Cách 1: Bán công ty con
Đối với nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, việc bán vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết là cách thường được sử dụng nhằm có dòng tiền trước mắt phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, năm 2017, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã bán cổ phần tại Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phú và Công ty trách nhiệm hữu hạn Sparkle Value Home thu về khoản lãi 425,5 tỷ đồng. Nhờ vậy, QCG ghi nhận mức lợi nhuận ròng lên tới 405 tỷ đồng, cao gấp 9 lần năm trước, đồng thời là mức lợi nhuận cao nhất trong 10 năm.
Trong quý I/2018 vừa qua, Công ty cổ phần Gemadept (GMD) cũng có lợi nhuận sau thuế lên tới 1.278 tỷ đồng, gấp 11 lần cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu thuần giảm 19%. Nguyên do là GMD nhận về khoản lợi nhuận 1.355 tỷ đồng từ chuyển nhượng toàn bộ 50,9% vốn góp tại Công ty trách nhiệm hữu hạn CJ Gemadept Logistics Holdings.
Hay mới đây, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) cũng gây sự chú ý với việc mạnh tay bán công ty con. Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vừa qua, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT HVG cho biết, doanh nghiệp này sẽ lui về hoạt động chính trong mảng nuôi trồng và chế biến cá tra, các mảng còn lại sẽ bán hoặc chuyển giao cho đối tác.
Theo đó, ngoài việc bán các lô bất động sản, HVG đã tiến hành thoái 47% vốn tại Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) với giá gấp đôi giá vốn, ước tính thu về 275 tỷ đồng. Tháng 5 vừa qua, HVG tiếp tục bán toàn bộ 18,16% vốn góp tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre (FBT). Trước đó, Hùng Vương cũng đã thu về 487 tỷ đồng nhờ bán 54,28% vốn tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta.
Ở mảng kho lạnh, xác định tiếp tục xây dựng các kho mới và bán đi kho cũ, HVG dự kiến thu về thêm 250 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty có kế hoạch bán bớt 300 ha vùng nuôi trồng, trong tổng khoảng hơn 1.200 ha hiện tại, dự kiến thu về 600 tỷ đồng. Tổng các khoản trên, Hùng Vương sẽ thu về khoảng 1.000 tỷ đồng.
Với kế hoạch bán tài sản “khủng”, HVG từng định lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018 lên tới 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông, kế hoạch trình lên đã có sự thay đổi với mức lợi nhuận 100 tỷ đồng. Việc bán đi không ít tài sản, công ty con cũng bởi hiện tại đang là giai đoạn khó khăn của Hùng Vương, khi giá xuất khẩu cá tra tăng, sức ép từ lãi vay lớn và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang.
Bán tài sản thu về lợi nhuận là chuyện thường gặp, nhưng bán với giá “bèo” mà vẫn thu lợi khủng như Công ty cổ phần Công nghiệp - Dịch vụ - Thương Mại Ngọc Nghĩa (Nhựa Ngọc Nghĩa - NNG) lại là chuyện hiếm. Cụ thể, trong quý I/2018, NNG đã thực hiện chuyển nhượng công ty con là Công ty cổ phần Thực phẩm Hồng Phú. Toàn bộ 8,1 triệu cổ phần tại Hồng Phú được chuyển nhượng cho một cá nhân với tổng giá trị chỉ là… 810 triệu đồng, tương ứng 100 đồng/cổ phần.
Vậy nhưng NNG ghi nhận doanh thu tài chính lên tới 702,7 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế quý này tăng vọt lên tới 743 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017, NNG còn phải ghi lỗ tới 33,4 tỷ đồng.
Sau khi bán Hồng Phú, phần nợ mà Hồng Phú vay NNG và các công ty thành viên trở thành khoản phải thu và chính là lý do NNG ghi nhận lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, NNG chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu này. Báo cáo tài chính quý I cũng là kỳ tài chính không cần thông qua kiểm toán.
Cách 2: Mua và đánh giá lại khoản đầu tư
Theo dõi diễn biến hoạt động mua bán tài sản của các doanh nghiệp trên thị trường thời gian qua, giới đầu tư không khỏi đặt câu hỏi với việc tại một số công ty, nhận chuyện nhượng cổ phần cũng mang về lợi nhuận lớn.
Điển hình là việc quý I/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM) bỗng nhiên lọt vào top những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất toàn thị trường. Trong khi doanh thu thuần của ASM đạt 644,9 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, thì lợi nhuận sau thuế vọt lên 493,9 tỷ đồng, gấp 31 lần lợi nhuận quý I/2017. Tăng trưởng đột biến là vậy, song đến nay, Sao Mai vẫn chưa có bản giải trình kết quả kinh doanh quý I.
Nhìn vào dòng tiền của ASM có thể thấy, khoản lãi đột biến này chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tài chính và lợi nhuận khác. Cụ thể, trong quý I, việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con – Công ty IDI – đã mang lại khoản lãi hơn 257 tỷ đồng cho ASM. Cùng với đó, Công ty còn phát sinh thêm khoản lãi từ giao dịch mua rẻ với giá trị 58,9 tỷ đồng.
Cả hai khoản lãi này đều xuất phát từ giao dịch mua thêm cổ phần IDI khi ASM tiến hành nâng tỷ lệ sở hữu tại IDI từ 39,29% lên 51,14%.
Theo quy định, nếu có sự thay đổi về bản chất quyền kiểm soát tại doanh nghiệp thì được phép đánh giá lại giá trị đầu tư. Do vậy, vào ngày 29/3/2018, ASM công bố đã hoàn tất giao dịch thỏa thuận để nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,86%, đồng thời đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư trước đó vào IDI, thu về 257 tỷ đồng. Việc mua 12% thông qua phương thức thỏa thuận được ASM đánh giá là “mua rẻ”, tức lợi thế thương mại âm, được ghi ngay vào doanh thu trong kỳ.
Đây cũng là phương thức được một số doanh nghiệp lớn sử dụng như Novaland, KIDO, CII, IBC…
Để xác định giá trị hợp lý của tài sản, cách thường thấy nhất là xác định theo giá thị trường đối với những doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giá cổ phiếu công ty được chuyển nhượng tại thời điểm M&A được đẩy cao lên nhằm đánh giá lại giá trị đầu tư mang về khoản lãi. Đáng chú ý, một số công ty không thực hiện giải trình hoặc giải trình “cho có” đối với những khoản lợi nhuận bất thường, dẫn đến việc nhà đầu tư không có nhận thức đầy đủ về sức khỏe của doanh nghiệp.
Theo góc nhìn của nhiều chuyên gia tài chính, có nhiều rủi ro có thể xảy ra với những khoản lợi nhuận đột biến khi hành lang pháp lý chưa đầy đủ, sự giám sát từ thị trường, từ cơ quan quản lý, từ nhận thức của nhà đầu tư còn yếu. Do đó, cần có sự giám sát trước hết từ cơ chế giải trình, các doanh nghiệp cần công bố công khai các thương vụ M&A, giao dịch bất thường để tăng cường tính minh bạch cho thị trường và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.