Theo Bloomberg, lãi ròng của Top Glove Corp. đã tăng lên 2,38 tỷ ringgit (584 triệu USD) chỉ trong vòng 3 tháng từ tháng 9 đến tháng 11, tương đương tăng hơn 20 lần so với mức 111,4 triệu ringgit cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng gấp 4 lần, đạt 4,76 tỷ Ringgit.
Trong năm nay, cổ phiếu của công ty này niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Malaysia cũng ghi nhận tăng trưởng 330%.
Ngành sản xuất găng tay trở thành một trong những lĩnh vực nóng nhất trong đại dịch Covid-19 do bùng nổ nhu cầu đồ bảo hộ.
Top Glove cho biết, việc tung ra vắc-xin Covid-19 vào năm tới sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu về găng tay y tế vì ý thức tự bảo vệ của người dân ngày càng cao và công ty sẽ nới công suất lên 100 tỷ chiếc trong vòng 5 năm tới.
Top Glove dự đoán, so với trước đại dịch, nhu cầu găng tay tăng 20% trong năm nay, tăng 25% trong năm 2021 và tăng 15% sau đại dịch.
Trước đó vào tháng 11, một đợt bùng phát dịch bệnh đã xảy ra tại các nhà máy của Top Glove hơn 5.000 công nhân của hãng bị nhiễm Covid-19. Chính phủ Malaysia đã phải ra lệnh đóng cửa 28 nhà máy của công ty để ngăn chặn dịch bệnh.
Các lô hàng găng tay sụt giảm và cổ phiếu của Top Glove giảm 17% trong tháng 11, mức giảm lớn nhất trong một tháng ghi nhận được kể từ tháng 1/2016. Sau đợt dịch trên, Top Glove đã chi 2,43 triệu USD để cải thiện điều kiện sống của người lao động và ngăn ngừa các tình huống tương tự trong tương lai.
Trước đó vào tháng 7, Mỹ đã cấm các sản phẩm của hai chi nhánh của Top Glove sau khi tìm thấy những bằng chứng liên quan đến hành vi cưỡng bức người lao động. Giám đốc điều hành Lee Kim Meow cho biết, công ty hiện đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với cơ quan hải quan Mỹ.
Malaysia hiện sản xuất gần 70% lượng găng tay cao su y tế trên thế giới, và nhu cầu về mặt hàng này trên toàn cầu đã tăng cao trong đợt đại dịch, giúp các nhà sản xuất như Top Glove đạt lợi nhuận kỷ lục.
Top Glove có khoảng 16.000 nhân viên làm việc tại các nhà máy và điều hành 47 nhà máy ở Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, với 36 nhà máy trong số đó sản xuất găng tay.
Năm 2019, Top Glove đã đầu tư 24,5 triệu USD xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, Top Glove chọn Việt Nam làm điểm đến, ngoài tiềm năng của thị trường, còn do nhiều lợi thế lớn trong lĩnh vực này. 90% nguyên liệu làm ra găng tay là cao su thiên nhiên. Việt Nam là quốc gia có sản lượng cao su lớn, thuận lợi về nguồn nguyên liệu.