mạnh, ví dụ: VHG, SCL, TCM, KMR, VNH… Còn những cổ phiếu mặc dù thị giá thấp, rất thấp (chỉ 2.000 - 5.000 đồng/CP), nhưng chưa có chuyển biến trong hoạt động kinh doanh, thì cũng không thể là điểm đến của dòng vốn thông minh, như DHM, PTK, QCG…

Dĩ nhiên, cũng có một số cổ phiếu tăng do yếu tố đầu cơ. Đây là những cổ phiếu thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư trong mọi điều kiện của thị trường. Ứng với mỗi giai đoạn của thị trường, các cổ phiếu đầu cơ thường có sự dịch chuyển, nhưng chủ yếu tập trung ở ngành bất động sản như SCR, NTL…, hay ngành tài chính - ngân hàng như CTG, SHB, VND, KLS…

Sự giống nhau và khiến chúng ta đánh đồng hiện tượng tăng giá của nhóm cổ phiếu thuộc đối tượng nghiên cứu và nhóm cổ phiếu đầu cơ chỉ ở khía cạnh cùng có thị giá thấp.

Để chọn ra được cổ phiếu tiềm năng, cần thống nhất một nguyên tắc rằng: hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp quyết định giá trị của cổ phiếu. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này vẫn ở mức thấp hơn 25% so với mặt bằng chung của thị trường. Chính vì vậy, khả năng tăng giá với nhóm cổ phiếu này là cao, nhưng cơ hội không phải là cho tất cả.

Chiến lược là tập trung tìm kiếm những doanh nghiệp có thể hồi sinh từ những khó khăn, với 4 tiêu chí chính: tái cấu trúc và thực hiện định hướng chiến lược mới phù hợp điều kiện kinh tế và doanh nghiệp; còn đủ năng lực sản xuất kinh doanh; năng lực tài chính đủ để xoay chuyển tình thế, phù hợp kế hoạch kinh doanh mới; và đảm bảo các chỉ tiêu thu nhập trên cổ phiếu (EPS) dương, giá trị sổ sách (BV) trên 10.000 đồng/CP.

 

Một số cổ phiếu đáp ứng tốt các tiêu chí này có thể là:

VHG (CTCP Đầu tư và sản xuất Việt - Hàn): Từ một doanh nghiệp lỗ lũy kế 7 quý liên tiếp với hơn 66 tỷ đồng, đã tái cấu trúc thành công, bán các dự án bất động sản bao gồm tòa nhà Develyn Tower tại quận Hải Châu, Đà Nẵng (có đối tác nhận mua với giá 125 tỷ đồng) và dự án khu nghỉ dưỡng Điện Ngọc, Quảng Nam nhằm nâng cao năng lực tài chính; định hướng chiến lược chuyển hướng sang trồng cao su thiên nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng với các hợp đồng đã ký có giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng, năng lực tài chính đủ mạnh (trả cổ tức 3%, chia thưởng 2:1)… Triển vọng doanh thu lên tới ngàn tỷ đồng của VHG là khả thi.

TCM (CTCP Dệt may - Đầu tư -Thương mại Thành Công): Đây là một trong số ít doanh nghiệp ngành dệt may của Việt Nam có khả năng tự chủ toàn bộ quy trình sản xuất từ khâu sợi, dệt, nhuộm và cuối cùng là sản phẩm may mặc. Công ty có khả năng sản xuất 21.000 tấn sợi, dệt 7 triệu mét vải, nhuộm 10 triệu mét vải và may 15 triệu sản phẩm trong một năm. Công ty có hai triển vọng chính. Một là, quy trình sản xuất khép kín, có khả năng tự chủ về nguyên liệu sợi, vải, do đó nếu Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, thuế nhập khẩu mặt hàng của Công ty vào thị trường Mỹ (một thị trường chính yếu) sẽ được đưa về 0% từ mức trung bình hiện tại là 17%. Hai là, Công ty có cổ đông chiến lược là Tập đoàn E-Land, một tập đoàn thời trang lớn của Hàn Quốc, có khả năng hỗ trợ đáng kể cho Công ty về đầu ra của sản phẩm.

KBC (Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP): Công ty đã trở thành một trong những công ty phát triển bất động sản khu công nghiệp có quỹ đất lớn nhất Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Bắc. Với 7 khu công nghiệp trên khắp cả nước với tổng diễn tích hơn 15.000 héc-ta, từ đầu năm 2013, LG Electronics đã ký thỏa thuận hợp đồng thuê lại đất với diện tích hơn 40 héc-ta tại Khu Tràng Duệ. Với mức giá thuê đất hiện nay là 60 USD/m2 cho thời hạn thuê 50 năm, nếu thỏa thuận này được thực hiện thì số tiền mà KBC thu được từ thương vụ này sẽ là 480 tỷ đồng. Trong thời gian tới, nếu KBC phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu để cấn trừ công nợ thì sức khỏe tài chính của Công ty sẽ có cải thiện đáng kể.

Những cổ phiếu “hồi sinh từ đống đổ nát” ảnh 2

>> Nhà đầu cơ “kiếm đủ” với cổ phiếu nóng

>> Đi tìm “cổ phiếu nóng” quý IV!

>> Điểm mặt những cổ phiếu tăng nóng   

Bảo Lâm
Bảo Lâm

Tin cùng chuyên mục