Những cái tên bất ngờ vượt kế hoạch sau 9 tháng

(ĐTCK) Vào mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III, tình hình kinh doanh của các DN niêm yết dần lộ diện. Trong số đó, nhiều cái tên đã bất ngờ hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm chỉ trong 9 tháng.
Giá bán cao su tuy đã phục hồi nhưng vẫn thấp so với các năm trước Giá bán cao su tuy đã phục hồi nhưng vẫn thấp so với các năm trước

Tháng 9, doanh nghiệp cao su thiên nhiên lãi lớn

Trái với dự báo không mấy khả quan vào đầu năm 2016, diễn biến giá cao su thiên nhiên thực tế đã có sự phục hồi đáng kể từ đầu năm tới nay. Điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh của DN cao su thiên nhiên phục hồi mạnh.

Cho đến 8 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của các DN cao su thiên nhiên ít có chuyển biến, nhưng bước sang tháng 9, hai “ông lớn” trong ngành là Cao su Phước Hòa (PHR) và Cao su Đồng Phú (DPR) cùng nhau báo lãi đột biến, góp phần đưa lãi lũy kế 9 tháng vượt kế hoạch năm.

Cụ thể, Cao su Phước Hòa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu gần 627 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 136 tỷ đồng; tương đương 69%, vượt 8% chỉ tiêu cả năm đề ra. Kết quả này khá bất ngờ khi 8 tháng đầu năm, PHR đạt tổng lợi nhuận trước thuế 83,32 tỷ đồng, tương đương 66,17% kế hoạch năm. Điều này có nghĩa riêng tháng 9, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế đến hơn 50 tỷ đồng.

Theo BCTC riêng Công ty mẹ, lợi nhuận quý III ghi nhận 59 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước, nhưng phần lớn không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ tiền bồi thường đền bù cây cao su là 66,9 tỷ đồng.

Ông Dương Văn Khen, Trưởng Ban kiểm soát PHR cho biết, giá cao su tuy có tăng nhưng không đáng kể. Nếu như kế hoạch kinh doanh dựa trên mức 26 triệu đồng/tấn, tức là có lợi nhuận 1 triệu đồng/tấn, thì hiện nay giá bình quân là 29,9 triệu đồng/tấn, chỉ tăng thêm một chút nhỏ. PHR có lợi nhuận là do yếu tố bất thường, khi chính quyền địa phương lấy đất làm công nghiệp và đền bù, trong khi thực tế hoạt động kinh doanh không khởi sắc.

Công ty Cao Su Đồng Phú (DPR) công bố giá bán cao su bình quân trong tháng 9 đạt 31,6 tỷ đồng/ tấn, chênh 5,6 triệu đồng/tấn so với mức kế hoạch đề ra; lãi gộp đạt 21 tỷ đồng, góp phần đưa lãi gộp lũy kế 9 tháng đạt 96 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 37%. Trong đó, phần lợi nhuận đến từ hoạt động sản xuất cao su là 5,4 tỷ đồng tính riêng tháng 9 và 6 tỷ đồng lũy kế 9 tháng.

Ông Phạm Phi Điểu, Thư ký Công ty chia sẻ, DPR vượt kế hoạch chủ yếu nhờ thanh lý cây cao su tốt hơn dự kiến ban đầu, trong khi thực tế hoạt động kinh doanh chính chưa thực sự cải thiện. Việc giá cao su tăng chưa ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm bởi sản lượng còn thấp, chi phí cũng ở mức cao.

Tuy có lãi đột biến trong tháng 9 và đã hoàn thành kế hoạch năm, cả 2 công ty đều chưa có dự định điều chỉnh kế hoạch bởi giá bán tuy đã phục hồi nhưng vẫn thấp so với các năm trước và hoạt động kinh doanh chưa thực sự khởi sắc. 

PVX - bất ngờ nối tiếp bất ngờ

Ngoài hai nhân tố bất ngờ là PHR và DPR, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) cũng là cái tên gây sốc cho nhà đầu tư. Vào đầu tháng 9, PVX công bố BCTC hợp nhất sau soát xét 6 tháng đầu năm với lãi ròng tăng hơn 116 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó (32,4 tỷ đồng), đạt hơn 148 tỷ đồng. Nguyên nhân là Công ty đã tích cực làm việc với một số đơn vị và thu hồi được một số khoản công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng trước đây (thu hồi khoảng 170 tỷ đồng công nợ từ các đơn vị và được hoàn nhập dự phòng khoảng 143 tỷ đồng).

Chưa kể, mới đây, PVX cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 7.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và tương đương 72% kế hoạch năm; song lợi nhuận trước thuế thì có sự đột biến khi đạt gần 257 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2015 và gấp 3 lần so với kế hoạch đề ra.

Một DN khác cũng tạo đột biến trong quý III là CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA). Theo thông báo kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm, TNA đạt tổng doanh thu 2.415 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 127 tỷ đồng; lần lượt thực hiện 96% và 111% so với kế hoạch cả năm. Xét riêng trong quý III/2016, doanh thu thực hiện của Công ty đạt 733,5 tỷ đồng, tăng trưởng 23,5%; lợi nhuận trước thuế ghi nhận 60 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2015 và đóng góp 50% vào lợi nhuận lũy kế 9 tháng.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đến 45%. Cụ thể, riêng quý III/2016, Công ty ghi nhận 8.300 tỷ đồng doanh thu và 1.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của HPG đạt 85% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế vượt 45% kế hoạch cả năm, lần lượt ghi nhận 23.800 tỷ đồng và 4.650 tỷ đồng.         

Tâm An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục