Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) lấy ý kiến các công ty chứng khoán việc chỉnh sửa hệ thống phần mềm để chuyển một số mã chứng khoán trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sang giao dịch trên hệ thống của HNX.
Xung quanh thông tin này, có rất nhiều băn khoăn từ phía nhà đầu tư, là các đối tượng trực tiếp giao dịch trên thị trường, liệu đây có thể là giải pháp tình thế mang tính tạm thời để giải quyết nghẽn mạng trên sàn HOSE.
Bởi dù hiện tượng nghẽn mạng xảy ra từ tháng 12/2020, nhưng đến này vẫn chưa có đo lường chính xác về “sức chứa” của hệ thống giao dịch của HOSE như khối lượng tối đa của lệnh giao dịch hay giá trị tối đa/phiên giao dịch…
Nếu chưa đưa ra được con số ước lượng này thì chưa có gì đảm bảo là sẽ chuyển bao nhiêu mã và chuyển những mã nào để có thể giảm tại cho hệ thống của HOSE. Việc này là tự nguyện hay mang tính “cưỡng ép”, bởi lâu nay, sàn HOSE vẫn được xem là sàn có tiêu chuẩn niêm yết cao hơn HNX. Chính vì vậy, việc buộc phải chuyển qua HNX có thể ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, đây cũng là điều mà một số doanh nghiệp đang suy nghĩ.
Ngoài ra, khi áp dụng, toàn bộ hạ tầng của các công ty chứng khoán có thể đáp ứng hay không?
Tự nguyện thì có thành?
Theo chia sẻ của lãnh đạo HOSE, hiện hệ thống của HOSE xử lý được tối đa khoảng 900.000 lệnh/phiên.
Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, từ đầu tháng 12/2020, lượng giao dịch trên HOSE tăng đột biến, thường xuyên đạt trên 500 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch khớp lệnh trực tiếp vượt 10.000 tỷ đồng/phiên.
Tại phiên 5/1/2021, giá trị giao dịch thị trường đạt 19.295 tỷ đồng, trong đó hơn 18.000 tỷ đồng giao dịch khớp lệnh, đạt mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua.
Trong khoảng thời gian này, nhiều phiên giao dịch xuất hiện tình trạng nghẽn mạng, nhất là trong phiên giao dịch chiều, khiến nhiều nhà đầu tư không thể vào được lệnh. Thậm chí, bảng điện tử hiện giá không chính xác, ảnh hưởng tới quyết định giao dịch của nhà đầu tư.
Không có con số chính xác, nhưng gần đây thường tại mốc giá trị giao dịch đạt đến 14.000 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng là hệ thống gần như đơ cứng, nhiều nhà đầu tư không thể vào lệnh. Đây là điều khó hiểu với nhiều nhà đầu tư, khi đầu tháng 1/2021 HOSE vẫn có thể giao dịch ở khoảng 18.000 tỷ đồng mới nghẽn, nhưng các con số gần đây lại giảm đáng kể!
Hiện hệ thống giao dịch tại HNX đang còn nhiều dư địa, không gian để cho nhà đầu tư giao dịch nên đã không ít nhà đầu tư phải chuyển sang giao dich trên sàn HNX, thậm chí UPCoM.
Chính vì vậy, mới đây, HNX tổ chức lấy ý kiến khảo sát các công ty chứng khoán về thời gian các công ty này cần để thực hiện chỉnh sửa hệ thống phần mềm nhằm đáp ứng trường hợp chuyển một số chứng khoán hiện đang giao dịch trên HOSE sang giao dịch tại một Bảng mới trên hệ thống của HNX.
Các mã này vẫn được giữ nguyên các quy định giao dịch như tại HOSE về biên độ, kết cấu phiên, bước giá… Tại hệ thống của Trung tâm Lưu ý chứng khoán, các chứng khoán này có thể được đổi định danh thành chứng khoán thuộc HNX hoặc giữ nguyên là thuộc HOSE.
Công ty chứng khoán thành viên thực hiện khảo sát và hoàn thành trước ngày 01/03/2021.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho biết, đây là đề xuất từ cơ quan quản lý, dự kiến sẽ tổ chức một bảng giao dịch các mã chứng khoán của HOSE giao dịch trên HNX. Tuy nhiên, tiêu chí đưa ra đối với các cổ phiếu này phải cân nhắc nhiều yếu tố, nhưng tinh thần vẫn dựa vào sự “tự nguyện” của doanh nghiệp.
Về giải pháp này, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Quang Quyết, Giám đốc Khối Công nghệ, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, hiện VNDIRECT đang tập trung nguồn lực để hoàn thiện và phát triển các sản phẩm công nghệ mới nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư, cũng như đáp ứng được các yêu cầu từ phía cơ quan quản lý.
Với yêu cầu cấp thiết của thị trường và nhà đầu tư, VNDIRECT sẽ bố trí nguồn lực để chỉnh sửa hệ thống đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý và thị trường. Cụ thể, Công ty sẽ kết hợp nguồn lực nội tại, cùng phối hợp với các nhà cung cấp để chỉnh sửa, kiểm thử hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu thay đổi hệ thống giao dịch, nỗ lực cùng các cơ quan quản lý sớm giải quyết bài toán tải hệ thống với thời gian triển khai khoảng 2 tháng.
Một số công ty chứng khoán khác cũng cho biết, nếu là yêu cầu từ phía cơ quan quản lý thì họ sẽ có các cách thức sửa đổi hệ thống để đáp ứng thị trường, tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp mang tính tạm thời.
Về mặt kỹ thuật, lãnh đạo Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho biết, điều này cũng tương tự đối với hình thức chuyển sàn nên đối với hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, hoàn toàn xử lý được và không có vướng mắc gì. Theo đó, các chứng khoán này có thể được đổi định danh thành chứng khoán thuộc HNX hoặc giữ nguyên là thuộc HOSE.
Đây mới chỉ là một giải pháp đưa ra từ cơ quan quản lý và chưa có quyết định chính thức, nhưng ít ra cũng là một hướng tháo gỡ cho tình trạng lệnh treo, nghẽn vốn đã và đang gây bức xúc cho giới đầu tư.