Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 29/11, báo chí đặt câu hỏi về các nội dung liên quan đến Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua, trong đó một nội dung được nhiều người quan tâm là những ai sẽ phải đi làm lại thẻ căn cước.
"Việc thu thập thêm mống mắt vào dữ liệu căn cước mới sẽ được thực hiện thế nào? Người dân hiện đang có căn cước công dân thì có bắt buộc phải thu thập mống mắt khi luật mới có hiệu lực không?", báo chí nêu câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, đây là một trong những nhóm dữ liệu sinh trắc học thuộc thông tin căn cước của công dân, là quy định mới của Luật Căn cước vừa được thông qua.
Việc thu thập mống mắt được thực hiện với thiết bị chuyên dụng của cơ quan quản lý căn cước. Khi người dân đến làm mới, cấp đổi mới thẻ căn cước thì cơ quan quản lý sẽ thu thập thông tin mống mắt để bổ sung dữ liệu căn cước và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, hiện có nhiều loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại, gồm: Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số, thẻ căn cước công dân mã vạch, thẻ căn cước công dân gắn chip.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức trả lời câu hỏi về Luật Căn cước mới. |
Tính đến nay, Bộ Công an đã cấp 83 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip. Đối với CMND còn thời hạn sử dụng, Luật nêu rõ là được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
“Người dân đang có thẻ căn cước công dân vẫn còn hiệu lực thì thẻ này vẫn có giá trị sử dụng như thẻ căn cước mới”, ông Nguyễn Minh Đức nói và cho biết, công dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện tích hợp, khai báo thông tin, trừ trường hợp công dân có nhu cầu bổ sung, đổi thẻ căn cước. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Theo Luật Căn cước, ngoài tên gọi, một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ căn cước cũng được đổi mới so với thẻ căn cước công dân hiện nay. Trong đó, dòng chữ "căn cước công dân" đổi thành "căn cước", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV sáng 29/11. |
Thẻ căn cước sẽ không còn thể hiện dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành "Nơi cấp: Bộ Công an".
Luật Căn cước quy định cơ sở dữ liệu căn cước của công dân gồm nhiều trường thông tin; trong số này có nhân dạng, sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói), nghề nghiệp (trừ lực lượng quân đội, công an, cơ yếu)…
Trước đó, sáng 27/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 1/7/2024), để thay thế cho Luật Căn cước công dân hiện nay. Bên cạnh đó, thẻ căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.