Những cây cầu mở ra cơ hội phát triển Thành phố Hoa phượng đỏ

0:00 / 0:00
0:00
Hải Phòng sở hữu nhiều dòng sông, hình thành lên một thành phố đặc thù, kết tụ các tiểu vùng thành chuỗi phát triển năng động, mà vai trò của những cây cầu có ý nghĩa hết sức đặc biệt.
Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Ảnh: Hồng Phong Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Ảnh: Hồng Phong

Hiệu quả đóng góp của Những cây cầu

Vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/1985), thành phố này đã có những đột phá trước thềm công cuộc đổi mới của đất nước. Nhà thơ Tố Hữu (lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã tặng Hải Phòng mấy câu thơ: “Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô/ Đào kênh lấn biển dựng cơ đồ/ Làm ăn, hai chữ, à ra thế/ Chèo chống nghìn tay một tiếng hô/ Nhộn nhịp Sáu Kho, vui Bến Cảng/ Khang trang Tam Bạc, rạng Thành Tô/ Giá còn nữ tướng Lê Chân nhỉ/ Ắt cũng khen con cháu Bác Hồ”.

Tại thời điểm ấy, Hải Phòng đã chọn đột phá về hạ tầng để đi trước. “Bốn cống” đó chính là hướng mở của những công trình quy mô lớn, có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống thủy lợi, thủy nông và cải tạo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của thành phố. Hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cao cho “khoán 10” trong nông nghiệp, nông thôn. Điển hình trong đó là hệ thống cống Trung Trang (An Lão), Cổ Tiểu (Kiến Thụy), Cái Tắt (An Dương)...

Cho đến tận bây giờ, hệ thống “cống” kể trên vẫn hoạt động tốt, đồng thời được kết nối với các tuyến đường để khai thác thêm chức năng giao thông như những cây cầu. Còn “3 cầu” gồm cầu An Dương, cầu Niệm, cầu Rào được xây dựng lúc đó cũng được coi là biểu tượng của tinh thần tự lực, do ngân sách địa phương và những kỹ sư, thợ xây dựng thuần Việt tự thiết kế, xây dựng.

Cần phải nhắc lại rằng, với tư duy nhận thức của nền kinh tế tập trung, đột phá của Hải Phòng thời kỳ ấy cũng có không ít ý kiến trái chiều. Nhưng lịch sử đã chứng minh hiệu quả đóng góp của những cây cầu đối với công cuộc phát triển, nhất là kinh tế - xã hội.

Tiếc rằng, trong một thời gian khá dài sau đó, Hải Phòng không có thêm nhiều cầu, đó có thể coi là một nhịp lỡ đối với thành phố có gần chục cửa biển và sông ngòi đan xen. Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW năm 2003, Hải Phòng đã trở mình tăng trưởng, có thể nói, vai trò của những cây cầu đã trở thành động lực đặc biệt.

Theo số liệu thống kê, trong hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, Hải Phòng có hơn 20 cây cầu được xây dựng mới. Mỗi cây cầu bên cạnh chức năng giao thông, còn mang những ý nghĩa riêng. Nếu như những cầu vượt cạn trên hệ thống Quốc lộ 5 hay đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mang nét đặc trưng của sự linh hoạt, nhằm tạo ra giao thông hiệu quả, thì những cây cầu như cầu Rế, cầu Tam Bạc, cầu Tiên Cựu, cầu Quý Cao, cầu Khuể, cầu Kiền... không những có đầy đủ tính năng trên, mà còn tạo sự kết nối các tiểu vùng của Thành phố, đồng thời mở ra không gian rộng lớn tới các địa phương lân cận, tạo vị thế trung tâm cho Hải Phòng.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, hàng loạt cây cầu được xây mới, mỗi giai đoạn lại mang những ý nghĩa chiến lược khác nhau. Chẳng hạn vào nhiệm kỳ 2010-2015, các tuyến cầu mới như Cầu Rào 2, cầu Bính, cầu Niệm 2... đã góp phần chủ lực mở mang đô thị Hải Phòng.

Từ đó, các vùng đất ven đô có cơ hội trỗi dậy, kéo gần khoảng cách giữa những khu vực đô thị mới và cũ. Những tuyến kết nối với các cây cầu này được xem như “xương sống” để tạo thêm cho Hải Phòng một loạt quận mới như Kiến An, Hải An, Dương Kinh và Đồ Sơn.

Với quan điểm “sống với biển, làm giàu từ biển”, tuyến cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện được đưa vào sử dụng, thực sự là huyết mạch của một thân thể cường tráng mang tên Hải Phòng, khi nâng tầm phát triển hướng về phía biển, xứng danh là cửa ngõ và trung tâm dịch vụ logistics lớn nhất miền Bắc. Đây là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á. Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện cũng mang biểu tượng đặc trưng của cầu vượt biển, khác với những cầu khác trong lục địa, vì phải thi công đạt độ tĩnh không rất cao, đủ cho những con tàu biển hàng vạn tấn qua lại vào làm hàng trong các cảng.

“Không chỉ những công trình kết nối trực tiếp giữa Hải Phòng và các tỉnh bạn, các công trình được triển khai tại Hải Phòng cũng mang tính kết nối vùng. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh mục tiêu kết nối phát triển kinh tế, những cây cầu mới của Hải Phòng mang sứ mệnh vô cùng thiết thực phục vụ an sinh xã hội. Nổi bật trong đó có thể kể là cầu Hàn, cầu Đăng, cầu Hóa và tuyến đường Lạng Am - Nhân Mục được thay thế những tuyến cầu phao cổ lỗ, thỏa mãn khát vọng ngàn đời không chỉ cư dân vùng bản địa, mà còn mang ý nghĩa kết nối giữa Hải Phòng với tỉnh Thái Bình. Đặc biệt, trong năm 2019, cầu Hoàng Văn Thụ được khánh thành, đã tạo cuộc cách mạng cho Hải Phòng, khi quyết định xây dựng vùng đô thị mới Bắc Sông Cấm văn minh, hiện đại”, ông Lê Văn Thành, Phó thủ tướng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định.

Có thể thấy, 5 năm qua, Hải Phòng đã có những dấu ấn nổi bật với sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ trong kinh tế - xã hội, mà đột phá là việc đầu tư gần 44.000 tỷ đồng vào hạ tầng giao thông với 46 cây cầu và hàng trăm km đường được xây mới. Hàng loạt công trình ngàn tỷ đồng hiện diện, trở thành biểu tượng mới cho sự phát triển của thành phố.

Những cây cầu nối tới tương lai

Thực hiện Nghị quyết số 45/2019-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP. Hải Phòng đang nỗ lực triển khai xây dựng 100 cây cầu trong giai đoạn 2021-2025.

Riêng trong năm 2021, Thành phố dự kiến hoàn thành 5 cây cầu, gồm cầu Rào, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Tràng Kênh (nằm trong dự án cải tạo đường thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), cầu qua sông Đa Độ (đã hoàn thành tháng 1/2021 trong Dự án đường 403 (ĐT.363) giai đoạn II, huyện Kiến Thụy). Trong đó, cầu Dinh và cầu Quang Thanh kết nối với tỉnh Hải Dương sẽ được đưa vào khai thác sớm nhất.

Dự kiến khởi công 19 cầu (bao gồm cả một số cầu đã được động thổ trong năm 2020). Trong năm 2021, Sở Giao thông - Vận tải sẽ trình HĐND Thành phố thông qua kế hoạch xây dựng 57 cầu, bao gồm 3 cầu kết nối vùng là cầu Lại Xuân, cầu Nghìn 2, cầu Lô Đông nối xã Vĩnh Long (Vĩnh Bảo) với huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình); 7 cầu kết nối giữa các quận, huyện và 41 cầu trong các quận, huyện; 5 nút giao khác mức; 1 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3.

Trong giai đoạn 2022-2025, Sở GTVT sẽ tiếp tục đề xuất HĐND Thành phố thông qua việc xây dựng 29 cầu khác, trong đó có một số cầu đáng chú ý như 2 cây cầu qua sông Hóa kết nối với tỉnh Thái Bình; cầu Máy Chai; cầu Rào 3; cầu An Trì nối Quốc lộ 5 với đường Máng Nước; cầu Tân Liên - Cấp Tiến nối xã Tân Liên (Vĩnh Bảo) với xã Cấp Tiến (Tiên Lãng); mở rộng cầu Nguyệt Áng trên đường 354 nối Kiến An với An Lão; cầu Vàng 2 mở rộng trên đường 360 An Lão; cầu Máy Đá nối Lán Bè; 6 cầu qua sông kết nối các quận, huyện; 8 cầu trong các quận, huyện; 7 nút giao khác mức; 6 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư cả giai đoạn này là khoảng gần 38.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện còn 19 dự án cầu đang triển khai, trong đó có các cầu lớn như cầu Bến Rừng, cầu Nguyễn Trãi... với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI xác định rõ, giai đoạn 2020 - 2025, Hải Phòng vươn tới mục tiêu tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện để phát triển 3 trụ cột kinh tế chủ yếu của Thành phố là công nghiệp, cảng biển, du lịch... Tinh thần chung là kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2025 phải phát triển mạnh hơn giai đoạn 2015-2020; số cầu được xây dựng cũng nhiều hơn.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thành phố đạt kết quả tốt, đã tạo động lực phát triển, mở rộng không gian đô thị, thu hút sự đầu tư từ các doanh nghiệp. Trong năm 2021, Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện, khánh thành các công trình đang thi công theo kế hoạch đề ra; đồng thời, tập trung triển khai thủ tục đầu tư để khởi công cầu Bến Rừng, cầu Nguyễn Trãi; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền...

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, việc triển khai xây dựng vành đai 2 của Thành phố rất quan trọng, cho nên cần tập trung cao cho việc này. Trong đó, đoạn 1 từ Đình Vũ về quận Dương Kinh, từ quận Dương Kinh về quận Kiến An, kết nối quận Hồng Bàng; đoạn 2 từ Đình Vũ về Vũ Yên, rồi Lập Lễ, kết thúc sang đường 359. Trên cơ sở ưu tiên dự án vành đai 2, Hải Phòng triển khai đồng loạt các cây cầu kết nối Thành phố với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình. Dự kiến, cuối năm 2021 sẽ khởi công tuyến đường vành đai 2, khi đó không gian đô thị thành phố sẽ được mở rộng và tạo quỹ đất lớn và sẽ thông qua chủ trương đầu tư vành đai 3, từ Lập Lễ về Lưu Kiếm và hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đúng theo định hướng, mục tiêu của Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Thanh Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục