Nhựa Pha Lê: Xuất khẩu filler masterbatch vượt bão logistic

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vượt qua những khó khăn về logistic, hoạt động xuất khẩu hạt nhựa của Công ty cổ phần Công nghệ nhựa Pha Lê (mã PLP) vẫn duy là mảng hoạt động chủ lực mang lại doanh thu ổn định cho doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay.
Nhựa Pha Lê: Xuất khẩu filler masterbatch vượt bão logistic

Công ty cho biết, tính đến hết tháng 9/2021, sản lượng filler xuất khẩu giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá cơ sở trung bình 1 tấn filler hiện nay khoảng 360 USD/tấn, cao hơn thời điểm 1-3 năm trước đây khoảng 15-20%. Nguyên nhân xuất phát từ sự tăng giá của nguyên vật liệu (nhựa, các phụ gia khác), tăng giá của cước vận tải nội địa khi vận chuyển cho các đơn hàng nhập khẩu, chi phí nhân công… Đây là các chi phí cấu thành nên giá của hạt filler.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, hoạt động xuất khẩu filler chịu khá nhiều thách thức. Thứ nhất, dịch bệnh tái phát tại hầu hết các quốc gia trên thế giới ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu Việt Nam nói chung và Pha Lê nói riêng. Nhu cầu nhập khẩu giảm do các hoạt động sản xuất bị gián đoạn do Covid như Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, Indonesia, Malaysia, Thailand…

Thứ hai, các vấn đề liên quan đến dịch vụ hàng hải: Thiếu container rỗng do sự mất cân bằng giữa lượng hàng nhập khẩu và xuất khẩu làm cho cước vận tải tiếp tục tăng cao, điều này vô hình trung làm cho giá xuất khẩu filler từ Việt Nam không còn được cạnh tranh như trước trên thương trường quốc tế.

“Cụ thể, các quốc gia vùng xa như Mỹ, Nam Mỹ chuyển hướng nhập khẩu từ các nước láng giềng gần hơn về vị trí địa lí so với Việt Nam như Tây Ban Nha, Nga… Các bạn hàng Trung Đông gia tăng nhập từ Egypt, Iran…”, lãnh đạo công ty cho biết.

Cước biển tăng cao, giá CIF filler tăng cao cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng sử dụng filler trong hoạt động sản xuất tại các nhà máy công nghệ cao tại Mỹ. Tập khách hàng tại các vựa nhựa lớn của thế giới như Mỹ có xu hướng chuyển qua dùng nhựa off, nhựa nguyên sinh thay vì dùng chất độn phụ gia filler.

Thứ ba là giá dầu tăng mạnh. Có thể nói đây là yếu tố là ảnh hưởng gián tiếp tới giá thành của Filler. Bởi giá dầu thay đổi kéo theo giá nhựa tăng, giá các phụ gia nguyên vật liệu khác tăng và cước biển cũng tăng, trong khi đây đều là các yếu tố tạo nên cơ cấu giá thành FOB hoặc CIF của filler. Theo tính toán, nguyên liệu dầu chiếm 2-4% trong cơ cấu giá thành sản phẩm.

Thách thức tiếp theo cần kể đến đó là, thị trường nội tại Việt Nam có sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nhà sản xuất filler nội địa, với ngày một nhiều nhà sản xuất và thương mại mới mọc lên, cạnh tranh khốc liệt về giá trong khi thị trường xuất khẩu đang bị co hẹp. Bên cạnh Pha Lê, có thể điểm những cái tên lớn trong lĩnh vực này như: EU, An Tiến, Phú Lâm, US và một số nhà sản xuất, thương mại mới nhỏ như Capot, Vinarest.

Với nhiều thách thức như vậy, Pha Lê đã nỗ lực duy trì hoạt động 2 nhà máy tại Nghệ An và Hải Phòng ổn định, đặc biệt không bị dừng hoạt động ngày nào do dịch bệnh.

Công ty duy trì ổn định tập khách hàng filler cũ và vẫn tiếp tục mở rộng các tập khách hàng mới, với mục tiêu chạy tối đa công suất 7 dây chuyền tại nhà máy Hải Phòng. Sản phẩm của Công ty đã được xuất khẩu tới cả 5 châu lục và hơn 40 quốc gia.

Lợi thế cạnh tranh của Pha Lê bên cạnh nguồn hàng lớn, chất lượng cao là đội ngũ nhân viên trẻ trung, năng động, có thâm niên trong kinh doanh mảng quốc tế và đặc biệt là KD mảng Filler từ 3 năm trở lên. Đây là các nhân sự có kiến thức về xuất nhập khẩu và có mạng lưới logistics tốt, tạo lợi thế đàm phán cước biển, lấy được chỗ trên tàu trong giai đoạn khó khăn về thị trường cước biển hiện nay.

Đặc biệt, vấn đề quản trị rủi ro tài chính được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Phương thức trả chậm lâu ngày nhất cho khách hàng hiện nay của Pha Lê là 90 ngày LC không hủy ngang. Công ty chỉ cho thanh toán trả chậm tới rất ít khách hàng thân quen và làm lâu năm từ trước. Tập khách hàng mới đều phải đặt cọc hoặc LC. Điều này cho phép Công ty kiểm soát vấn đề công nợ khá tốt trong giai đoạn hiện nay.

Lãnh đạo Pha Lê cho biết, tới đây Công ty tiếp tục chú trọng cho các thị trường xuất khẩu lớn. Công ty xác định sản phẩm chủ yếu được dành cho xuất khẩu với đích đến là các nước Trung Đông, EU, Mỹ, Ấn Độ và một số nước phát triển tại châu Á, do lợi thế về việc thanh toán tốt và đơn hàng dài kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ là các sản phẩm Filler MasterBatch của Công ty. Bên cạnh xuất khẩu, Công ty cũng sẽ dần chú trọng đến việc sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất bao bì, nhựa tự phân hủy.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đặt mục tiêu đầu tư phát triển thêm một vài sản phẩm mới đem lại giá trị cao hơn nhưng nguồn gốc chính vẫn là từ nguyên liệu “nhà trồng được” - bột đá Caco3.

Doanh thu hạt phụ gia của thế giới ước đạt 13,41 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,1%/năm. Việt Nam là nước có lợi thế số một trong việc sản xuất Filler Masterbatch do sở hữu nguồn tài nguyên đá vôi lớn ở miền Bắc và miền Trung (là nguyên liệu chính trong hoạt động sản xuất hạt nhựa phụ gia Filler Masterbatch). Tuy nhiên, tổng sản lượng sản xuất trong nước mới đạt hơn 1 triệu tấn/năm, còn rất nhỏ so với nhu cầu 33 triệu tấn của thế giới, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều dư địa để cung ứng cho thị trường.

Sở hữu mỏ đá CaCO3 chất lượng cao giúp PLP chủ động trong việc đảm bảo chất lượng và giá thành nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, vị trí đặt nhà máy khai thác và sản xuất thuận lợi cũng giúp PLP tiết kiệm tối đa chi phí vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục