Nhựa Tiền Phong: Có những khoảng lặng để nhìn lại và đi xa hơn

(ĐTCK) Chỉ còn gần 2 tháng nữa là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) kỷ niệm 60 năm thành lập. Đây là cả một hành trình dài, đầy ắp niềm tự hào nhưng cũng không thiếu chông gai, thử thách. Trước thềm sự kiện quan trọng này, Nhựa Tiền Phong đang có những điều chỉnh cần thiết để nghiêm túc nhìn lại và thiết lập chiến lược phát triển mới đảm bảo cho sự bền vững.
Nhựa Tiền Phong đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục đứng trong tốp đầu. Nhựa Tiền Phong đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục đứng trong tốp đầu.

Những khoảng lặng cần thiết

Trên thế giới, rất nhiều thương hiệu “nổi đình nổi đám” một thời như Nokia, Kodak, Yahoo, Sony Ericsson, Pan Am… đã mất vị thế dẫn đầu, để rồi bị thâu tóm hoặc bị biến mất hoàn toàn. Mới nhất, LVMH - công ty mẹ của hãng thời trang Louis Vuitton muốn mua lại hãng trang sức hàng đầu thế giới Tiffany & Co…

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ việc không kịp thích nghi với sự phát triển, với những biến động mới, bao gồm cả rủi ro của thị trường là một trong những nguyên nhân có tác động trực tiếp.

Ở trong nước, nhiều câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra ở nhiều ngành nghề, trong đó có ngành nhựa. Đó là quy luật tất yếu của sự đào thải khi không kịp thích nghi.

“Vậy nên, để có thể tồn tại và phát triển bền vững, việc tự nhìn lại, nghiêm túc đánh giá chính bản thân doanh nghiệp và thị trường là điều rất quan trọng. Với một doanh nghiệp đã có chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển như Nhựa Tiền Phong, chúng tôi hiểu việc phải luôn nhìn ra được những rủi ro, nguy cơ, cũng như cơ hội mà Công ty có được trước những diễn biến bất thường của thị trường là những yếu tố đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển” - ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong nhìn nhận.

Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp không thể mãi đi lên, đôi lúc phải có “nhịp nghỉ”. Song, điều quan trọng là phải nhận ra nhịp nghỉ đó thể hiện điều gì và doanh nghiệp phản ứng ra sao? Nhựa Tiền Phong từ khi thành lập đến nay cũng từng trải qua những thời khoảng như vậy.

Năm 2018, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là việc giá nguyên vật liệu đầu vào và tỷ giá USD/VND tăng, lợi nhuận hợp nhất của Nhựa Tiền Phong không đạt kế hoạch đề ra và suy giảm so với năm 2017.

Ngay sau đó, với những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt trong việc cải tổ từ nội bộ doanh nghiệp đến việc định hướng rõ ràng chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới, kết quả kinh doanh đã có sự tăng trưởng trở lại.

Đặc biệt là việc Ban lãnh đạo Công ty với những vị trí chủ chốt từ Chủ tịch HĐQT đến Tổng giám đốc được chuyển giao cho đội ngũ kế cận có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh đã tạo nên một luồng gió mới.

Kết quả là kinh doanh trong cả 3 quý của năm 2019 tăng trưởng rõ rệt. Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của Nhựa Tiền Phong trong quý I và II/2019 đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý III vừa qua cũng ghi nhận lợi nhuận tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 10/2019, Nhựa Tiền Phong đạt doanh thu 4.100 tỷ đồng, tăng 453 tỷ đồng (tương đương 12%) so với cùng kỳ năm trước.

“Để đạt được kết quả tích cực trên, Nhựa Tiền Phong chấp nhận có những ‘khoảng lặng’ để tự đánh giá lại ‘sức khỏe’ của doanh nghiệp, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, cũng như chiến lược cho hành trình tiếp theo”, ông Chu Văn Phương, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ.

Tiến bước về phía trước

Nhựa Tiền Phong: Có những khoảng lặng để nhìn lại và đi xa hơn ảnh 1

Dàn máy sản xuất ống HDPE 2.000mm - ống có đường kính lớn nhất Việt Nam hiện nay của Nhựa Tiền Phong.

“Thế giới luôn vận động, nếu chúng ta đứng yên sẽ bị bỏ lại phía sau. Thậm chí chúng ta vận động, nhưng trong khi người khác chạy mà chúng ta chỉ đi bộ, thì cũng sẽ bị vượt qua. Những năm trước, báo cáo thường niên của Nhựa Tiền Phong thường nằm Top 10, nhưng năm nay không còn nằm trong nhóm dẫn đầu. Điều này cho thấy, Nhựa Tiền Phong chỉ vượt qua chính mình là chưa đủ, mà cần phải nỗ lực hơn nữa”, ông Phương nhấn mạnh.

Mùa báo cáo thường niên năm nay, Nhựa Tiền Phong đã vượt qua hàng trăm doanh nghiệp vào vòng chung khảo và nằm trong Top 30 cho thấy vai trò và ý nghĩa của một bản báo cáo minh bạch đối với doanh nghiệp niêm yết.

Đây cũng là những nội dung mà Nhựa Tiền Phong phải quan tâm và đầu tư hơn nữa cho những mùa sau.

Trong hoạt động quản trị, ngay từ đầu năm 2019, Nhựa Tiền Phong đã có nhiều động thái tích cực như thành lập Ban kiểm soát nội bộ để giám sát độc lập quy trình vận hành trong doanh nghiệp, đáp ứng chuẩn mực quốc tế, bầu bổ sung thành viên HĐQT...

“Với một doanh nghiệp, nếu muốn tiến lên phía trước thì chặng đường phải đi sẽ không được có điểm dừng. Chỉ cần có dấu hiệu chững lại là ngay lập tức phải có những đối sách kịp thời để điều chỉnh, thậm chí là thay đổi chiến lược hoạt động”, ông Phương nói.

Sau những điều chỉnh làm tiền đề cho sự phát triển trong năm 2018 và đầu năm 2019, ngoài kết quả kinh doanh tăng trưởng, Nhựa Tiền Phong còn thực hiện thành công nhiều thương vụ đầu tư.

Mới nhất, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (Tiền Phong Nam) - doanh nghiệp mà Nhựa Tiền Phong góp vốn thành lập, đã khánh thành nhà máy mới, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, được xây dựng liền kề với nhà máy hiện có tại Bình Dương để phục vụ tối đa nhu cầu sử dụng ống nhựa chất lượng cao tại thị trường phía Nam và xuất khẩu.

Với cơ sở hạ tầng mới được trang bị, Tiền Phong Nam đã nâng cao năng lực cung ứng lên 60.000 tấn sản phẩm/năm.

Ông Teiji Koge, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sekisui Chemical Nhật Bản - đối tác chiến lược của Tiền Phong Nam và Nhựa Tiền Phong cho biết: “Những sản phẩm phụ kiện hàn điện trở và van mà Nhựa Tiền Phong Nam nhận chuyển giao công nghệ từ Sekisui sẽ được sản xuất tại nhà máy mới này”.

Có thể thấy, không chỉ phủ sóng khắp thị trường miền Bắc, miền Trung, mà tại miền Nam - Nhựa Tiền Phong đã khẳng định được chỗ đứng và liên tục mở rộng thị phần, góp phần đưa thương hiệu Nhựa Tiền Phong giữ vững vị thế tiên phong -  cánh chim đầu đàn trong ngành ống nhựa Việt Nam.

Với việc được kế thừa thương hiệu, kinh nghiệm và công nghệ sản xuất từ Nhựa Tiền Phong - đơn vị đứng hàng đầu trong ngành nhựa, Tiền Phong Nam trở thành cánh tay nối dài, cung ứng đầy đủ các chủng loại ống nhựa uPVC, PP-R, HDPE tại thị trường phía Nam, từ Huế trở vào Cà Mau.

Sau 12 năm hình thành và phát triển, Tiền Phong Nam đã xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp gồm 4 trung tâm phân phối và hàng ngàn điểm bán hàng trải đều 33 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhờ đó, thương hiệu Nhựa Tiền Phong tại thị trường phía Nam đã dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng và góp mặt trong hàng loạt công trình, dự án trọng điểm như tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền và Masteri An Phú, dự án Vinhomes Tân Cảng, Vinhomes Golden River và Vincity Grand Park, dự án Đảo Kim Cương, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án thủy sản của Tập đoàn Minh Phú, dự án Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2...

“Năm 2020 sẽ là cột mốc quan trọng, ghi dấu chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Nhựa Tiền Phong. Đây cũng là thời điểm chúng tôi tiếp tục tập trung các giải pháp và nguồn lực để chuyển sang một mô hình hoạt động mới. Những sự chuẩn bị cần thiết đang dần được hoàn thiện, trong đó có việc nâng vốn chủ sở hữu. Đây là bước đi quan trọng để gia tăng nguồn lực tài chính, phục vụ cho sự phát triển thời gian tới”, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong khẳng định.

Thu Lê
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục