Nhựa Tiền Phong (NTP): Quản trị rủi ro tốt, vượt khó thành công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam thời gian vừa qua đã cho thấy rất rõ tầm quan trọng trong cách nhìn đầy đủ, đúng đắn, toàn diện về quản trị rủi ro và khủng hoảng đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Sản phẩm ống Nhựa Tiền Phong tiên phong về chất luợng Sản phẩm ống Nhựa Tiền Phong tiên phong về chất luợng

Luôn coi trọng quản trị rủi ro

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp phát triển và trưởng thành đã xây dựng khung quản trị rủi ro và đang thực hiện quản trị rủi ro, nhưng về cơ bản vẫn bằng kinh nghiệm và tự phát là chính. Còn lại, đại đa số, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa có cơ chế và phương pháp luận để đánh giá, theo dõi, xử lý, giám sát rủi ro.

Trong điều kiện bình thường, quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng được xây dựng trên nền tảng hoạt động kinh doanh liên tục. Điều này đảm bảo khi có bất kỳ sự đứt gãy, gián đoạn nào diễn ra trong khủng hoảng, thì khả năng nối lại sự đứt gãy đó là nhanh nhất với chi phí thấp nhất.

Khi Covid-19 xảy ra, thứ trọng yếu nhất cần triển khai là kích hoạt kế hoạch quản trị khủng hoảng cùng với kế hoạch kinh doanh liên tục, rồi mới đến kế hoạch khôi phục sau sự cố.

“Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, rồi sau đó là sự gián đoạn của chuỗi lao động, cùng với chi phí đầu vào liên tục tăng trong lúc doanh thu sụt giảm, sản xuất ngưng trệ như những cơn sóng dữ dội trùm qua ngưỡng chịu đựng của hầu hết doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Covid-19 đã cho thấy quản trị rủi ro có vai trò cốt lõi cho sự phát triển bền vững. Đối với Nhựa Tiền Phong, phát triển bền vững là điều mà chúng tôi luôn hướng tới”, ông Chu Văn Phương, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ.

Tại Nhựa Tiền Phong, công tác quản trị rủi ro đang ngày càng được hoàn thiện và chuẩn hoá theo thông lệ quốc tế. Chia sẻ về nội dung này của công ty, ông Phương cho biết: “Công tác dự báo rủi ro và biện pháp khắc phục không chỉ được đưa ra hàng năm, mà còn mang tính dự báo dài hạn. Sáu nguyên tắc mà Nhựa Tiền Phong dựa vào để dự báo những rủi ro Công ty có thể gánh chịu và có những dự phòng phù hợp, gồm: Đặt nền móng; bảo toàn và thúc đẩy doanh thu; giảm và quản lý chặt chẽ chi phí; tối ưu hóa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; tăng tốc chuyển đổi số; quản lý các mong muốn. Đây cũng là 6 nguyên tắc "vàng" mà Deloitte Việt Nam đã khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Trụ sở và nhà máy của Nhựa Tiền Phong tại TP Hải Phòng

Trụ sở và nhà máy của

Nhựa Tiền Phong tại TP Hải Phòng

Phát huy mạnh mẽ nội lực

Yếu tố đầu tiên của quản trị rủi ro là vấn đề xây dựng nền móng tốt. Tại Nhựa Tiền Phong, nền móng của doanh nghiệp đã được xây dựng, bồi đắp liên tục qua hơn 60 năm. Hiện tại, Nhựa Tiền Phong được định vị trên thị trường là một thương hiệu hàng đầu trong ngành ống nhựa với thị phần chiếm gần 60% tại miền Bắc và hơn 30% thị phần cả nước. Nhựa Tiền Phong đang sở hữu 3 khu vực sản xuất hoạt động hết công suất ngày đêm tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương với tổng năng lực sản xuất khoảng 190.000 tấn sản phẩm/năm. Khi các tỉnh miền Nam bị tác động mạnh bởi đợt dịch thứ 4, khu vực sản xuất tại Bình Dương cũng bị ảnh hưởng và giảm năng lực sản xuất, thì hai khu vực còn lại đã nâng công suất để đảm bảo cho các đơn hàng không bị gián đoạn.

Công ty đã và đang xây dựng mạng lưới phân phối rộng và phủ khắp cả nước với 9 trung tâm phân phối, gần 300 nhà phân phối và hơn 20.000 điểm bán hàng. Lợi thế này đã phát huy hiệu quả cao trong bối cảnh dịch bệnh khi các điểm phân phối có thể kịp thời hỗ trợ nhau lúc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hệ thống sản phẩm ống nhựa xây dựng của Công ty cũng được đầu tư cải tiến, tạo mới, đa dạng hoá liên tục từ năm 2004 đến nay. Đặc biệt, năm 2020, Nhựa Tiền Phong tiên phong trong việc nghiên cứu giải pháp mới cho thoát nước trục đứng nhà cao tầng và cho ra mắt sản phẩm ống uPVC lõi xoắn trên dây chuyền công nghệ của Tập đoàn Sekisui với nhiều tính năng vượt trội so với sản phẩm uPVC thông thường. Thêm vào đó, Công ty còn sản xuất thành công vách PE để đáp ứng được nhu cầu lắp dựng thành các hồ chứa dự trữ nước ngọt tại các khu vực hạn hán, ngập mặn, phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Với tổng giá trị tài sản hiện nay là gần 4.000 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền hơn 200 tỷ đồng, đảm bảo cho hoạt động tài chính của Công ty. Với nguồn tài sản ổn định và có xu hướng tăng lên qua các năm, cùng với việc kinh doanh có lãi, nên bên cạnh việc đảm bảo chi trả cổ tức cho cổ đông tốt, Công ty cũng dành khoản trích lập dự phòng lớn.

Nhờ nền móng vững chắc này, Nhựa Tiền Phong có nguồn lực ổn định để quản trị các rủi ro khác trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao hệ thống quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí sản xuất, dự trữ nguyên liệu, dự trữ ngoại tệ... Những yếu tố rủi ro luôn có thể xảy ra như về pháp luật, khủng hoảng kinh tế, cạnh tranh, an toàn sản xuất cũng đã luôn được Công ty dự phòng và có kế hoạch xử lý khi có tình huống xảy ra.

Riêng với rủi ro đến từ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất cùng ngành, Nhựa Tiền Phong luôn phải nỗ lực đổi mới và phát triển các sản phẩm mới. Để quyết định sản xuất bất kỳ sản phẩm mới nào ra thị trường, Công ty luôn nghiêm túc từ khâu nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm, nguồn nguyên liệu, giá thành, xây dựng chiến lược phân phối và chuẩn bị đầu ra cho sản phẩm.

Cũng đã quen với sự biến động giá cả trên thị trường thế giới, gần 10 năm nay, dù giá nguyên liệu đầu vào có tăng mạnh thì Nhựa Tiền Phong vẫn giữ được ổn định giá bán thành phẩm. Để quản trị tốt rủi ro này, Công ty đã áp dụng chính sách đa dạng hóa nhà cung cấp và danh mục khách hàng, cũng như cơ chế khớp hợp đồng mua nguyên liệu với hợp đồng bán thành phẩm, nên Công ty có thể duy trì được biên lợi nhuận.

Công ty cũng luôn theo dõi chặt diễn biến của thị trường và có giải pháp kịp thời trong phương án mua và dự trữ nguyên liệu với giá cả hợp lý để chủ động trong đầu vào và đảm bảo cho ổn định sản xuất. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tiết kiệm về nguyên liệu, năng lượng… nhằm giảm chi phí sản xuất, kiểm soát được giá thành đầu ra ở mức ổn định, duy trì lợi thế cạnh tranh. Điều này đã phát huy rất hiệu quả trong năm 2020 và 2021, khi giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng và lập đỉnh mới.

Vượt qua “bão” Covid-19

Trong 2 năm liên tiếp 2020 - 2021, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Nhựa Tiền Phong gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng với việc đánh giá đúng tình hình, Hội đồng quản trị cùng Ban điều hành đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhằm thực hiện tốt nhất kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Theo đó, năm 2020, Công ty đạt tổng doanh thu 4.379 tỷ đồng, sản lượng 90.982 tấn và lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra đạt 511,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2019. Trên thế đó, năm 2021 mặc dù dịch bệnh tác động nặng nề hơn, nhưng Công ty đã vượt qua và tiếp tục ghi nhận kinh doanh có lãi. Dự kiến, đến hết cuối năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của Công ty đạt được lần lượt là 4.800 tỷ đồng và 460 tỷ đồng.

Với triển vọng rất lớn trong việc phát triển của ngành nhựa phục vụ cấp thoát nước tại Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung, Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Công ty trong tương lai. Đặc biệt, từ việc hợp tác với Tập đoàn Sekisui sẽ giúp các sản phẩm của Công ty có cơ hội cung cấp cho các dự án ODA của Nhật Bản tại Đông Nam Á trong lĩnh vực hạ tầng. Bên cạnh đó, sự hợp tác với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú từ 2018 đã giúp Nhựa Tiền Phong có cơ hội tiếp cận ngành nuôi trồng thuỷ hải sản và phát triển những dòng sản phẩm mới phục vụ lĩnh vực này.

Mặc dù trong hoàn cảnh còn nhiều bất ổn của nền kinh tế do những yếu tố an ninh phi truyền thống như đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng với chiến lược kinh doanh rõ ràng và quản trị rủi ro tốt, Nhựa Tiền Phong đã không chỉ gìn giữ được những giá trị tốt đẹp vốn có của doanh nghiệp, mà còn phát huy nội lực, vượt qua thử thách, chung tay cùng cả nước chống dịch và gặt hái được những kết quả kinh doanh đáng ghi nhận. Cổ phiếu NTP vẫn tiếp tục duy trì được hình ảnh đẹp trong mắt cộng đồng nhà đầu tư.

Thu Lê
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục