Những chiêu trò lừa đảo khi giao dịch online

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xuất phát từ ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều đối tượng đã thực hiện các chiêu trò tinh vi như giả mạo hóa đơn chuyển khoản hoặc vờ chốt đơn để chiếm đoạt tiền hàng..
Ảnh Internet Ảnh Internet

Lập hóa đơn chuyển tiền giả

Mới đây, TAND huyện Yên Thành (Nghệ An) đã xử phạt bị cáo Phạm Văn Hảo (SN 1997, ở Nghệ An) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo bản án sơ thẩm, khoảng đầu năm 2021, Hảo lập tài khoản Facebook mang tên “Ngọc Hương Cherry” và kết bạn với anh Cao Đức Tr. Hảo biết anh Tr. là chủ cửa hàng điện thoại di động. Chiều 35/2021, Hảo nhắn tin cho anh Hảo hỏi mua chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11, màu tím, máy đã qua sử dụng với giá 14 triệu đồng.

Sau khi thỏa thuận, anh Tr. đồng ý bán máy với giá 13,9 triệu đồng; yêu cầu Hảo chuyển tiền trước thì sẽ giao hàng tận nơi. Anh Tr. cung cấp số tài khoản Vietcombank nhờ của người bạn sử dụng.

Với mục đích lừa đảo chiếm đoạt chiếc điện thoại, Hảo đã lên mạng tải hình ảnh hóa đơn chuyển tiền, rồi sử dụng ứng dụng “picsArt” để chỉnh sửa nội dụng với số tài khoản anh Tr. cung cấp và nội dung là “gửi tiền điện thoại” số tiền 13,9 triệu đồng. Hải gửi cho anh Tr. hình ảnh trên và báo đã chuyển khoản thành công.

Do tin tưởng nên anh Tr. không nghi ngờ và giao hàng cho Hảo. Nhận hàng xong, Hảo về nhà, xóa tài khoản facebook Ngọc Hương Cherry và chặn số điện thoại của anh Tr.

Khoảng 4 ngày sau, anh Tr. kiểm tra thì phát hiện tiền chưa chuyển vào tài khoản ngân hàng. Sau đó, anh Tr. trình báo sự việc với cơ quan công an.

Vờ chốt đơn để chiếm đoạt tiền

Trước đó, vào ngày 28/9, cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố bị can Nguyễn Thị Linh (SN 1998, ở Bắc Giang) để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn trình báo của anh Hoàng Văn H. (ở Hà Nội, là chủ shop kinh doanh mỹ phẩm) thì vợ chồng anh thuê Linh làm nhân viên bán hàng online. Anh H. tạo nhóm zalo “Kho sỉ mỹ phẩm”. Linh có nhiệm vụ đăng sản phẩm. Sau khi chốt đơn hàng, chốt giá với khách, Linh báo với vợ chồng anh H. để yêu cầu khách đặt cọc hoặc thanh toán tiền hàng.

Đầu tháng 9/2021, chị Hoàng Thị P., trú tại Bắc Ninh mua mỹ phẩm của cửa hàng qua Linh, nhưng xin thanh toán chậm số tiền gần 140 triệu đồng. Tuy nhiên, do thường xuyên giao dịch với chị P. nên Linh đã nhắn tin đề nghị chị P. chuyển trả tiền hàng vào 2 tài khoản cá nhân của mình. Không chút nghi ngờ, trong 3 ngày 11/9, 17/9, và 19/9, chị P. đã chuyển đủ số tiền hàng trị giá 140 triệu đồng nói trên cho Linh.

Ngoài vụ việc trên, cũng qua giao dịch mua mỹ phẩm với Linh nhiều lần, ngày 22/9, vợ chồng anh Trịnh Quang A. nhắn tin đặt mua mỹ phẩm. Linh đã viết phiếu đơn báo giá và yêu cầu khách chuyển tiền cọc vào tài khoản của Linh, hứa khi nhận tiền sẽ chuyển hàng. Linh giả vờ chốt đơn hàng nhưng thực tế không báo cho chủ shop.

Vì vậy, mặc dù Linh đã nhận tiền chuyển khoản 100 triệu đồng nhưng không có hàng trả cho khách.

HLinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục