Những chiến binh quả cảm trong cuộc chiến với Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc chiến với Covid-19 là cuộc chiến vô cùng cam go, khốc liệt với các chiến sĩ áo trắng. Vượt lên nỗi sợ, họ đã chiến đấu với tinh thần của những chiến binh quả cảm.
Những chiến binh quả cảm trong cuộc chiến với Covid-19

Nếu còn một ngày để sống

Cùng hàng ngàn nhân viên y tế khác, bác sỹ Dương Minh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Minh Hóa (Quảng Bình) đã “Nam tiến” chống dịch. Khi những cảnh tượng kinh khủng hơn tất cả mọi thước phim về thảm họa đang diễn ra trước mắt, người bác sỹ trẻ ấy đã nghĩ rằng mình nên viết một bản di chúc. Cùng lúc ấy, câu hỏi hiện lên trong đầu anh là tiêu đề một bài hát “Nếu chỉ còn một ngày để sống”.

Sau những bộn bề, căng thẳng của một nhân viên y tế nơi tuyến đấu khi phải đấu tranh, giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19, “nếu chỉ còn một ngày để sống” bản thân sẽ làm gì, sẽ thực hiện mơ ước, đi đến nơi cần đến, làm những việc còn dở dang hay giúp đỡ thật nhiều người khó khăn, cứu sống thật nhiều người bệnh? Câu hỏi ấy thoáng qua trong ý nghĩ của Tuấn, để rồi sau đó anh thêm mạnh mẽ bước vào cuộc chiến như những bông hoa hướng dương, luôn hướng tới mặt trời, khi mà nhiều bệnh nhân đang chờ anh, họ cần anh, người dân thành phố này đang đặt niềm tin vào những chiến sĩ áo trắng.

Bác sỹ Tuấn nhớ lại, Bệnh viện quận 10, TP.HCM nơi anh làm việc, xe cấp cứu vào ra liên tục, số lượng bệnh nhân đông đến nghẹt thở. Nhiều lúc ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ mới nhận ra lại đã hết một ngày. Có thời điểm nhiều bệnh nhân cùng rơi vào tình trạng cấp cứu, nhân lực không đủ, mọi người chỉ có thể cố sức làm việc gấp ba lần.

Còn với bác sỹ Hoàng Thị Phú Bằng, Phó trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai, 77 ngày trong tâm dịch mà chị đã trải qua tại TP.HCM là 77 ngày căng thẳng đến nghẹt thở. Theo lời nữ bác sỹ, ngày 11/8, chị đặt chân đến TP.HCM khi dịch tại đây đang trong giai đoạn căng thẳng. Bắt tay ngay vào công việc, chị đã gọi điện cho thân nhân người bệnh, không chỉ làm nhiệm vụ thông báo tình trạng của bệnh nhân, mà còn động viên, an ủi họ. Tất cả những bệnh nhân điều trị Covid-19 đều không có người nhà, nên chị đã cố gắng làm mọi điều có thể. Ngoài ra, chị và đồng nghiệp đã kết nối những chuyến xe 0 đồng để đưa bệnh nhân khỏi bệnh trở về nhà và rất nhiều việc không thể kể hết.

Theo lời nữ bác sỹ, khoảng 5 tuần đầu, từ khi bước lên xe đi làm tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, đến khi trở về gần như không có tiếng cười, không nói chuyện với nhau. Bác sỹ trực điều hành khi ấy phải nghe hàng trăm cuộc điện thoại không ngơi nghỉ, không có thời gian để ăn. Chị và đồng nghiệp vô cùng stress và áp lực. Thời điểm đó, buổi giao ban nào cũng thông báo số ca tử vong là 2 con số. Thậm chí ngày cao điểm có đến 30 bệnh nhân bị cướp đi mạng sống. Chưa bao giờ, chị thấy cuộc sống mong manh như thế. Và rồi sự hồi phục của những bệnh nhân chính là liều thuốc tinh thần lớn nhất khích lệ các bác sỹ tiếp tục nỗ lực từng giây từng phút để chiến đấu giành sự sống cho người bệnh.

Quyết tâm “ra trận”

Nói về những ngày tháng làm việc với 200% sức lực, bác sỹ Lê Minh Khôi, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - người vừa xuất bản cuốn sách nói về những vất vả, hy sinh của đội ngũ y, bác sỹ có nhan đề “Phía Tây thành phố” tâm sự, khi TP.HCM có những ca bệnh đầu tiên, anh tham gia vào nhóm tư vấn cho F0 qua điện thoại của bác sỹ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Nhưng khi khủng hoảng lên tới đỉnh điểm, trực đường dây nóng, bác sỹ Khôi cùng các đồng nghiệp cũng khóc nấc vì bất lực, không biết điều phối bệnh nhân vào cơ sở nào khi mọi thứ đều quá tải, Thành phố khi ấy thực sự là “chảo lửa”.

Trong đại dịch, tinh thần tận hiến, sự hy sinh cái tôi vì cái chung của y - bác sỹ tuyến đầu chống dịch khiến chúng ta thấu hiểu thêm giá trị thiêng liêng của sinh mệnh và những điều tử tế giữa đời thường.

Quyết tâm phải “ra trận”, bác sỹ Khôi tiếp nhận Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện Quốc tế City ở phía Tây thành phố. 90% nhân viên y tế của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và tình nguyện viên tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 đều chưa có kinh nghiệm chống dịch, chưa từng biết tới một phần nhỏ công việc hồi sức tích cực, thậm chí còn chưa biết phân biệt máy siêu âm và máy thở HFNC. Gánh trên vai trách nhiệm Trưởng đoàn dẫn đội quân đi chiến đấu, bác sỹ Khôi đã triển khai giảng đường đặc biệt trong trung tâm dã chiến.

Bác sỹ Khôi kể lại, những bài giảng được anh và các bác sỹ dạy trong ca nghỉ, tranh thủ nói bất kỳ lúc nào giữa giờ giao ca, ăn trưa, ăn tối. Mô hình bệnh nhân, hệ thống máy được sắp đặt để các nhân viên làm quen, phân biệt và sử dụng thành thạo những kỹ thuật đơn giản, gắn máy thở vào phổi giả trên mô hình, học điều chỉnh từng thông số trên cá thể từng bệnh nhân.

Giữa núi công việc bộn bề, vừa điều trị F0, vừa bổ túc kiến thức cho học trò, những ngày cao điểm tháng 8, tháng 9, anh không ngủ một giấc nào quá 30 phút. Không chỉ là các trao đổi chuyên môn mà còn hàng ngàn việc liên quan đến tổ chức, vận hành cả một trung tâm điều trị F0.

Là bác sỹ hồi sức cấp cứu có kinh nghiệm, đối diện với nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, nhưng bác sỹ Phạm Văn Phúc, Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng không thể tưởng tượng được sự khắc nghiệt đợt dịch này. Trong cuộc chiến khốc liệt chống lại dịch bệnh, anh và nhiều đồng nghiệp đã bị ám ảnh, sang chấn tâm lý khi chứng kiến số lượng bệnh nhân nhập viện và tử vong nhiều. Thậm chí, ngay cả lúc ngủ anh cũng nghe thấy tiếng tít tít của máy thở văng vẳng bên tai.

“Mỗi ngày chúng tôi góp nhặt niềm vui bằng việc cứu được thêm một sinh mệnh đang chấp chới như ngon đèn trước gió”, bác sỹ Phúc tâm sự.

Những nỗi niềm nặng trĩu, những hy sinh thầm lặng ấy chỉ người trong cuộc mới hiểu.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục