Những cổ đông chiến lược và làn sóng đầu tư châu Á

(ĐTCK) Tổng giá trị M&A năm 2012 của NĐT Nhật Bản đạt 1,15 tỷ USD, với 14 thương vụ.
Những cổ đông chiến lược và làn sóng đầu tư châu Á

Những cổ đông chiến lược và làn sóng đầu tư châu Á  ảnh 1Thương vụ BTMU mua 20% cổ phần của Vietinbank đã xác lập kỷ lục trên thị trường M&A Việt Nam

 

Năm 2007, thị trường tài chính đã chứng kiến thương vụ Tập đoàn tài chính Sumitomo Financial Group đã mua vào 15% cổ phần của Eximbank, với giá 225 triệu USD để trở thành cổ đông chiến lược tại ngân hàng này. Tuy nhiên, thương vụ Tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản) mua 15% cổ phần của Vietcombank vào tháng 9/2011 được ví như “phát đại bác” trên thị trường mua bán và sáp nhập DN (M&A) với quy mô khoản đầu tư trị giá 567,3 triệu USD (tương đương khoảng 11.800 tỷ đồng). Đầu tháng 1/2012, 11.800 tỷ đồng tiền mua cổ phần đã được Mizuho chuyển về tài khoản của Vietcombank và tập đoàn tài chính hàng đầu tại Nhật Bản (với tổng tài sản khoảng 2.000 tỷ USD tại thời điểm 30/6/2011), đã chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên và duy nhất của Ngân hàng.

Năm 2012, thị trường M&A lại tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới. Sau cú “trở cờ” của Ngân hàng Nova Scotia (Canada), cuối tháng 12/2012, Vietinbank đã chính thức ký kết các hợp đồng chi tiết của giao dịch bán 20% cổ phần, trị giá 15.465 nghìn tỷ đồng (tương đương 743 triệu USD), với giá bán là 24.000 đồng/cổ phần, cho NĐT chiến lược là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU).

Các tổ chức tài chính lớn đang trở thành đích nhắm đầu tư của nhiều định chế lớn trên thế giới. Trước khi thương vụ Vietinbank bán cổ phần cho BTMU hơn 1 tháng, tân Chủ tịch HĐQT Sacombank Phạm Hữu Phú cũng công bố, Ngân hàng đang cân nhắc xem xét bán 15% cổ phần chiến lược cho một đối tác ngoại, có thể đến từ Nhật Bản trong vòng 4 tháng tới, tức đầu năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa đón nhận thêm thông tin gì về thương vụ này.

Báo cáo toàn cảnh M&A Việt Nam năm 2012 và đầu 2013 của Công ty Dữ liệu và Phân tích StoxPlus vừa được công bố cho thấy, các tập đoàn tới từ Nhật Bản vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong việc đầu tư cổ phần vào các DN Việt Nam. Tổng giá trị M&A năm 2012 của NĐT Nhật Bản đạt 1,15 tỷ USD, với 14 thương vụ (năm 2011 đạt 941 triệu USD, với 21 thương vụ). Trong đó, giá trị chủ yếu đến từ thương vụ BTMU đầu tư 743 triệu USD vào Vietinbank và Sumitomo Life Insurance đầu tư 340 triệu USD mua lại cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt từ HSBC.

Theo công bố của cơ quan Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (DSI) về kết quả “Điều tra về tình hình hoạt động của DN Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương”, năm 2011 và 2012 là hai năm liên tiếp ghi kỷ lục mới, cao nhất về đầu tư của các DN Nhật Bản vào Việt Nam. Cụ thể, năm 2012, đầu tư của Nhật Bản chiếm 1/4 tổng số dự án đầu tư mới, tương đương với khoảng 50% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam. Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/4/2013, Nhật Bản vẫn là nước dẫn đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với gần 2.000 dự án, tổng vốn hơn 32 tỷ USD. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là nước tài trợ vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam với tổng vốn cam kết lên tới 21 tỷ USD.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: “Với việc nắm giữ cổ phần chiến lược tại những ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam, các nhà cho vay lớn nhất Nhật Bản hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn đang gia tăng mạnh từ các công ty Nhật đang hoạt động tại Việt Nam”.

Nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, thị trường tài chính Nhật Bản đang ngày một thu hẹp do kinh tế trì trệ, khiến tiền gửi của người dân không cho vay ra được. Do vậy, các “đại gia” tài chính Nhật Bản đang coi việc vươn ra các quốc gia đang có tốc độ phát triển nhanh ở châu Á như Việt Nam là một bước đi chiến lược, giúp họ có được khách hàng lớn ở trong nước đang đầu tư tại đây. Điều này cũng được ông Nobuyuki Hirano, Chủ tịch của BTMU xác nhận trong lễ ký kết với Vietinbank: “Thông qua hợp tác chiến lược với Vietinbank, BTMU mong muốn phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh của Ngân hàng tại châu Á, tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, một thị trường dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao”.

Làn sóng đầu tư vào thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên. Sự xuất hiện của các đối tác ngoại với tiềm lực tài chính mạnh cũng như năng lực quản trị tốt sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy các ngân hàng nội và cùng với đó là hệ thống ngân hàng phát triển.

“Các ngân hàng Việt Nam nên tích cực hơn nữa trong việc mời gọi đầu tư từ các ngân hàng nước ngoài trong khu vực châu Á, vì sự gần gũi về văn hóa. Làn sóng đầu tư từ châu Á chắc chắn còn mạnh mẽ trong thời gian tới, vì giá cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn”, TS. Nghĩa nói.

Nhuệ Mẫn
Nhuệ Mẫn

Tin cùng chuyên mục