Kết quả kinh doanh cách xa mục tiêu
CTCP Nhựa Đông Á (mã DAG) là doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu ngành xây dựng, trang trí nội ngoại thất và quảng cáo cùng kinh doanh thương mại nhiều mặt hàng khác nhau. Trong quý III/2023, kinh tế trong nước nói chung và thị trường bất động sản nói riêng khó khăn, DAG và các công ty thành viên chuyên phân phối các sản phẩm về nhựa lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng dẫn đến doanh thu của DAG giảm đến 61% so với cùng kỳ, xuống 213,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí tài chính tăng vọt 190% lên hơn 7,84 tỷ đồng do tỷ giá ngoại tệ nhập khẩu hàng hoá, máy móc của công ty con tăng, dẫn đến DAG phải chịu chi phí chênh lệch tỷ giá cao.
Mặc dù doanh thu giảm mạnh, DAG vẫn phải dành 1,9 tỷ đồng cho chi phí bán hàng, 6,7 tỷ đồng là chi phí quản lý doanh nghiệp, vận hành nhà máy, khấu hao… của Công ty mẹ và các công ty thành viên khiến DAG lỗ hơn 16,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 3,35 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng năm 2023, DAG mang về 1.173 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 33% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế xấp xỉ 182 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 11,3 tỷ đồng).
“Toàn bộ Tập đoàn đang phải gồng lỗ để duy trì cũng như đưa ra các phương án như cơ cấu, giảm biên chế, mở rộng tìm kiếm đối tác, các nhà phân phối, đại lý để gia tăng tăng trưởng, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động liên tục”, ban lãnh đạo DAG cho biết.
Tính đến ngày 30/09/2023, DAG phải cắt giảm 100 nhân sự so với đầu năm khiến tổng số lao động của DAG rút xuống còn 190 người.
Năm nay, DAG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 2.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 22 tỷ đồng (gấp 3 lần năm 2022). Như vậy, sau 9 tháng, DAG mới hoàn thành 52% mục tiêu doanh thu và ở rất xa so với mục tiêu lợi nhuận năm.
Nhìn lại lịch sử kinh doanh, trong giai đoạn 2016 - 2019, lãi ròng của DAG luôn ở mức cao và vượt ngưỡng 50 tỷ đồng/năm, đây cũng là giai đoạn kinh doanh rực rỡ nhất của DAG kể từ năm niêm yết (2010).
Bước ngoặt đảo chiều xuất hiện từ năm 2020, doanh thu của DAG có sự trồi sụt, biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp bắt đầu thu hẹp, dẫn đến lãi ròng từ 53 tỷ đồng năm 2019 giảm mạnh chỉ còn 9,8 tỷ đồng năm 2020, giảm tiếp xuống 5,9 tỷ đồng năm 2021 và nhích lên gần 7,4 tỷ đồng năm 2022.
Ông Đường Ngọc Diệu, Tổng giám đốc DAG cho biết, điều này đến từ hai nguyên nhân. Thứ nhất là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng. Thứ hai, dù doanh thu tăng nhưng vòng đời sản phẩm giảm (gồm thanh Profile, tấm trần thả). Giai đoạn 2015 - 2019, doanh thu cao từ sản phẩm Profile cao, năm 2022 có sự cạnh tranh các sản phẩm nhôm trên thị trường nên doanh thu thấp.
|
Sức ép tài chính
Đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của DAG giảm nhẹ so với đầu năm, đạt trên 2.133 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối, DAG còn 1.626,7 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 9% so với đầu năm (riêng tổng nợ vay còn 1.267,2 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 5%) trong khi vốn chủ sở hữu giảm 26%, về mức 506,5 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/VCSH (D/E) đang là 3,2 lần.
Trong những khoản vay nợ của DAG, bên cạnh các khoản vay ngân hàng, đáng chú ý là khoản vay 114 tỷ đồng của ông Nguyễn Bá Hùng, thành viên HĐQT của DAG. Theo đó, khoản vay có lãi suất 0%, thời hạn 12 tháng theo 2 hợp đồng: hợp đồng ngày 03/11/2022 giá trị 4 tỷ đồng và hợp đồng ngày 27/12/2022 giá trị 110 tỷ đồng. Đồng thời, ông Hùng cho còn DAG vay hơn 60 tỷ đồng, thời hạn 18 tháng, lãi suất 6,3%/năm theo hợp đồng ngày 03/07/2023 để DAG tất toán khoản vay cả gốc và lãi cho VPBank. Ngoài ra, DAG còn vay 100 tỷ đồng của ông Phạm Ngọc Hinh theo hợp đồng ngày 27/03/2022, thời hạn 36 tháng lãi suất 0%.
Tại ĐHĐCĐ năm 2023, DAG đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 21,2 triệu cổ phiếu để hoán đổi 212 tỷ đồng cho 2 chủ nợ, trong đó ông Hùng sẽ được nhận về 11,2 triệu cổ phiếu và ông Hinh nhận về 10 triệu cổ phiếu.
Nếu phương án thành công, DAG sẽ trút được 212 tỷ đồng nợ vay, sức khoẻ tài chính cũng được cải thiện khi vốn chủ sở hữu tăng tương ứng. Còn 2 chủ nợ sẽ trực tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại DAG. Nhưng đến nay, phương án này vẫn chưa được thực hiện.
Ngày 03/11/2023 vừa qua là hạn thanh toán khoản vay 4 tỷ đồng của ông Hùng, song HĐQT DAG đã kịp thời gia hạn khoản vay lên 18 tháng từ ngày 03/11/2023 đến hết ngày 02/05/2025 với lãi suất là 5,1%/năm. Thời điểm tính lãi suất bắt đầu từ ngày 2 bên ký phụ lục gia hạn hợp đồng.
Như vậy, bên cạnh tình hình kinh doanh sa sút, DAG còn đang gặp nhiều áp lực về tài chính. Vào tháng 4/2023, ông Hùng từng chia sẻ, DAG đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, dù room tín dụng vẫn còn nhưng thủ tục lại thắt chặt. DAG mong muốn trong thời gian tới, nguồn vốn tín dụng được nới lỏng hơn và lãi suất tiếp tục giảm hỗ trợ việc tiếp cận vốn của DAG.
Trước tình hình này, DAG đã lên kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 20 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá 10.000 đồng/CP nhằm huy động 200 tỷ đồng để góp vốn đầu tư nhà máy cho công ty con; bổ sung vốn lưu động hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng. Kế hoạch này dự kiến được thực hiện trong năm nay nhưng hiện tại cũng chưa có động thái mới.
Trong khi đó, cổ phiếu DAG đã giảm trên 15% so với thời điểm đầu năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/11, DAG chỉ còn 3.200 đồng/CP. Vào ngày 2/11 vừa qua, DAG còn bị HOSE chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do Công ty tiếp tục vi phạm các quy trình về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
|
DAG tăng cường vay nợ trong giai đoạn qua để đầu tư vào nhà máy, phân xưởng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. |
Tiền thân của Nhựa Đông Á là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Nhựa Đông Á được thành lập vào năm 2001. Ông Nguyễn Bá Hùng là một trong những nhà sáng lập và đưa Nhựa Đông Á phát triển với “cơ ngơi” lớn mạnh như hiện tại. Ông Hùng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT DAG suốt từ năm 2006, đến ngày 03/07/2020, ông từ nhiệm vị trí cao nhất và đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của DAG.
Tuy nhiên, vào ngày 01/08/2023, HĐQT DAG đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Bá Hùng nhiệm kỳ 2020 - 2025 vì lý do sức khoẻ. Trước đó, vào ngày 19/12/2022, ông Hùng cũng xin từ chức vị trí Tổng giám đốc của DAG. Hiện tại, ông Hùng vẫn sở hữu hơn 3,5 triệu cổ phiếu DAG, chiếm tỷ lệ 5,99% vốn điều lệ và là cổ đông lớn của Công ty.
Ngoài ông Hùng, từ ngày 03/07 đến ngày 10/07, Công ty TNHH Thương mại Hùng Phát, cổ đông lớn nhất cũng là cổ đông sáng lập của DAG đã bán ra 9,7 triệu cổ phiếu. Sau khi thoái bớt vốn tại DAG, Hùng Phát đã giảm sở hữu xuống còn hơn 3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,07% và vẫn là cổ đông lớn tại đây.
Nói thêm rằng, sau khi giao dịch trên kết thúc, vào ngày 14/7, HĐQT DAG đã thông qua phương án vay tín chấp tại Hùng Phát với hạn mức 10 tỷ đồng. Thời hạn là 12 tháng với lãi suất 2,4%/năm nhằm bổ sung vốn lưu động, phục vụ sản xuất kinh doanh của Công ty.
Về mối quan hệ, Chủ tịch HĐTV Hùng Phát là chị ruột của ông Nguyễn Bá Hùng. Trước đó, Hùng Phát được bà Trần Thị Lê Hải, vợ ông Hùng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của Công ty.