Nhựa Tiền Phong: Phát triển có trách nhiệm là nền tảng quan trọng của phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phát triển bền vững là phát triển hài hòa giữa sản xuất, kinh doanh với đầu tư cho xã hội, môi trường, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, cả ngành sản xuất và xã hội.

Người lao động tại Nhựa Tiền Phong không những có mức thu nhập đảm bảo cuộc sống, mà còn luôn được chăm lo tốt về đời sống tinh thần, được đào tạo nâng cao trình độ Người lao động tại Nhựa Tiền Phong không những có mức thu nhập đảm bảo cuộc sống, mà còn luôn được chăm lo tốt về đời sống tinh thần, được đào tạo nâng cao trình độ

Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh

“Phát triển bền vững không phải là nhiệm vụ của một bộ phận, một đơn vị, một cá nhân lãnh đạo, mà đó phải là chiến lược kinh doanh của Nhựa Tiền Phong”, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) khẳng định.

Do đó, Báo cáo thường niên hàng năm của Nhựa Tiền Phong đều luôn có nội dung Báo cáo phát triển bền vững. Đây là công cụ để đo lường, ghi nhận và công bố các mục tiêu, trách nhiệm của Công ty hướng tới phát triển bền vững.

Những thông tin về hoạt động của Công ty trên khía cạnh môi trường, xã hội ngày càng được quan tâm. Bởi chỉ khi Công ty đảm bảo phát triển bền vững về môi trường, xã hội thì mục tiêu lợi nhuận của Công ty mới có thể đạt và ngày càng tăng trưởng.

Đối với Nhựa Tiền Phong, Báo cáo phát triển bền vững còn có vai trò quan trọng đối với các bên có liên quan và chính nội bộ Công ty. Thông qua việc báo cáo công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và nỗ lực của mình trong các hoạt động cụ thể, Công ty càng củng cố lòng tin của các bên có liên quan, làm gia tăng uy tín, thương hiệu của Công ty.

Chia sẻ thêm về quan điểm của Nhựa Tiền Phong đối với phát triển bền vững, ông Dũng cho rằng, doanh nghiệp cần phải mở hơn, cần có cái nhìn vì xã hội nhiều hơn, để từ đó có những chiến lược kinh doanh dài hạn, để việc cho đi không phải là khiên cưỡng, bắt buộc, mà đó là sự chia sẻ, là sự nhận về đầy tính nhân văn.

Chẳng hạn, việc đào tạo nhân sự, chắc chắn không ít doanh nghiệp từng lo lắng việc nhân sự sau khi được doanh nghiệp đào tạo sẽ nhảy việc. Nhưng nghĩ rộng ra, nhân viên có thể nghỉ làm tại doanh nghiệp, nhưng với kiến thức được đào tạo bài bản, họ vẫn là một lao động lành nghề, có ích cho sự phát triển chung của toàn xã hội.

Hay như việc Nhựa Tiền Phong luôn có những cải tiến kỹ thuật để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Việc hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sekisui (Nhật Bản) để cùng nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cũng là vì mục tiêu tối ưu hoá lợi ích cho người tiêu dùng.

Sau 30 năm kể từ ngày thành lập (19/5/1960), năm 1990, Nhựa Tiền Phong quyết định chia tay với những sản phẩm truyền thống và tiên phong sản xuất các sản phẩm ống và phụ tùng nhựa PVC, HDPE, PPR tại miền Bắc để phục vụ cho các công trình xây dựng. Kể từ bước ngoặt đó, đến nay, trên hành trình khẳng định vị thế dẫn đầu ngành nhựa xây dựng, Nhựa Tiền Phong luôn hành động để gắn sự phát triển đó với lợi ích cộng đồng, xã hội.

Trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu, Nhựa Tiền Phong luôn biết tận dụng những cơ hội phát triển, cũng như đương đầu với vô vàn thách thức đến từ nhiều phía. Những biến động về kinh tế, chính trị và dịch bệnh trong 2 năm 2019 - 2020 đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh trên toàn cầu cũng như trong nước. Trong bối cảnh đó, Nhựa Tiền Phong cũng bị ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển, lợi nhuận.

Tuy nhiên, với chiến lược kinh doanh đã được định hình rõ ràng và gắn với phát triển bền vững, những hoạt động gắn kết với cộng đồng, xã hội vẫn luôn được Công ty thực hiện tốt.

Đoàn thiện nguyện của Nhựa Tiền Phong trực tiếp đến thăm, động viên và tặng quà các hộ dân tại miền Trung trong đợt bão lũ vừa qua

Đoàn thiện nguyện của Nhựa Tiền Phong trực tiếp đến thăm, động viên và tặng quà các hộ dân tại miền Trung trong đợt bão lũ vừa qua

“Chúng tôi hiểu rõ, hơn lúc nào hết, khi khó khăn, chúng ta càng cần phải có sự chia sẻ, gánh vác trách nhiệm chung”, ông Dũng bày tỏ.

Chương trình “Cầu nối yêu thương” mặc dù mới được Nhựa Tiền Phong triển khai trong hơn 3 năm, nhưng đã xây dựng được 60 cây cầu dân sinh trên toàn quốc, cũng như trao tặng hàng nghìn suất học bổng cho các em học sinh với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong còn đồng hành và tài trợ 50 ca mổ tim cho các em bị dị tật bẩm sinh trong khuôn khổ chương trình Trái tim cho em.

Sau khi ủng hộ 300 triệu đồng qua Mặt trận Tổ quốc TP. Hải Phòng và hỗ trợ 2 tỷ đồng cho Đà Nẵng, Quảng Nam phòng chống đại dịch Covid-19, mới đây, Nhựa Tiền Phong tiếp tục ủng hộ 1 tỷ đồng cho chương trình Vì người nghèo do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Nhựa Tiền Phong còn tiếp tục đóng góp 1 tỷ đồng để đồng hành cùng TP. Hải Phòng chung tay giúp đỡ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ.

Không dừng lại ở đó, cán bộ, công nhân viên của Nhựa Tiền Phong tiếp tục đóng góp và kêu gọi các mạnh thường quân chung tay ủng hộ được gần 1,35 tỷ đồng. Với số tiền này, đoàn thiện nguyện của Nhựa Tiền Phong đã trực tiếp đến 3 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để trao những phần quà, góp phần chia sẻ những khó khăn cho bà con. Đoàn thiện nguyện cũng đến thắp hương và gửi quà thăm hỏi cho 35 gia đình liệt sĩ thuộc Đoàn quốc phòng 337 - Quân khu 4 đã hy sinh trong khi thực hiện công tác cứu hộ tại các tỉnh miền Trung.

Trách nhiệm luôn song hành cùng sự phát triển

“Trách nhiệm mà Nhựa Tiền Phong muốn nói đến chính là việc đảm bảo đời sống người lao động, thực hiện bảo hiểm xã hội và hỗ trợ cộng đồng. Trách nhiệm này xuất phát chính từ nhu cầu tồn tại và phát triển bền vững của một doanh nghiệp, chứ không đơn thuần chỉ là các hoạt động làm từ thiện, lòng hảo tâm đối với những người gặp khó khăn trong xã hội”, ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong nhấn mạnh.

Năm 2019, Nhựa Tiền Phong ghi nhận doanh thu thuần 4.759 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 471,2 tỷ đồng, duy trì đóng góp vào ngân sách nhà nước ở mức cao, gần 325 tỷ đồng - là một trong 5 doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất tại TP. Hải Phòng và là một trong 1.000 doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất tại Việt Nam.

Công ty cũng đảm bảo đời sống, chăm sóc về mặt tinh thần tốt cho gần 1.100 lao động cố định và hàng trăm lao động thời vụ tại miền Bắc và miền Trung với mức lương bình quân là 13 triệu đồng/người/tháng.

Người lao động còn liên tục được tham gia các khóa đào đạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Với các cấp trưởng phòng trở lên còn được tham gia tập huấn tại nước ngoài… Đặc biệt, cơ hội thăng tiến trong công việc luôn dành cho tất cả mọi người. Hiện, rất nhiều nhân sự cấp cao trong Công ty đều trưởng thành và đi lên từ vị trí nhân viên, chuyên viên.

Phong trào thực hiện 5S: “Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng” do Công ty phát động đã được tập thể người lao động hưởng ứng tích cực và duy trì hàng năm, tạo ra môi trường làm việc rất chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, là một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đặc thù, nên Nhựa Tiền Phong rất chú trọng đến quy trình xử lý chất thải/khí thải, hóa học để nguồn nước thải luôn đạt các tiêu chuẩn về độ sạch trước khi ra ngoài môi trường. Điều này được thể hiện qua các báo cáo quan trắc môi trường mà Nhựa Tiền Phong thực hiện hàng quý.

Trong công tác hoạt động sản xuất, Công ty luôn sử dụng nguyên liệu an toàn, đặt mục tiêu hạn chế khí thải, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực quốc tế trong việc bảo vệ thiên nhiên. Nhựa Tiền Phong còn hỗ trợ các công ty thành viên, công ty liên kết triển khai các chương trình sản xuất thân thiện với môi trường, áp dụng các công cụ quản lý quốc tế như ISO 14000:2015, ISO 50001 để tiết kiệm nguyện nguồn năng lượng, góp phần giảm tải áp lực tài nguyên và giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm.

Trong năm 2019, hoạt động tiết kiệm năng lượng, nước của Nhựa Tiền Phong đã đạt được kết quả tích cực, như lượng tiêu thụ năng lượng bình quân/tấn sản phẩm đã giảm gần 20MJ/tấn sản phẩm, lượng nước tiêu thụ giảm hơn 9.200 m3 nước so với năm 2018.

Định hướng phát triển cho Nhựa Tiền Phong trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban lãnh đạo Công ty đề ra chiến lược phát triển bền vững gắn với nhiều mục tiêu cụ thể với quyết tâm giữ vững vị thế là doanh nghiệp sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam và trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ống nhựa tại khu vực Đông Nam Á.

Đó là tập trung phát triển nguồn nhân lực trình độ cao và có nhiều kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát huy giá trị cốt lõi: Uy tín qua từng hành động - Chất lượng trên từng sản phẩm - Đồng hành và chia sẻ cùng đối tác - Trách nhiệm với cộng đồng. Đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của Nhựa Tiền Phong trong tương lai thông qua các sản phẩm hiện tại và các sản phẩm vật liệu xây dựng mới. Liên tục đa dạng hóa sản phẩm mang tính ứng dụng cao, đồng thời áp dụng các phương pháp khoa học để làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm nguyên nhiên liệu trong sản xuất…

“Để chinh phục trái tim của đối tác, bạn hàng và người tiêu dùng, chúng tôi sẽ dùng sự chân thành được xây dựng trên chính trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng và với cộng đồng”, ông Phương nhấn mạnh.

Thu Lê
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục