Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Trung Quốc đã tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước đó, theo số liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm nay 11/5. Chỉ số CPI tháng 4 cao hơn mức tăng 0,2% mà các nhà phân tích dự báo với Reuters, đồng thời cao hơn mức tăng 0,1% của tháng 3.
Ông Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao của Economist Intelligence Unit, cho biết: "Nếu không tính đến biến động giá thực phẩm và năng lượng, dữ liệu lạm phát tiêu dùng (tháng 4 - BTV) cho thấy nhu cầu đang quay trở lại, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ".
Lạm phát lõi (không tính đến giá cả các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và nhiên liệu) đã tăng 0,7% trong tháng 4, cao hơn mức tăng 0,6% trong tháng 3.
Nhìn chung, chỉ số CPI tháng 4 tăng 0,1% so với tháng trước, trái ngược với dự báo giảm 0,1% trong cuộc thăm dò gần đây và mức giảm 1% trong tháng 3.
Cùng với kim ngạch xuất nhập khẩu tốt hơn mong đợi, chỉ số CPI tháng 4 đã giúp củng cố nhận định rằng nhu cầu nội địa Trung Quốc đang phục hồi. Nó cũng phản ánh rằng các biện pháp hỗ trợ chính sách của Bắc Kinh trong vài tháng qua có thể đã giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng, theo Reuters.
Theo số liệu hải quan công bố hôm 9/5, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 giảm 7,5%, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2023.
Đáng chú ý, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng tới 8,4%, bỏ xa mức tăng được dự báo là 4,8%. Đồng thời, kết quả này đảo ngược mức giảm 1,9% trong tháng 3.
Tuy vậy, các nhà quan sát kinh tế Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm và đà tăng trưởng có thể không bền vững, khi các cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động của khu vực nhà máy và dịch vụ đang hạ nhiệt, trong khi cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có dấu hiệu giảm bớt. Do đó, việc thúc đẩy nhu cầu nội địa cần có thêm hỗ trợ chính sách.
Theo Reuters, giới chức Trung Quốc đang vật lộn với khoản nợ các địa phương lên tới 13 nghìn tỷ USD và Quốc vụ viện nước này đã yêu cầu các chính quyền địa phương đang mắc gánh nợ lớn phải trì hoãn hoặc tạm dừng một số dự án cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư.
Chu Maohua, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại ngân hàng Everbright Trung Quốc, nhận định: "Dữ liệu giá cả (tháng 4 - BTV) cho thấy nhu cầu trong nước đang phục hồi, cung và cầu tiếp tục cải thiện và triển vọng về nhu cầu trong nước và sự phục hồi giá cả là lạc quan".
"Tuy nhiên, giá tiêu dùng vẫn ở mức thấp và lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chịu áp lực, phản ánh mức nhu cầu hiệu quả là chưa đủ và sự phục hồi trong lĩnh vực này vẫn chưa đủ cân bằng", nhà phân tích của ngân hàng Everbright đánh giá.
Ngược với CPI, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 4 của Trung Quốc giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, sau mức giảm 2,8% của tháng 3. Kết quả tháng 4 đã kéo dài chuỗi sụt giảm của chỉ số PPI trong 1 năm rưỡi.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 10/5 cho biết họ sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt, chính xác và hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi vừa phải của giá tiêu dùng để củng cố sự phục hồi kinh tế.
Quan điểm trên được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nêu trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý. Trước đó, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết rằng nước này sẽ sử dụng các công cụ chính sách, như tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất của ngân hàng, để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhiều nhà phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay của Trung Quốc sẽ là thách thức khó đạt được nếu Bắc Kinh không có thêm hỗ trợ chính sách.