Những cổ phiếu đứng bên lề sóng tăng giá

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Trong khi dòng tiền đổ mạnh vào thị trường giúp VN-Index có 4 tháng tăng điểm liên tiếp và trở lại ngưỡng 1.000 điểm sau hơn 1 năm giao dịch dưới mức này, nhiều cổ phiếu vẫn đang bị lãng quên.

Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

VN-Index đã kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tháng 11/2020 tại 1.003,08 điểm, tăng 77,61 điểm (tương đương 8,38%) so với cuối tháng 10/2020, ghi nhận tháng tăng điểm thứ 4 liên tiếp và mức tăng cao nhất từ tháng 6/2020.

Đà tăng được tiếp nối trong tuần qua với VN-Index tăng thêm 24,47 điểm (+2,4%) lên 1.045,96 điểm.

Đợt tăng này đã giúp chỉ số trở lại 1.000 điểm sau hơn 1 năm và mức điểm chốt phiên cuối tuần qua xác lập đỉnh mới trong năm. Điểm khác biệt trong lần trở lại này là thanh khoản thị trường đã tăng vọt. Chỉ riêng sàn HOSE, giá trị giao dịch 1 phiên thường xuyên vượt mức 10.000 tỷ đồng, tương đương với thanh khoản khi VN-Index thiết lập vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm hồi tháng 3/2018.

Bức tranh giao dịch chung của thị trường tích cực với điểm số và thanh khoản cùng tăng đem lại tỷ suất sinh lợi hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư. Trong khi mặt bằng giá của đa số các cổ phiếu đều tăng thì vẫn có những cổ phiếu bị dòng tiền lãng quên.

EIB: Xung đột quản trị khiến dòng tiền e ngại

Là 1 trong 9 cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm VN30, nhưng trái ngược với đà tăng hai con số của các cổ phiếu như MBB, CTG, HDB, STB…, cổ phiếu EIB (của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) sau đợt tăng giá nhẹ trong tháng 7/2020 đã rơi vào xu hướng đi ngang trong biên độ hẹp.

Mức giá quanh 17.000 đồng/cổ phiếu của EIB hiện nay chỉ tương đương 2 năm trước, tương ứng nhà đầu tư không có lợi nhuận từ biến động giá cổ phiếu. Trong khi đó, lần chia cổ tức gần nhất của Ngân hàng đã từ năm 2014.

Nguyên nhân quan trọng khiến cổ phiếu EIB kém hấp dẫn dòng tiền dù điều kiện thị trường tích cực là sự thiếu đồng thuận giữa các nhóm cổ đông lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng cũng như niềm tin, kỳ vọng của nhà đầu tư.

Cuối tháng 11 vừa qua, Hội đồng quản trị EIB công bố sẽ tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên vào ngày 15/12/2020, trước thời điểm kết thúc niên độ tài chính vẻn vẹn… nửa tháng.

Đây là lần thứ tư Ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông 2020 sau ba lần bất thành. Tuy nhiên, một lần nữa Đại hội lại bị hoãn với lý do... chấp hành chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội.

Trước thời gian dự kiến diễn ra Đại hội cổ đông thường niên lần 3 này, chiều ngày 7/12, Eximbank nhận được công văn của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) yêu cầu HĐQT bổ sung nội dung vào ĐHCĐ thường niên lần 3 việc thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên, nhằm giảm số lượng thành viên HĐQT từ 9 người hiện nay xuống còn từ 5-7 người.

Lần gần nhất (trong tháng 8) bị trì hoãn do phòng chống dịch Covid-19, còn hai lần trước bất thành do không đủ số lượng cổ phần tham dự so với quy định.

Sự vắng mặt của một bộ phận cổ đông cũng là nguyên nhân khiến nhiều kỳ đại hội cổ đông thường niên và bất thường trước đó của Eximbank không tổ chức được.

Sự thiếu đồng thuận giữa các nhóm cổ đông đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của Ngân hàng, với kế hoạch kinh doanh năm không được thông qua, không đưa ra được chiến lược kinh doanh mới.

Mạng lưới chi nhánh của Ngân hàng không thay đổi trong nhiều năm - một tín hiệu cho thấy việc chậm mở rộng so với các ngân hàng khác.

Eximbank nhiều năm liền không chia cổ tức, không tăng vốn. Lần tăng vốn gần nhất của Ngân hàng diễn ra từ năm 2011 dù sau nhiều năm lãi tốt, Ngân hàng không chỉ xóa hết được khoản lỗ lũy kế phát sinh năm 2014 do hạch toán hồi tố điều chỉnh lợi nhuận giai đoạn 2010-2013, mà còn tích lũy được khoản lợi nhuận chưa phân phối đến 30/9/2020 đạt 2.356 tỷ đồng, bằng 18,9% vốn điều lệ.

ROS: Hẹp cửa thoát lỗ

Cổ phiếu ROS (của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros) cũng nằm trong số ít cổ phiếu thuộc VN30 rơi vào xu hướng giảm giá và đi ngang từ đầu năm đến nay.

Ba quý đầu năm, ROS báo cáo lợi nhuận sau thuế âm 149 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số lãi 77 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do Công ty lỗ đến 150 tỷ đồng trong quý II/2020 - quý thua lỗ đầu tiên từ khi lên sàn.

Theo giải trình của Công ty, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Đến quý III/2020, dù dịch bệnh đã dần ổn định nhưng Công ty chưa thể khôi phục các hoạt động trở lại bình thường. Sản lượng sản xuất, doanh thu giảm trong khi vẫn phải chịu gánh nặng chi phí dẫn đến lợi nhuận kém khả quan.

Việc thua lỗ trên báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm còn khiến cổ phiếu ROS bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM loại khỏi danh sách được phép cho vay ký quỹ (margin), tương ứng ảnh hưởng đến dòng tiền của nhà đầu tư.

Với tình hình kinh doanh hiện nay, cơ hội lãi đột biến trong quý cuối của năm 2020 để xóa lỗ lũy kế trong năm của ROS là rất khó khăn.

PLX: Lãi giảm mạnh

Với đặc thù hoạt động kinh doanh xăng dầu, PLX nằm trong nhóm các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng kép từ dịch Covid-19. Thứ nhất, việc hạn chế đi lại, đóng cửa ngành hàng với thị trường quốc tế để phòng dịch đã ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ xăng dầu.

Thứ hai, Tập đoàn phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho khi giá xăng dầu giảm mạnh. Tác động kép này khiến lợi nhuận trước thuế của PLX trong quý I/2020 lỗ hơn 1.702 tỷ đồng và cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán loại khỏi danh sách được phép cho vay ký quỹ bởi lợi nhuận trên báo cáo soát xét 6 tháng là số âm.

Tuy vậy, trong 2 quý liền tiếp đó, kết quả kinh doanh của PLX đã khởi sắc trở lại. Sau khi báo lãi hơn 790 tỷ đồng trong quý II với đóng góp lớn từ việc hoàn nhập dự phòng giảm giá tồn kho nhờ giá dầu tăng và sản lượng xăng dầu tiêu thụ hồi phục thì bức tranh kinh doanh quý III tiếp tục sáng hơn với lợi nhuận đạt 1.114 tỷ đồng, qua đó hoàn tất xóa lỗ cho quý I và thặng dư lãi trước thuế 193 tỷ đồng sau 9 tháng.

Dù không còn lỗ nhưng lợi nhuận 9 tháng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây phần nào ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của cổ phiếu PLX.

Chưa kể, nhìn về tương lai, triển vọng phục hồi kết quả kinh doanh của PLX cũng như các doanh nghiệp xăng dầu khác vẫn đang tiếp tục chịu áp lực từ diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19.

BID: Động lực tăng vốn khó đến trong năm 2020

Thời gian qua, thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã nhận được “cú huých” từ câu chuyện chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ.

Tuy vậy, tại Ngân hàng BIDV (mã BID), đến nay vẫn chưa có thông tin nào về việc tăng vốn được ghi nhận, bất chấp việc tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi đầu năm, Ngân hàng đã thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%.

Bên cạnh đó là kế hoạch tăng vốn thêm 8,5% thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, hoặc chào bán riêng lẻ mà nếu hoàn tất sẽ giúp vốn điều lệ của BIDV tăng thêm 15,5% so với cuối 2019.

Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, nhóm ngân hàng được thêm vào danh sách các lĩnh vực cho phép đầu tư bổ sung vốn Nhà nước, áp dụng với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho những ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước sở hữu chi phối như BID, CTG, VCB tăng vốn.

Tính đến 30/9/2020, báo cáo tài chính của BIDV cho biết, Ngân hàng đang có 16.305 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối và 14.292 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, lần lượt tương đương 40,5% và 35,5% vốn điều lệ.

Trong khi phần thặng dư vốn chủ yếu đến từ đợt phát hành riêng lẻ 15% vốn cho cổ đông chiến lược KEB Hana Bank trong năm 2019 thì phần lợi nhuận chưa phân phối của BIDV chủ yếu là phần tích lũy cũng trong năm này.

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm nay, BIDV đã ghi nhận thêm 5.667 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương cùng kỳ năm trước. Như vậy, dư địa tăng vốn từ chia cổ phiếu của BIDV cho năm 2021 sẽ còn khá lớn.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục